Biến lá thông thành nguồn sinh kế bền vững

Tại Uttarakhand (Ấn Độ), các cư dân chỉ việc lên rừng nhặt lá thông về bán với giá 2 rupe/kg (khoảng 630 đồng).

Lá thông khô là “của trời cho” ở Uttarakhand, Ấn Độ.

Lá thông khô là “của trời cho” ở Uttarakhand, Ấn Độ.

Mức lương tối thiểu ở Ấn Độ rất thấp, chỉ 176 rupe/ngày (khoảng 55.000 đồng), một người lao động có thể gom được 2 tạ lá thông mỗi ngày sẽ kiếm được mức tiền khá cao.

Với diện tích rừng lá kim lên đến 400.000 ha và sản lượng 1,3 triệu tấn lá rụng/năm, Uttarakhand hứa hẹn bảo đảm nguồn sinh kế bền vững.

Sản xuất nhiệt điện

Thông là loài thực vật lá kim thường thấy ở các khu vực khí hậu ôn đới. Chúng bao gồm 11 chi, có chiều cao từ 2 - 100m và xanh quanh năm.

Đây là loài cây lấy gỗ chính của thế giới. Trung bình mỗi năm, toàn cầu thu hoạch khoảng 26.400 tấn gỗ thông.

Uttarakhand là bang thuộc miền Bắc Ấn Độ, quốc gia ở châu Á. Nó chiếm một phần của dãy Himalaya hùng vĩ, có diện tích 53.483 km2 và dân số trên 10 triệu người.

Cư dân Ấn Độ gọi khu vực này là “Vùng đất của các vị thần”. Ở đây có rất nhiều điểm hành hương, thu hút tín đồ từ khắp cả nước và các quốc gia láng giềng như Nepal, Trung Quốc, Pakistan.

 Rừng Uttarakhand cung cấp 1,3 triệu tấn lá thông khô mỗi năm.

Rừng Uttarakhand cung cấp 1,3 triệu tấn lá thông khô mỗi năm.

Trong phần Himalaya thuộc Uttarakhand, có đến 400.000 ha rừng thông. Chúng được trồng từ thời Ấn Độ thuộc Anh, là một trong các nguồn cung cấp gỗ lớn nhất trong nước.

Thú vị là từ năm 2009 tới nay, vùng rừng rộng lớn này còn biến thành “lộc trời” không bao giờ cạn.

Nó giúp các cư dân nghèo ở đây lần lượt đổi đời. Người đem cơ hội này đến là Rajnish Jain, ông chủ Doanh nghiệp Năng lượng Avani Bio (Avani Bio Energy).

Vào năm 2007, Rajnish đề xuất một dự án nhiệt điện ấn tượng: Sử dụng lá thông khô làm nguyên liệu. Ông cho biết, nếu loài lá này được đốt trong điều kiện 1.000 độ C và yếm khí (lượng oxy cực thấp), nó sẽ sản sinh ra hỗn hợp khí carbon monoxide (CO), metan (CH4) và hydro (H2). Chỉ cần lọc sạch bụi và đưa hắc ín vào hỗn hợp khí này, tiếp tục đốt thì sẽ tạo ra nhiệt điện.

Gian nan triển khai

Những nhà máy điện lá thông chỉ 10-25 kWh này mang đến tương lai ấm no cho dân nghèo Uttarakhand.

Những nhà máy điện lá thông chỉ 10-25 kWh này mang đến tương lai ấm no cho dân nghèo Uttarakhand.

Đề xuất của Rajnish dựa trên báo cáo khoa học vào năm 1994 của Viện Khoa học Ấn Độ (Indian Institute of Science).

Họ phát hiện ra, nếu đốt chất thải nông nghiệp như trấu, lá khô, gáo dừa... trong môi trường yếm khí và nhiệt độ 1.000C thì sẽ thu được nhiệt điện.

Mặc dù là thực vật thường xanh, thông vẫn rụng lá. Từ khoảng tháng 3 - 6 hàng năm, chúng trải một lớp lá rụngdày trên nền rừng ở Uttarakhand. Lá thông khô rất dễ bắt lửa, gây hỏa hoạn trên diện rộng.

Ngoài thông, khu vực hoang dã của Uttarakhand còn là nhà của 1.800 thảo dược khác. Mỗi lần xảy ra cháy rừng, tất cả đều bị đốt trụi, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập của các cư dân sống phụ thuộc vào nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Rajnish vốn là một chuyên gia về năng lượng mặt trời. Ông nhận ra nếu tận dụng lá thông khô để sản xuất điện, thì sẽ giải quyết được cả 2 vấn đề cấp thiết nhất của Uttarakhand: Cháy rừng và nghèo. Vào năm 2007, ông nộp đề xuất biến lá thông thành nhiệt điện lên chính quyền địa phương. Tuy nhiên lúc này, ông bị từ chối ngay lập tức.

“Mọi người nghĩ rằng tôi bị điên, vì làm sao mà có thể biến lá thông thành điện cho được”, Rajnish nhớ lại: “Và dù tôi có thể biến nó thành điện thật đi chăng nữa, lấy đâu ra đủ lá thông mà đốt”.

Mặc dù bị Uttarakhand từ chối, ý tưởng của Rajnish được Quỹ Volkart (Volkart Foundation, Thụy Sĩ) hỗ trợ các cộng đồng nghèo quan tâm. Họ đầu tư vốn cho ông thử nghiệm làm nhiệt điện bằng lá thông.

Năm 2009, Rajnish thành công mở cơ sở điện lá thông đầu tiên trên thế giới. Ông tích cực tham gia nhiều chương trình truyền hình, giới thiệu và kêu gọi sử dụng điện lá thông.

Năm 2011, doanh nghiệp Năng lượng Avani Bio do chính Rajnish thành lập khai trương. Vị chủ tịch mới này ký được hợp đồng với chính phủ Ấn Độ, với điều kiện bảo đảm sản xuất đủ lượng điện chiếm 1/5 tổng năng lượng tái tạo toàn quốc.

Năm 2014, chính sách thương mại lá thông do Rajnish đề nghị cũng được thông qua. Ấn Độ đang có khoảng 30 nhà máy điện lá thông. Họ tận dụng thêm cả các nguồn sinh khối nông nghiệp như lá và vỏ dừa, rơm rạ, vỏ trấu...

So với các nguồn nhiên liệu hóa thạch, phụ phẩm nông - lâm nghiệp an toàn hơn. Chúngvừa thu lợi cao lại nhân tiện bảo vệ môi trường. Nhiều quốc gia tân tiến nhất như Mỹ, Thụy Sĩ, Nhật Bản... cũng tích cực học công nghệ của Rajnish.

Sinh kế bền vững

Trung bình cứ 1,5kg lá thông khô thì sản xuất được 1kWh điện. Để bảo đảm nguồn cung không bị thiếu hụt, Rajnish chỉ mở các nhà máy điện lá thông siêu nhỏ từ 10 - 25 kWh. Ông thuê phụ nữ Uttarakhand thu lượm lá thông thủ công với giá 2 rupe/kg (khoảng 630 đồng).

Ban đầu, các chị em nghèo ở Uttarakhand có vẻ rất hồ nghi chuyện gom lá rừng rụng thôi cũng kiếm được tiền. Tuy nhiên, nếu chăm chỉ nhặt lá thông rụng 6 - 7 giờ/ngày, họ nhận được thu nhập gấp đôi mức lương tối thiểu ở Ấn Độ, tức là khoảng 352 rupe (tương đương 111.000 đồng).

Hoạt động thu hoạch lá thông ở Uttarakhand bắt đầu từ tháng 4, khi lượng lá khô rụng trở nên phong phú và kéo dài đến hết tháng 6.

Trong 3 tháng này, các nhà máy điện lá thông thu mua tất cả số lá khô được mang tới, tích trữ dùng cả năm. Đây cũng là khoảng thời gian cánh chị em nghèo Uttarakhand gác toàn bộ công việc, tập trung đi nhặt lá thông hết công suất. Họ có thể đạt sản lượng trên 2 tạ lá/ngày.

“Tôi đã tích cóp được 8.000 rupe/tháng (khoảng 2,5 triệu đồng) trong năm đầu tiên và đủ tiền mua một con bò lấy sữa”, Asha Devi - người làng Hasyudi, Uttarakhand hạnh phúc khoe.

Năm nay, chị còn kiếm được thu nhập 17.000 rupe/tháng (khoảng 5,3 triệu đồng) chỉ nhờ nhặt lá thông. Với khoản thu nhập này, Asha xây thêm một phòng trong nhà. Chị dự định sẽ tiếp tục dành dụm tiền, để sang năm xây thêm nhà bếp.

Hiện, chính quyền ở Uttarakhand đã phê duyệt dự án xây dựng thêm 40 nhà máy nữa, đặt tại các làng khác nhau để tiện thu gom lá thông và bán điện.

Sản lượng lá thông rụng của rừng Uttarakhand lên đến 1,3 triệu tấn/năm. Rajnish hy vọng nguồn cầu lớn này sẽ giải quyết triệt để vấn đề cháy rừng, bảo vệ các loài cây thuốc quý giá của bản địa.

Thực tế, một số loài thảo dược địa phương Uttarakhand tưởng chừng đã bị tuyệt chủng vì hỏa hoạn liên miên đang dần hồi phục.

Năm nay, người ta phát hiện mầm cây thanh mai đã nhú lên trên nền rừng Tripuradevi. Các cây mâm sôi vàng Himalaya và sồi Himalaya cũng cho quả trở lại, được thu bán với giá cao.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/khoa-hoc/bien-la-thong-thanh-nguon-sinh-ke-ben-vung-xD8atRtMR.html