Chuyện gì sẽ xảy ra nếu ông Trump quyết giành Greenland?

Kế hoạch áp thuế đối với Đan Mạch xoay quanh ý định giành quyền kiểm soát Greenland của ông Trump có thể khiến Mỹ khó tiếp cận một số sản phẩm quan trọng, trong đó có dược phẩm.

Tổng thống đắc cử Donald Trump đã tỏ ý muốn áp thuế quan đối với một số quốc gia với nhiều lý do khác nhau.

Sau Mexico và Canada, Đan Mạch là đối tượng tiếp theo lọt vào tầm ngắm bị áp thuế của chính quyền Trump trong nhiệm kỳ thứ hai.

Ngày 6/1 (giờ địa phương), tổng thống đắc cử tuyên bố sẽ "đánh thuế Đan Mạch ở mức rất cao" nếu nước này từ chối cho phép đảo Greenland trở thành một phần của Mỹ.

"Họ nên giao lại quyền kiểm soát Greenland vì chúng tôi cần đảo này cho mục đích an ninh quốc gia", ông Trump nói.

Các mặt hàng trọng yếu

Đan Mạch, với dân số còn ít hơn cả thành phố New York, không phải là một đối tác thương mai lớn của Mỹ. Trong năm 2023, đồng minh này của Mỹ, cũng là thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), xuất khẩu khối lượng hàng hóa trị giá hơn 11 tỷ USD vào Mỹ, một con số khiêm tốn trong tổng lượng nhập khẩu hơn 3.000 tỷ USD của xứ cờ hoa.

Ở chiều ngược lại, Mỹ xuất khẩu hơn 5 tỷ USD hàng hóa sang Đan Mạch, với các mặt hàng chính bao gồm máy móc công nghiệp, máy tính, máy bay và dụng cụ khoa học.

Mặc dù có quy mô nhỏ, Đan Mạch là nơi sản xuất và cung cấp một số mặt hàng trọng yếu của Mỹ. Những mặt hàng này có nguy cơ trở nên đắt đỏ đối với người Mỹ nếu ông Trump thực sự tiến hành việc áp thuế quan cao.

Theo Cơ quan Giám sát Sự phức tạp của Nền kinh tế (OEC), gần một nửa số hàng xuất khẩu gần đây của Đan Mạch sang Mỹ là thuốc đóng gói, insulin, vaccine và thuốc kháng sinh.

Đan Mạch vốn là quê hương của Novo Nordisk, nhà sản xuất các loại thuốc giảm cân phổ biến như Ozempic và Wegovy. Công ty này đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Đan Mạch khi chiếm một nửa mức tăng trưởng việc làm trong khu vực tư nhân của Đan Mạch và toàn bộ mức tăng trưởng kinh tế của đất nước.

 Ozempic cùng nhiều loại dược phẩm phổ biến tại thị trường Mỹ được sản xuất và nhập khẩu từ Novo Nordisk của Đan Mạch. Ảnh: New York Times.

Ozempic cùng nhiều loại dược phẩm phổ biến tại thị trường Mỹ được sản xuất và nhập khẩu từ Novo Nordisk của Đan Mạch. Ảnh: New York Times.

Novo Nordisk được cho là đang tìm cách tăng sản lượng xuất khẩu sang Mỹ để đáp ứng nhu cầu tăng cao đối với các sản phẩm giảm cân GLP-1 (nhóm thuốc gây mê làm giảm lượng đường trong máu và năng lượng tiêu thụ bằng cách kích hoạt thụ thể GLP-1).

Novo Nordisk không công bố cụ thể lượng sản phẩm xuất khẩu song phần lớn dược phẩm do công ty này sản xuất trong và ngoài Đan Mạch chủ yếu là cho thị trường Mỹ, theo New York Times.

Một phát ngôn viên của Novo Nordisk cho biết trong một tuyên bố rằng công ty này đang theo dõi sát sao tình hình song sẽ không bình luận về các giả thuyết và suy đoán.

Theo Gilberto Garcia, nhà phân tích kinh tế cấp cao của Datawheel và là thành viên OEC, Đan Mạch không chỉ chứng kiến mức "tăng trưởng theo cấp số nhân" đối với các mặt hàng thuốc miễn dịch mà còn là nhà cung cấp máy trợ thính hàng đầu cho Mỹ.

Theo OEC, bên cạnh dược phẩm, Đan Mạch còn xuất khẩu sang Mỹ các dụng cụ y tế, phi lê cá, thịt lợn, dầu hắc ín, dầu mỏ cùng nhiều sản phẩm khác.

Ngoài ra, Đan Mạch còn là nhà sản xuất Lego, loại đồ chơi phổ biến với cả trẻ em lẫn người lớn, lớn nhất thế giới.

 Lego cũng là một công ty đa quốc gia có trụ sở tại Đan Mạch có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi thuế quan. Ảnh: Unsplash.

Lego cũng là một công ty đa quốc gia có trụ sở tại Đan Mạch có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi thuế quan. Ảnh: Unsplash.

Phần lớn sản phẩm của Lego phục vụ thị trường Mỹ được sản xuất tại một nhà máy ở Mexico và một cơ sở trung hòa carbon mới ở Virginia. Công ty này cũng có nhà máy ở Trung Quốc, Việt Nam, Hungary, Czech và ngay tại Đan Mạch.

Tuy nhiên, tương tự nhiều công ty đa quốc gia tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu khác, hoạt động kinh doanh của Lego có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi mức thuế quan cao.

Phản ứng khả dĩ từ châu Âu

Tuyên bố muốn giành quyền kiểm soát đảo Greenland nằm trong cuộc họp báo kéo dài của ông Trump, trong đó tổng thống đắc cử đồng thời đề xuất việc đòi lại Kênh đào Panama và biến Canada thành một phần của nước Mỹ. Những phát biểu này được cho là đã làm dấy lên các luồng phản ứng trái chiều từ nhiều lãnh đạo thế giới, theo New York Times.

Ông Trump ngày 7/1 (giờ địa phương) lập luận rằng việc giành quyền kiểm soát Greenland là vấn đề an ninh quốc gia khi xét đến vị trí của đảo này với các tuyến đường tàu mà những đối trọng nước ngoài của Mỹ có thể vạch ra.

"Đảo Greenland thuộc về người Greenland", Múte Egede, lãnh đạo đảo Greenland, viết trên mạng xã hội Facebook vào cùng ngày. "Tương lai và nỗ lực giành độc lập cho Greenland là việc của chúng tôi".

 Lãnh đạo đảo Greenland Múte Egede. Ảnh: Ritzau Scanpix.

Lãnh đạo đảo Greenland Múte Egede. Ảnh: Ritzau Scanpix.

Một ngày sau, phát ngôn viên của Ủy ban châu Âu (EC) nói rằng những bình luận của ông Trump về việc giành quyền kiểm soát Greenland chỉ "mang tính giả thuyết".

Khi được hỏi về các mối đe dọa áp thuế, phát ngôn viên này cho biết EC đã chuẩn bị cho mọi tác động có thể xảy ra trong nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Trump đối với nền thương mại ở châu Âu.

Jacob Funk Kirkegaard, thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson ở Brussels, nhận định rằng không nhiều chính trị gia ở châu Âu thực sự xem xét các phát ngôn của ông Trump về Greenland theo nghĩa đen.

Ông Kirkegaard cũng cho rằng nếu tổng thống đắc cử thực sự áp mức thuế quan cao đối với Đan Mạch, Mỹ sẽ cần chuẩn bị tâm thế cho một sự phản ứng mang tính rộng khắp từ phía châu Âu.

Đại Hoàng

Nguồn Znews: https://znews.vn/chuyen-gi-se-xay-ra-neu-ong-trump-quyet-gianh-greenland-post1523638.html