Biến nguy thành cơ!
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023.
Nghị quyết số 01/NQ-CP nêu 6 quan điểm, trọng tâm chỉ đạo điều hành đi kèm với 11 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu. Theo đó, phấn đấu thực hiện đạt các chỉ tiêu phát triển năm 2023 được Quốc hội giao. Nổi bật là tốc độ tăng Tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,5%; GDP bình quân đầu người khoảng 4.400 USD; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP 25,4-25,8%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%; mức giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều 1-1,5%...
Nghị quyết có tính chất khung để trước ngày 20-1-2023, các bộ, ngành, địa phương xây dựng, ban hành chương trình, kế hoạch hành động, các văn bản cụ thể nhằm triển khai thực hiện hiệu quả.
Nhiều chuyên gia kinh tế dự báo, chỉ tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm 2023 là mục tiêu thách thức. Bởi ngay từ những ngày đầu năm, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp khó lường về chính trị, an ninh, kinh tế, xã hội. Trong nước, các yếu tố ảnh hưởng đến tốc độ tăng lạm phát là rất lớn. Khó khăn và thách thức hơn cả là biến động giá nguyên vật liệu đầu vào, đà phục hồi tiêu dùng trong nước tạo áp lực lạm phát, chi phí sản xuất tăng cao...
Vì thế, ngay từ những ngày đầu năm 2023 cần tiếp tục thực hiện tốt mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Nổi bật là từng bước giảm lãi suất ngân hàng để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển ổn định; hỗ trợ để ngành Nông nghiệp tiếp tục thể hiện rõ vai trò bệ đỡ của nền kinh tế. Tập trung xử lý triệt để những bất cập trong giải ngân vốn đầu tư công nhằm tạo vốn mồi cho các hoạt động sản xuất, kích cầu của nền kinh tế cả trong ngắn hạn và dài hạn.
Cùng với đó là tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật; chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi gắn với tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát. Phát huy hơn nữa tinh thần trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Chú trọng bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân.
Một lĩnh vực cũng cần đặc biệt chú ý là công tác phòng, chống dịch bệnh nói chung và dịch Covid-19 nói riêng phải luôn trong tư thế sẵn sàng, không được chủ quan, lơ là. Điều này không chỉ bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong nước mà còn nhằm chuẩn bị cho lượng khách du lịch nước ngoài, nhất là khách Trung Quốc (vốn chiếm 30-35% lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam) dự báo tăng mạnh thời gian tới. Qua đó, có bước chuẩn bị về nhân lực, vận tải, lưu trú, ăn uống, dịch vụ... liên quan đến ngành Du lịch có xu hướng đang dần về mức như trước đại dịch.
Điều quan trọng nhất khi thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP chính là việc các bộ, ngành, địa phương chủ động theo dõi sát diễn biến trong nước, quốc tế, nâng cao năng lực, tăng cường phân tích, đánh giá, dự báo để có giải pháp kịp thời, tổng thể, đồng bộ, tận dụng thời cơ, thuận lợi, giảm thiểu tác động tiêu cực đối với nền kinh tế và sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của người dân. Qua đó, “biến nguy thành cơ” nhằm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.
Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/1053108/bien-nguy-thanh-co