Biên Hòa trong câu nhớ câu thương

Biên Hòa là địa danh hành chính xuất hiện khá sớm từ thời chúa Nguyễn và tồn tại cho đến nay (trấn, tỉnh, thành phố). Hiện nay, Biên Hòa là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Đồng Nai. Trong mỗi thời kỳ, địa giới Biên Hòa có những thay đổi.

Tàu lủa đón khách tại Ga Biên Hòa. Ảnh: ĐỖ QUYÊN

Tàu lủa đón khách tại Ga Biên Hòa. Ảnh: ĐỖ QUYÊN

Tên gọi Biên Hòa đi vào trong nhiều bài ca, câu hát trữ tình. Trong vốn văn hóa dân gian của Nam Bộ, một số công trình nghiên cứu xuất hiện một số câu ca liên quan địa danh Biên Hòa.

Tâm tình người đợi

Trong tác phẩm Câu hát huê tình của Đặng Lễ Nghi do Nhà xuất bản Phạm Văn Thình phát hành (1928, 1929 và 1930) có 361 câu hát, có một câu hát nhắc đến Biên Hòa:

- Bước lên xe lửa Biên Hòa

Tánh Linh anh tới đó, chắc là xa em.

Câu hát này gợi nhớ về Biên Hòa trong một thời đoạn lịch sử vào đầu thế kỷ XX với hình ảnh của mạng lưới giao thông về đường sắt (thiết lộ) mà chính quyền thực dân Pháp đã xây dựng ở miền Đông Nam Kỳ nói chung, trong đó có tỉnh Biên Hòa.

“Xe lửa Biên Hòa” nhắc nhớ hình ảnh tàu lửa (tàu hỏa, hỏa xa) ở Nam Kỳ thời kỳ chính quyền thuộc địa Pháp xây dựng. Sau khi cơ bản đàn áp các cuộc khởi nghĩa ở Việt Nam, Pháp tiến hành khai thác thuộc địa. Cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất bắt đầu từ năm 1897 kéo dài cho đến năm 1914 khi chiến tranh thế giới lần thứ nhất nổ ra. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác nguồn lợi lâm sản và vận chuyển, Pháp tiến hành xây dựng tuyến đường xe lửa từ Sài Gòn đi các tỉnh lân cận. Năm 1900, tuyến đường sắt Sài Gòn đi Nha Trang được khởi công và đến năm 1913 đưa vào sử dụng. Các chặng xe lửa được hoàn thành từng bước (Sài Gòn - Xuân Lộc, Gia Rai - Mương Mán - Nha Trang) vào các thời điểm khác nhau.

Lúc bấy giờ, tỉnh Biên Hòa khá rộng, rừng núi bạt ngàn, nguồn lợi lâm sản dồi dào. Người Pháp mở một số trại khai thác lâm sản, tuyển mộ nhiều công nhân các nơi đến làm việc. Những đoạn đường xe lửa băng qua các vùng rừng núi hoang vắng.

Tánh Linh hiện nay là huyện miền núi của tỉnh Bình Thuận, giáp với tỉnh Đồng Nai. Địa giới của Tánh Linh trước đây khá rộng, trực thuộc tổng Bình Tuy của tỉnh Biên Hòa. Sau này, phần đất này được tách và sáp nhập với các vùng lân cận hình thành tỉnh Bình Tuy từ giữa thế kỷ XX. Địa bàn rừng núi Tánh Linh có một số tộc người thiểu số sinh sống (Răglai, Chăm, Mạ, Chơro…). Trên địa bàn Tánh Linh có các nhà ga xe lửa trên tuyến đường Bắc Nam là ga Gia Huynh, Suối Kiết, Sông Dinh. Tánh Linh đầu thế kỷ XX khá hoang vắng, “rừng thiêng nước độc” đối với những con người từ nơi khác đến sống.

Câu hát trên đây như lời thổ lộ tâm tình của cô gái đưa tiễn người yêu của mình đến vùng đất Tánh Linh làm việc. Ngày chia tay tại ga xe lửa Biên Hòa, cô gái dự cảm buồn cho tình yêu dù lòng vẫn nhớ vẫn thương nhưng xa xôi, cách trở.

Những người phu “cu li” trên các công trường làm đường sắt, khai thác lâm sản vùng rừng núi, làm việc năng nhọc, điều kiện sống kham khổ, đối diện nhiều bệnh tật và sự cai quản hà khắc của giới chủ. Tình yêu xa cách, cô gái chia tay người trong nỗi buồn thương, thổ lộ sự lo lắng “chắc là…”. Đây cũng là lời nhắc để chàng trai thấu hiểu được tình yêu của cô gái dành cho và không để cho người yêu thất vọng.

Nỗi buồn chia xa

Trong sách Văn học dân gian Bạc Liêu, trong nhiều câu ca trữ tình, có 2 bài nói về địa danh (sông, núi) và sản vật (bưởi) của Biên Hòa.

Tàu qua cầu Ghềnh - cầu đường sắt có từ năm 1904. Ảnh: Lò Văn Hợp

Tàu qua cầu Ghềnh - cầu đường sắt có từ năm 1904. Ảnh: Lò Văn Hợp

Thật khó có thể xác định được thời gian xuất hiện những câu ca này. Điều thú vị, câu ca này được sưu tầm ở tỉnh Bạc Liêu, khu vực Tây Nam Bộ - khá xa miền Đông Nam Bộ. Như vậy, người trong cuộc của những bài thơ này từng đến Biên Hòa, ở Biên Hòa…

- Sông Biên Hòa chảy ra bến cát

Bưởi Biên Hòa vị ngọt mùi thanh

Mười năm khói lửa đao binh

Cô em bán bưởi bỏ mình tại đây.

Sông dài nước chảy chia đôi

Ai về xứ Bạc (Bạc Liêu) cùng tôi thì về.

Bài thứ nhất nói về hình ảnh của sông Biên Hòa và loại đặc sản trái cây bưởi Biên Hòa. Xưa nay, người ta hay quen dùng là sông Đồng Nai và bười Tân Triều. Thực ra, sông Biên Hòa có hàm nghĩa là đoạn sông chảy qua thành phố Biên Hòa.

Vùng Biên Hòa có trồng bưởi nhưng không nổi tiếng, bười vùng Tân Triều (nay thuộc huyện Vĩnh Cửu) nổi tiếng từ khá lâu. Vùng cù lao Tân Triều bưởi ngon xưa thuộc Biên Hòa (trấn, tỉnh, thành phố) và mặc nhiên, bưởi ngon Tân Triều vừa chỉ xuất xứ điểm gốc và lưu truyền luôn với danh bưởi Biên Hòa.

Trong câu “Sông Biên Hòa chảy ra bến cát” cũng ngờ ngợ từ “bến cát”. Bến Cát là địa danh, đơn vị cấp thành phố trực thuộc tỉnh Bình Dương và sông Biên Hòa theo địa thế thì không thể chảy ngược lên đó. Vậy định danh “Bến cát” ở đâu? Trên đoạn sông Đồng Nai chảy qua địa phận Biên Hòa xưa và nay có những bến tập trung nguồn cát khai thác thế nhưng chỉ tập kết tạm thời. Thiển nghĩ, có địa danh liên quan tới sông Biên Hòa là Rạch Cát từ khá sớm. Đoạn sông Biên Hòa tới mỏm cù lao Phố nổi tiếng xưa (nay là phường Hiệp Hòa) chia làm hai nhánh: nhánh Rạch Cát (sông Cái, có cầu Rạch Cát) và nhánh sông chính (có cầu Gành).

Nội dung bài ca này cho thấy người “cất lời” là phái nam, quê ở Bạc Liêu, đến Biên Hòa của thời chiến tranh “mười năm khói lửa đao binh”. Tại đây, chàng trai - người lính này có tình yêu với “cô em bán bưởi” rồi phải chia tay. Lời hát mang nỗi buồi của tình yêu không trọn vẹn miên man của hình ảnh miên man “sông dài nước chảy chia đôi”. Chàng trai trở về nơi quê hương Bạc Liêu nhưng vẫn mang nỗi nhớ, chờ đợi khi gọi thầm người xưa “ai về, cùng tôi”.

Trắc trở duyên tình

- Chim bay về núi Biên Hòa

Chồng đâu vợ đó ai mà muốn xa.

Việc này cũng tại mẹ cha

Cho nên đũa ngọc phải xa mâm vàng.

Biên Hòa ở đây như một địa danh chỉ về quê hương, nơi chốn. Tỉnh Biên Hòa khá rộng và có nhiều dãy núi kéo dài nhưng không cao. Trong những dãy núi, có những ngọn cao vừa phải, có tiếng Châu Thới (nay thuộc Dĩ An, Bình Dương), Bửu Long (Biên Hòa).

Cảnh quan núi ở Biên Hòa nay khác xưa bởi sự phát triển của các lớp cư dân và quá trình khai khẩn. “Chim bay về núi” là cụm từ xuất hiện trong khá nhiều câu ca ở Nam Bộ, nói lên tình cảm của con người dành cho nhau, đặc biệt tình yêu trai gái hay nghĩa vợ chồng.

- Chim bay về núi tối rồi,

Sao không toan liệu còn ngồi chờ ai?

- Chim bay về núi về non,

Cá kia về vực anh còn đợi em.

- Chim bay về núi bơ vơ,

Anh ơi chầm chậm mà chờ duyên em.

- Chim bay về núi Chùa Bà,

Phân chồng rẽ vợ ai mà chẳng thương.

Trong câu ca có địa danh Biên Hòa như một lời cảm thán của “người trong cuộc” với tình yêu trái ngang, bị phân rẽ, chia lìa bởi mẹ cha. Những người trong cuộc “xứng đôi vừa lứa” với hình ảnh chàng trai “đũa ngọc” và cô gái “mâm vàng” nhưng không biết rõ nguyên do từ người lớn.

Lời trách móc trên không biết của chàng trai hay cô gái khó có thể xác định dù vị trí được xác định trước sau trong câu hát. Có thể đó là tự sự của chàng trai nhưng cũng có thể là lời than thân trách phận của cô gái. “Chim bay về núi Biên Hòa” cám cảnh ở chỗ biết nơi chốn của người mình yêu thương nhưng không được ở cùng. Nỗi buồn cứ nhân lên khi khi người trong cuộc nhìn cảnh “chim bay về núi” mỗi ngày để trông mong.

Trong những câu ca trên, nỗi lòng của người con gái Biên Hòa xưa được bày tỏ ra hay sự hờn trách của chàng trai xứ khác về họ khi tình yêu bị ngăn cách. Ai ở trong hoàn cảnh họ mới hiểu được nỗi lòng của nhau.

Phan Đình Dũng

Xin mượn lời câu hát này để mong ước cho cái kết có hậu của những người dành cho nhau yêu thương và nhớ mong:

Biên Hòa xứ bưởi thanh thanh

Có cô bán bưởi xinh xinh trữ tình

Anh đây lên thác xuống ghềnh

Đá mòn sông cạn quyết chung tình với em.

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202405/bien-hoa-trong-cau-nho-cau-thuong-fdd3e4f/