Biển người Hồng Kông xuống đường, đòi Đặc khu trưởng từ chức vì dự luật dẫn độ

Chủ nhật hôm qua, hàng trăm ngàn người Hồng Kông đã xuống đường để biểu tình, chống lại dự luật cho phép dẫn độ người sang Đại lục. Họ đã gắng lao vào trụ sở của Hội đồng lập pháp và xô xát với cảnh sát.

Theo CNN trích dẫn từ những người tổ chức thì có hơn 1 triệu người đã tham gia xuống đường. Con số này vượt khá xa so với kỳ vọng của những người tổ chức. Theo dự tính ban đầu, các nhà tổ chức tin rằng với sự tham gia của hơn 50 nhóm hoạt động dân chủ thì số người xuống đường sẽ chạm với mốc 500.000 người biểu tình hồi năm 2003 khi người dân Hồng Kông phản đối luật an ninh quốc gia. Còn lần này, nhóm tổ chức ước tính có 1,03 triệu người xuống đường gấp đôi kỷ lục của 16 năm trước và chiếm hơn 13% dân số Hồng Kông (gần 7,5 triệu người). Trong khi đó, cảnh sát Hồng Kông ước tính có khoảng 240.000 người xuống đường.

Chiều chủ nhật, những người biểu tình mặc màu trắng - màu được chỉ định của cuộc biểu tình đã tập trung tại Công viên Victoria ở trung tâm Hồng Kông, vẫy những băng rôn hô to "Hồng Kông, đừng bao giờ bỏ cuộc!"

Đặc biệt, người biểu tình khi kéo đến trụ sở Hội đồng lập pháp còn hô nhiều tiếng "từ chức", "luật lệ xấu xa", "chống dẫn độ sang Trung Quốc" và kêu gọi Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga), Đặc khu trưởng Hồng Kông phải từ chức.

Theo Reuters, những người biểu tình đã đánh bật cảnh sát trong nỗ lực xâm nhập tòa nhà Hội đồng Lập pháp. Cảnh sát đánh bật trở lại với súng hơi cay trên tay. Khi đám đông lao vào sảnh thì cảnh sát đã dùng dùi cui và hơi cay đánh bật những người biểu tình ra ngoài. Vẫn chưa có xác nhận trường hợp nào bị thương hay thiệt mạng.

Việc người biểu tình xông vào trụ sở Hội đồng lập pháp cho thấy họ đã bất mãn với chính quyền Hồng Kông và bà Lam. Sở dĩ có sự bất mãn này là vì dự kiến trong tuần, chính quyền Hồng Kông sẽ thông qua dự luật cho phép dẫn độ người sang các nơi mà Hồng Kông chưa có hiệp ước dẫn độ chính thức. Theo CNN, điều này khiến dư luận lo ngại việc cho phép Bắc Kinh dẫn độ người từ đặc khu.

Các nhà phê bình cho rằng dự luật sẽ khiến bất cứ ai trên đất Hồng Kông dễ bị chính quyền Bắc Kinh bắt giữ vì lý do chính trị hoặc phạm tội kinh doanh vô ý và làm suy yếu hệ thống pháp lý bán tự trị của Hồng Kông.

Dự luật này đã gây ra sự bế tắc chính trị, sự phản đối trong cộng đồng doanh nghiệp thường bảo thủ của Hồng Kông. Các tập đoàn kinh doanh ở Hồng Kông thường có lập trường trung lập về các vấn đề chính trị. Nhưng lần này họ cũng đã lên tiếng chống lại dự luật. Trong một nỗ lực để đảm bảo sự hỗ trợ của họ, chính quyền đã giới hạn phạm vi phạm tội dẫn độ - nhưng vẫn chưa đủ làm dân doanh nhân vơi bớt lo lắng.

Dự luật cũng vấp phải sự chỉ trích dành cho chính quyền đặc khu từ Mỹ và Liên minh châu Âu. Tháng trước, đại diện của Liên minh châu Âu đã gặp Trưởng đặc khu Hồng Kông Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga) và bày tỏ lo ngại về dự luật. Các thành viên của Ủy ban Điều hành Quốc hội Mỹ về Trung Quốc (CECC) cũng đã lên tiếng phản đối dự luật, cảnh báo Trưởng đặc khu Lam rằng nó có thể "tác động tiêu cực đến mối quan hệ giữa Mỹ và Hồng Kông".

Thậm chí, ngay cả những người trong bộ máy chính quyền của Hồng Kông cũng thấy bất an, "Hồng Kông chưa sẵn sàng để thông qua dự luật này được và chúng tôi không hiểu tại sao nên vội vã thông qua với lý do lấp đầy lỗ hổng mà nó vẫn có cách giải quyết trong 20 năm", Anson Chan - cựu lãnh đạo Hồng Kông trong cả 2 thời kỳ tuyên bố.

Chính quyền nói rằng dự luật được thiết kế để lấp đầy các lỗ hổng trong luật hiện hành, bằng cách cho phép Hồng Kông quyết định tùy từng trường hợp cụ thể có gửi người trốn chạy đến các vùng lãnh thổ mà họ không có thỏa thuận dẫn độ chính thức hay không, ví dụ như Đài Loan, Macau và Trung Quốc đại lục. Các nhà lập pháp đã nói rằng sự đảm bảo của một phiên tòa công bằng sẽ không được ghi vào dự luật.

Nhưng phát ngôn viên chính phủ Matthew Cheung nói rằng động thái này rất cần thiết trong thời điểm hiện tại. Cheung nói đến độ cấp thiết nhằm ám chỉ xúc tiến vụ án công dân Hồng Kông bị giết ở Đài Loan. Một phụ nữ Hồng Kông 20 tuổi bị bạn trai sát hại khi đang đi nghỉ ở đó. Hiện tại, nghi phạm không thể được gửi từ Hồng Kông tới Đài Loan để xét xử. Đó là một cái cớ hay để thúc đẩy dự luật. Tuy nhiên, Đài Bắc đã tuyên bố sẽ từ chối hợp tác với luật mới nếu nó khiến công dân Đài Loan có nguy cơ bị dẫn độ sang Trung Quốc.

Riêng bà Lam khẳng định "không có cơ sở" để suy diễn chính phủ Hồng Kông "sẽ chỉ làm theo hướng dẫn của Chính phủ Trung ương và phục tùng bất cứ điều gì mà Chính phủ Trung ương muốn".

Thế nhưng, người dân Hồng Kông có vẻ không tin tưởng lời bà Lam. Cuộc biểu tình hôm Chủ nhật đã gợi nhớ đến cuộc biểu tình năm 2003 không chỉ vì quy mô, vì động cơ phản đối một dự luật mà còn vì cả yêu cầu đòi Đặc khu trưởng phải từ chức. Năm 2005, ông Đổng đã phải từ chức vì lý do sức khỏe.

Anh Tú

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/bien-nguoi-hong-kong-xuong-duong-doi-dac-khu-truong-tu-chuc-vi-du-luat-dan-do-114779.html