Hình sông thế núi góp phần vào cuộc khởi nghĩa Lam Sơn

Từ những ngày đầu khởi xướng và lãnh đạo nghĩa quân Lam Sơn, Lê Lợi không chỉ giỏi trong dụng nhân, mà ông còn biết dựa vào hình sông thế núi chống giặc ngoại xâm. Với hơn một nửa thời gian cuộc khởi nghĩa diễn ra trên đất xứ Thanh, sông núi nơi đây luôn là điểm tựa để nghĩa quân chiến thắng giặc Minh.

Rừng núi Chí Linh - cứ địa của nghĩa quân Lam Sơn (nay thuộc huyện Lang Chánh).

Rừng núi Chí Linh - cứ địa của nghĩa quân Lam Sơn (nay thuộc huyện Lang Chánh).

Vùng đất nào thì hình sông dáng núi ấy. Mảnh đất xứ Thanh địa linh nhân kiệt, “vẻ non sông tốt tươi chung đúc nên sinh ra nhiều bậc vương tướng, khí tinh hoa tụ họp lại, nảy ra nhiều văn nho. Đến những sản vật quý, cũng khác mọi nơi. Bởi vì đất thiêng thì người giỏi nên nảy ra những bậc phi thường; vượng khí chung đúc nên xứng đáng đứng đầu cả nước...” (Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí).

Trong suốt chiều dài lịch sử - văn hóa xứ Thanh, có lẽ những câu chuyện về Bình Định vương Lê Lợi và cuộc khởi nghĩa Lam Sơn là nhiều hơn cả. Không phải bởi ông là người khởi đầu cho một vương triều tồn tại dài nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam mà từ con người ấy, tinh hoa hội tụ xoay quanh con người ấy - là các anh hùng hào kiệt và những huyền tích, huyền sử mang đậm tâm thức dân gian.

Nói về Lê Lợi, tên Việt gian Lương Nhữ Hốt đã phải thốt lên rằng: “Chúa Lam Sơn chiêu vong nạp bạn, đãi ngộ quân lính rất hậu, chí nó không phải nhỏ. Nếu giao long được gặp mây mưa thì tất không phải là vật trong ao đâu”. Hiểu theo một nghĩa nào đó, giao long gặp mây mưa như người hiền tài được núi sông nâng đỡ mà nên anh hùng.

Nhắc đến các danh sơn hay dòng sông nổi tiếng xứ Thanh gắn liền với Lê Lợi, không thể không nhắc tới núi Chí Linh (còn gọi là Linh Sơn), một ngọn núi hiểm trở ở miền thượng lưu sông Chu, thuộc vùng đất Lang Chánh ngày nay. Thi sĩ Nguyễn Mộng Tuân, người đỗ Thái học sinh cùng khoa với Nguyễn Trãi và có tham gia cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, mô tả ngọn núi ấy như: “Một dải quanh co bao bọc, không thể hình trạng; thật cũng trời dành mà đất giấu, bí hiểm muôn vàn” (Phú núi Chí Linh).

Nếu Lam Sơn là căn cứ đầu tiên hình thành nên cuộc khởi nghĩa lớn chống lại ách đô hộ phong kiến nhà Minh, kéo dài 10 năm (1418-1427), thì núi Chí Linh là căn cứ địa quan trọng thứ hai. Nơi đây cũng từng diễn ra trận đánh ác liệt có tính chất quyết định đến cục diện, thế trận giữa ta và quân địch.

Trong suốt 10 năm “nếm mật nằm gai” đánh đuổi quân Minh, không ít lần nghĩa quân bị giặc tấn công bao vây đã phải ẩn nấp vào rừng núi hiểm trở và căn cứ mà Lê Lợi chọn ẩn nấp nhiều nhất là dãy núi Chí Linh. Từ trên đỉnh núi Chí Linh, Lê Lợi có thể quan sát được xung quanh. Nhờ có đỉnh núi này đặt điểm gác mà bao phen nghĩa quân Lam Sơn thoát chết, củng cố được lực lượng. Nhân dân quanh vùng thời đó gọi nơi đóng quân này là Bù Rinh (Bù có nghĩa là giữ; Rinh có nghĩa là rình rập). Ở Bù Rinh, nơi Lê Lợi ngồi làm việc gọi là Bù Vua. Sau này người ta gọi chệch là Pù Rinh (theo Địa chí huyện Lang Chánh).

Việc “Lê Lợi quyết định rút toàn bộ lực lượng nghĩa quân từ Mường Mọt tiến sâu hơn nữa vào rừng núi Chí Linh” thể hiện tầm nhìn chiến lược sáng suốt của ông. Địa hình hiểm trở, núi non trùng điệp làm cơ sở cho nghĩa quân “lúc thủ, lúc công” đều thuận tiện, Lê Lợi còn đặc biệt lưu tâm thu phục được các thủ lĩnh, đồng bào các dân tộc Mường, Thái, Mông ở quanh vùng ven triền núi Chí Linh.

Về phía quân Minh, khi biết được nghĩa quân và Lê Lợi rút về Chí Linh, chúng càng quyết tâm bao vây và tiêu diệt. Mọi ngả đường ra vào từ Chí Linh đều bị khóa chặt, ngày đêm quân thù lùng sục khắp hang cùng ngõ hẻm... Nghĩa quân Lam Sơn ở vào thế vô cùng hiểm nghèo, lương thực ít ỏi, quân lính chịu khổ, đói rét vất vả, chỉ biết “đào củ nâu ăn cầm hơi, tìm mật ong làm nước uống, người ngựa đều đói khốn”.

Nhưng, ngọn núi thiêng Chí Linh như điểm tựa, 3 lần che chắn cho đoàn quân, cho Lê Lợi được an toàn trước giặc hung ác. Lần thứ nhất vào tháng Giêng năm Mậu Tuất (1418), chính là thời gian diễn ra trận đánh ác liệt, khiến Lê Lai đổi áo, anh dũng hy sinh để Lê Lợi và nghĩa quân bảo tồn lực lượng. Lần thứ hai vào tháng 4 cùng năm, ở Chí Linh suốt 3 tháng trời, có lúc nghĩa quân không còn lương ăn. Và lần thứ 3, là vào cuối tháng 12 năm 1422. Từ đây đã tạo điều kiện để năm 1424, nghĩa quân chuyển hướng chiến lược vào Nam, xây dựng căn cứ địa mới ở Nghệ An.

Ngoài núi Chí Linh, địa điểm diễn ra sự kiện quan trọng nhất là Hội thề Lũng Nhai cũng được Lê Lợi lựa chọn ở ngọn đồi Bái Tranh trên dãy núi Pù Mé (thuộc xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân ngày nay), rồi ngọn núi Pù Xèo sừng sững chạy dài hàng chục cây số từ xã Ngọc Phụng đến tận xã Lương Sơn, là một trong những nơi lui binh chiến lược của nghĩa quân Lam Sơn những năm đầu khởi nghĩa.

Bên cạnh núi Lam Sơn, dòng sông Chu là đất phát tích của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và vương triều Hậu Lê. Chuyện xưa kể lại: Cụ tằng tổ của Lê Lợi là Lê Hối vốn người huyện Nga Lạc (nay là huyện Ngọc Lặc), một hôm ngao du sơn thủy đến đây, thấy chim chóc tụ họp, cho rằng chỗ này đất tốt nên dời nhà đến ở. Kể từ đó “con cháu ngày một đông, tôi tớ ngày càng nhiều”.

Khi Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa, “hầu như không có làng nào thuộc hai huyện Lương Giang và Cổ Lôi dọc theo sông Chu không có người gia nhập nghĩa quân vào những năm tháng chuẩn bị này” (Phan Huy Lê - Phan Đại Doãn, Khởi nghĩa Lam Sơn 1418-1427).

Sông Chu đoạn qua huyện Thọ Xuân dù chỉ dài hơn 29km, song dòng sông này đã là mạch nguồn tạo nên nhiều dấu ấn văn hóa lịch sử của xứ Thanh. “Địa chí huyện Thọ Xuân” nhận định về vai trò của sông Chu trong dòng chảy lịch sử: ..."Nếu tìm lại những dấu ấn của thời quá khứ thì chắc rằng người Thọ Xuân - xứ Thanh - đất Việt chẳng bao giờ quên dòng sông yêu dấu này”. Bởi, sông Chu đã từng là con đường đưa đón bao nghĩa sĩ từ các phương, miền đổ về để “tụ nghĩa Bình Ngô” trên đất Lam Sơn rồi cùng nhau “nằm gai nếm mật” 10 năm trên rừng núi thượng nguồn con sông rồi tiến lên giành lại giang sơn cho Tổ quốc để lập ra nhà Lê Sơ huy hoàng gần một trăm năm"...

Hơn hết, nơi đây đã từng là đầu mối giao thông đường thủy quan trọng trong những năm Lê Lợi khởi nghĩa chống giặc Minh xâm lược. Và ngược lại, sự hình thành của tên làng, xã ở đây ít nhiều gắn với cuộc đời - sự nghiệp của vị Anh hùng giải phóng dân tộc Lê Lợi và cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.

Tương truyền, khi Lê Lợi tìm cách trốn chạy khỏi sự bao vây của giặc Minh, ông chạy đến một ngôi làng bên dòng sông Chu, người dân nơi đây hay tin đã chạy ra bái lạy. Khi Lê Lợi chạy xuống làng dưới, dân làng ở đây cũng theo đó mà chạy ra vái. Sau này đánh đuổi được giặc, nhớ đến tình cảm của người dân khi ấy, ông đặt tên cho hai ngôi làng này là Bái Thượng và Bái Đô, hiện nay thuộc xã Xuân Bái.

Không chỉ ở Xuân Bái, rất nhiều tên làng xã xuất phát và gắn với những truyền thuyết về Lê Lợi và những người gắn bó với ông. Đoạn sông Chu qua xã Xuân Hòa (Thọ Xuân) gắn liền với chuyện về Hoàng thái hậu Phạm Thị Ngọc Trần, vợ thứ 3 của vua Lê Lợi. Tương truyền, trong một lần vua Lê Thái Tổ có việc phải sang sông khi trời đã nhập nhoạng tối, bỗng thấy thấp thoáng trong nương dâu một thục nữ chân quê mang dáng dấp quý phái của giai nhân, sắc sảo mà hiền thục, lời nói nhẹ nhàng, thanh thoát, đáng bậc phu nhân, hoàng hậu.

Lê Lợi hỏi ra mới biết người con gái ấy, húy là Ngọc Trần, vốn người làng Quần Lai, huyện Lôi Dương (nay thuộc làng Quần Đội, xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân), ông liền hỏi cưới làm vợ. Khi Lê Lợi xưng Bình Định Vương, dựng cờ khởi nghĩa, bà lặn lội theo hầu, trải nhiều gian lao nguy hiểm.

Năm Ất Tỵ (1425) Lê Lợi đưa quân vây đánh thành Nghệ An, khi đến cửa Triều Khẩu, lúc nghĩa quân chuẩn bị vượt sông thì trời bỗng giông tố mịt mù, lòng sông nổi ba đào, quân lính, ngựa voi không tài nào qua được. Người dân địa phương cho biết, ở khúc sông này có vị thủy thần là Phổ Hộ trấn giữ, cứ ba năm một lần người dân vẫn bắt một trinh nữ làm lễ vật cúng dâng. Nay muốn vượt qua sông an toàn, tất phải thực hiện việc tế thần theo tập tục cũ.

Đêm ấy gần về sáng, Lê Lợi nằm mộng thấy một vị thủy thần đến bên đầu giường bảo rằng: “Tướng quân cho ta một người thiếp, ta sẽ phù hộ cho tướng quân qua sông dẹp được giặc Ngô, dựng nên nghiệp đế!”. Tỉnh dậy, ông gọi ba người vợ đến kể lại giấc mộng. Trong khi hai bà vợ đầu còn do dự, phân vân thì bà Phạm Thị Ngọc Trần đã đứng ra tự nguyện xin được làm vật tế thần, giúp chồng.

Tinh thần vị nghĩa vong thân ấy đã giúp Lê Lợi và nghĩa quân nhanh chóng vượt sông thẳng tiến đến vây đánh hạ thành Nghệ An, rồi thừa thắng đem quân giải phóng một vùng đất đai rộng lớn từ Nghệ An đến Thuận Hóa. Từ đây làm bàn đạp đưa quân ra Bắc đánh đuổi giặc Minh ra khỏi bờ cõi vào cuối năm 1427, lên ngôi vua, mở ra nền độc lập tự chủ dài lâu, thịnh trị cho quốc gia Đại Việt.

Lại có truyền thuyết kể rằng: Vào đời Cảnh Hưng (Lê Hiển Tông 1740-1786), sông Chu lụt to, người dân nhìn thấy một chiếc quan tài nổi lên trôi theo dòng nước đến vùng sông thuộc làng Hương Phấn, xoay mấy vòng như dừng chân rồi theo dòng nước về Láng Động Thượng thì nằm lại vùng đất thiêng này. Sau nhiều nghi vấn, Nhân dân đã mai táng và lập đền thờ cúng gọi là đền Quốc Thái mẫu Hoàng Thái hậu. Từ đó đến nay, đền thờ luôn là nơi linh thiêng và đứng đầu trong ngũ linh thần miếu ở huyện Lôi Dương xưa (nay là huyện Thọ Xuân).

Ngược dòng thời gian, sông Chu chẳng khác nào một con đường tụ nghĩa hướng mọi người theo chủ tướng Lê Lợi. Và tự bao đời vẫn xuôi dòng nước chảy, mang nặng phù sa mà bồi đắp cho bờ bãi xanh mướt, xóm, làng trù phú, đem lại cuộc sống ấm no cho Nhân dân.

Cuộc đời một vị thiên tử khởi thủy là do sự sắp đặt của đất trời. Còn cuộc đời một minh quân chính là do có sự hội tụ: thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Lê Lợi trở thành vua sáng, được đời sau ngưỡng vọng phần nào cũng nhờ hình sông thế núi che chở và bảo vệ.

Bài và ảnh: KIỀU HUYỀN

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/hinh-song-the-nui-gop-phan-vao-cuoc-khoi-nghia-lam-son-32959.htm