Biến lá khóm thành tơ sợi

Với khát vọng lập thân, lập nghiệp cùng mong muốn làm được điều có ích cho quê hương, anh Nguyễn Ngọc Quyền (xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) đã nghiên cứu thực hiện mô hình 'Sản xuất tơ sợi từ lá khóm'. Bước đầu, việc sản xuất tơ sợi từ lá khóm cho thấy nhiều triển vọng, biến thứ tưởng chừng bỏ đi thành sản phẩm có giá trị.KHỞI NGHIỆP TỪ THỨ TƯỞNG CHỪNG BỎ ĐI

Khóm là một trong những loại cây ăn trái chiếm diện tích lớn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Hiện diện tích khóm của toàn tỉnh có khoảng 15.000 ha, chủ yếu tập trung tại huyện Tân Phước. Năm 2022, sau khi đại dịch Covid-19 kết thúc, anh Quyền rời TP. Hồ Chí Minh trở về quê với trăn trở phải tìm kiếm mô hình khởi nghiệp phù hợp và gắn liền với địa phương.

Đồng chí Phạm Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang trao giải Đặc biệt ở Bảng tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp của Cuộc thi “Ý tưởng, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Tiền Giang” năm 2024 cho Dự án “Sản xuất tơ sợi từ lá khóm” của anh Quyền.

Đồng chí Phạm Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang trao giải Đặc biệt ở Bảng tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp của Cuộc thi “Ý tưởng, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Tiền Giang” năm 2024 cho Dự án “Sản xuất tơ sợi từ lá khóm” của anh Quyền.

Trong một lần tình cờ đến nhà bạn ở huyện Tân Phước chơi, anh Quyền nhìn thấy khóm sau khi thu hoạch trái, thì lá khóm đều bị nông dân bỏ đi. Đây là nguồn tài nguyên rất lớn nhưng đang bị lãng phí.

“Thông thường nông dân sẽ đốt bỏ hoặc thuê máy cắt nhỏ lá khóm, rồi rải lại đất để làm phân. Tuy nhiên, quá trình phân hủy này rất lâu và nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường. Khi nhìn thấy điều này, tôi nhớ lại câu chuyện của bà ngoại mình từng kể, là trong thời kỳ kháng chiến do thiếu thốn nên bà phải dùng miểng sành cạo lá khóm để lấy sợi, rồi se thành chỉ may vá đồ cho bộ đội. Từ đây, trong tôi xuất hiện ý tưởng sẽ tạo ra sản phẩm có ích từ lá khóm”, anh Quyền chia sẻ.

Qua tìm hiểu, anh Quyền biết đến Công ty cổ phần Nghiên cứu sản xuất và phát triển sợi Eco đã sản xuất ra máy đánh tơ sợi từ lá khóm rất hiệu quả. Sau thời gian nghiên cứu và tham quan thực tế tại công ty này, anh Quyền quyết định thành lập Công ty TNHH MTV Bạch Chấn Phi và đầu tư thử nghiệm 2 máy đánh sợi dạng nhỏ để sản xuất tơ sợi từ lá khóm, với công suất khoảng 2,5 kg thành phẩm sợi/ngày.

Sau thời gian thử nghiệm, nhận thấy triển vọng nên công ty của anh Quyền đã liên kết với một doanh nghiệp khác để đầu tư dây chuyền sản xuất từ đánh sợi tơ khóm đến bông hóa. Theo đó, tơ sợi từ lá khóm sẽ được sản xuất dưới dạng thô, sau đó sẽ qua quy trình bông hóa để kéo thành sợi phục vụ sản xuất vải.

Theo tính toán của anh Quyền, ước tính 1 ha khóm sẽ thu hoạch được khoảng 10 tấn lá. Sau khi lá khóm được mang về sẽ đưa vào máy đánh sợi. Kế đến, tơi sợ sẽ được mang đi rửa sơ để bớt bụi bẩn và đem đi phơi. Trung bình 60 kg lá khóm tươi sản xuất được 1 kg tơ sợi thành phẩm. Hiện công ty của anh chỉ sản xuất sợi thô để cung cấp cho các nhà máy.

Công ty đã đầu tư máy đánh sợi với công suất khoảng 2 tấn lá khóm/ngày. Trung bình mỗi ngày sản xuất ra khoảng 15 kg tơ sợi từ lá khóm. Tơ sợi thô được bán cho các nhà máy với giá 175.000 đồng/kg.

ĐỊNH HƯỚNG CHO TƯƠNG LAI

Thực tế cho thấy, quá trình khởi nghiệp với tơ sợi từ lá khóm của anh Quyền cũng không phải là một hành trình suôn sẻ. Theo anh Quyền, hiện biên độ lợi nhuận của doanh nghiệp tương đối thấp. Nguyên nhân là do chi phí nhân công thu hoạch lá khóm khá cao, chiếm khoảng 80% chi phí đầu vào. Chưa kể, hiện nguồn lao động ở khu vực nông thôn cũng đang rất khan hiếm.

“Công lao động trong sản xuất tơ sợi rất ít, chỉ cần 3 lao động là có thể vận hành các công đoạn. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất vẫn là chi phí nhân công thu hoạch lá khóm cao, nên công ty chưa thể mở rộng quy mô sản xuất.

Tơ sợi từ lá khóm rất bền, chắc nên nhu cầu của thị trường rất cao, nhưng doanh nghiệp chưa thể đáp ứng. Hiện công ty đang nghiên cứu sản xuất một thiết bị chuyên thu hoạch lá khóm nhằm giảm chi phí đầu vào. Từ đó, tiến tới việc mở rộng quy mô sản xuất để cung ứng cho các đối tác”, anh Quyền cho biết.

Theo anh Quyền, trong khoảng 3 năm tới, Công ty TNHH MTV Bạch Chấn Phi sẽ tập trung phát triển sản xuất tơ sợi từ lá khóm. Khi ổn định, công ty sẽ đầu tư nhà máy tại huyện Tân Phước để đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh với quy mô khoảng 10 tấn thành phẩm/tháng.

Anh Quyền giới thiệu sản phẩm tơ sợi từ lá khóm tại một cuộc trưng bày.

Anh Quyền giới thiệu sản phẩm tơ sợi từ lá khóm tại một cuộc trưng bày.

Để sản xuất được sản lượng này, công ty cần phải đầu tư từ 10 - 20 máy đánh sợi, chi phí dự kiến khoảng 5 tỷ đồng. Hiện nay, nhu cầu của thị trường đối với sản phẩm tơ sợi từ lá khóm rất cao.

Đây cũng là xu hướng của thế giới, bởi sản phẩm từ tơ sợi này rất thân thiện với môi trường. Đặc biệt là giải quyết bài toán về nguồn phế phẩm, đảm bảo môi trường. Về dài hạn, công ty định hướng sẽ đầu tư điểm du lịch sinh thái gắn với tham quan học tập mô hình sản xuất tơ sợi từ lá khóm.

Ngoài sản phẩm chủ lực tơ sợi từ lá khóm, anh Quyền đang phối hợp với Trường Đại học Tiền Giang thực hiện đề tài nghiên cứu cấp cơ sở để sản xuất phân vi sinh từ vỏ lá khóm sau khi tách tơ sợi và hiện đề tài đã được phê duyệt.

Sắp tới đây, công ty sẽ phối hợp với Trường Đại học Trà Vinh để nghiên cứu sản xuất gỗ nhẹ từ phần vỏ lá khóm sau khi tách tơ sợi. Đối với phần nước thải trong quá trình rửa tơ sợi, Công ty TNHH MTV Bạch Chấn Phi đang phối hợp với Viện Cây ăn quả miền Nam nghiên cứu thêm vi sinh vào để tạo thành nước phân bón cho cây trồng.

Trên thực tế, anh Quyền đã thu về những thành công bước đầu trong việc biến một loại vật liệu tưởng chừng như vô giá trị thành những tơ sợi vải bền vững, mang lại cuộc cách mạng lớn cho ngành Công nghiệp thời trang, góp phần giải quyết nguồn phụ phẩm trong nông nghiệp.

Với những kết quả tích cực và đầy triển vọng trên, vừa qua, Dự án “Sản xuất tơ sợi từ lá khóm” của anh Quyền đã đoạt giải Đặc biệt ở Bảng tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp của Cuộc thi “Ý tưởng, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Tiền Giang” năm 2024.

ANH THƯ

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202501/bien-la-khom-thanh-to-soi-1031048/