Biến nhà hàng của bạn thành nơi chốn nhiều kỷ niệm với thực khách

Nhà hàng hay quán ăn không chỉ là nơi chúng ta đến để khỏa lấp cơn đói. Ở đó, bạn đã chia sẻ nhiều khoảnh khắc ý nghĩa cùng người thân, bạn bè. Đó là lý do nhiều người hay đến các quán quen.

Tôi từng kể rằng công viên giải trí Disney Land chính là hình mẫu của quán nhậu đắt hàng. Để không phá vỡ bầu không khí “vương quốc giấc mơ và phép thuật”, công viên theo chủ đề cổ tích này tuyệt đối sẽ không để du khách nhìn thấy hậu trường đằng sau. Tôi nghĩ quán nhậu cũng giống như thế.

Một quán ăn, ngoài đồ ngon để thưởng thức, còn phải tạo được cho khách hàng không khí vui vẻ. Nơi đó không chỉ là một nơi để ăn uống, nó còn là chỗ để chúng ta gặp gỡ bạn bè, giao lưu và làm quen thêm bạn mới. Người ta sẽ không nỡ bỏ quên một quán ăn gắn với nhiều kỷ niệm. Tôi tin là vậy!

Một điều khiến tôi thường xuyên phải nghiêng đầu băn khoăn là những tờ giấy thông báo nghỉ bán hàng của các cửa hàng ăn uống. Những tờ giấy đấy thường được dán ở trước quán với dòng chữ viết “Vì chủ quán bị ốm nên quán nghỉ hai ngày.” Tôi chẳng hiểu vì sao họ lại viết “bị ốm” cả.

Nếu bác sĩ mà nói “Tôi bị ốm nên sẽ nghỉ một tháng” thì có ai muốn đến bệnh viện đấy nữa? Điều này cũng giống thế. Khách hàng đến quán nhậu vì họ muốn cảm thấy vui vẻ, vậy làm gì có ai sẽ muốn đến cửa hàng mà chủ quán vừa mới khỏi ốm chứ!

Bạn không cần viết thật lí do nghỉ là “bị ốm”. Nếu phải nghỉ, thà bạn viết rằng “Tôi đi tắm suối nước nóng xíu rồi về!”, như thế khách hàng sẽ thấy “Cửa hàng này thú vị thật đấy!” Những quán nhậu cần có “phép thuật” như thế!

Tạo nên một không gian vui vẻ, thoải mái cho khách hàng chính là đặc tính của quán nhậu

Ở Disney Land, nhân vật Mickey hay Minnie sẽ “tiếp khách” và giúp du khách có những giây phút vui vẻ. Còn ở quán nhậu, chủ quán là người đảm đương nhiệm vụ đó, họ sẽ là người giúp tâm trạng khách hàng vui vẻ hơn.

Gần đây, tôi đã thử đến một cửa hàng mới mở ở gần nhà. Tôi có cảm giác đây là một quán nhậu rất chú trọng vào đồ ăn. Họ phục vụ các món ăn cần rất nhiều kĩ năng và sự khéo léo như: confit trứng cá tuyết, sa-lát khoai tây cùng củ của cây huệ tây…

Giá một món cũng chỉ vài trăm yên nên thật sự rất vừa phải. Nhưng họ lại không trò chuyện một tiếng nào với khách cả. Lúc đó, tôi có dẫn theo bạn đến cùng, nhưng tôi nghĩ mình không thể đến cửa hàng này một mình được. Sẽ chẳng có ai để nói chuyện cả nên sẽ rất buồn chán.

Có lẽ cũng không ít những quán nhậu mà chủ quán kém giao tiếp. Nhưng nếu bản thân không giao tiếp được thì phải nghĩ cách tiếp khách khác để “cứu cánh” chuyện đó. Thậm chí, quán chỉ cần thuê người có thể trò chuyện với khách là được đúng không nào? Nếu không làm như thế thì đây chính là thiếu sót của chủ quán.

Takashi Uno/ Bách Việt Books & NXB Dân trí

Nguồn Znews: https://znews.vn/bien-nha-hang-cua-ban-thanh-noi-chon-nhieu-ky-niem-voi-thuc-khach-post1494703.html