Biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong Luật Thủ đô 2024

Luật Thủ đô 2024 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/12025, mở ra nhiều thay đổi quan trọng trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn xã hội tại Thủ đô.

Nâng cao hiệu quả các biện pháp hành chính

Trên cơ sở kế thừa Điều 20 của Luật Thủ đô 2012, Luật Thủ đô 2024 đã bổ sung một số nội dung mới có tính đặc thù, nổi trội nhằm nâng cao hiệu quả các biện pháp hành chính, xử phạt vi phạm hành chính trong một số lĩnh vực nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu thực tiễn bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ tài sản, tính mạng Nhân dân.

UBND TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch thi hành Luật Thủ đô 2024, trong đó quy định “biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khi xử lý vi phạm”. Ảnh: Hồng Thái

UBND TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch thi hành Luật Thủ đô 2024, trong đó quy định “biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khi xử lý vi phạm”. Ảnh: Hồng Thái

Cụ thể: mở rộng phạm vi lĩnh vực và địa bàn áp dụng việc nâng mức xử phạt vi phạm hành chính

Luật Thủ đô 2024 quy định thêm 6 lĩnh vực là quảng cáo, phòng cháy, chữa cháy, an toàn thực phẩm, giao thông đường bộ, bảo vệ môi trường và an ninh, trật tự, an toàn xã hội nâng mức xử phạt vi phạm hành chính so với 03 lĩnh vực văn hóa, đất đai và xây dựng đã được quy định tại Luật Thủ đô 2012; Mở rộng địa bàn áp dụng ra toàn TP so với quy định chỉ thực hiện ở khu vực nội thành theo Luật Thủ đô 2012 (điểm a khoản 1 Điều 33).

Như vậy, HĐND TP được quy định mức tiền phạt cao hơn nhưng không quá 2 lần mức tiền phạt chung do Chính phủ quy định và không vượt quá mức phạt tối đa theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành đối với một số hành vi vi phạm hành chính thuộc 9 lĩnh vực: văn hóa, đất đai, xây dựng, quảng cáo, phòng cháy, chữa cháy, an toàn thực phẩm, giao thông đường bộ, bảo vệ môi trường và an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn TP.

Việc bổ sung các lĩnh vực và mở rộng địa bàn áp dụng mức phạt hành vi vi phạm hành chính là rất cần thiết trong bối cảnh đô thị hóa trên địa bàn TP đang diễn ra nhanh chóng, số lượng vi phạm hành chính ở khu vực ngoại thành trong các lĩnh vực trên diễn ra khá phổ biến, tăng nhanh, có lĩnh vực tương đương, thậm chí cao hơn khu vực nội thành, nhiều vi phạm rất phức tạp và khó xử lý nhưng mức xử phạt, biện pháp ngăn chặn, biện pháp bảo đảm thi hành theo quy định của pháp luật hiện hành chưa bảo đảm tính răn đe, chưa bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, gây bức xúc trong xã hội.

Quy định việc áp dụng biện pháp hành chính ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong trường hợp thật cần thiết để đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn TP (khoản 2 Điều 33).

Đối tượng bị áp dụng biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện nước gồm:

Công trình xây dựng sai quy hoạch, công trình xây dựng không có giấy phép xây dựng đối với công trình theo quy định phải có giấy phép hoặc xây dựng sai với nội dung quy định trong giấy phép xây dựng; công trình xây dựng sai với thiết kế xây dựng được phê duyệt đối với trường hợp được miễn giấy phép xây dựng.

Công trình xây dựng trên đất bị lấn, chiếm theo quy định của pháp luật về đất đai.

Công trình xây dựng thuộc diện phải thẩm duyệt về thiết kế phòng cháy, chữa cháy nhưng chưa được tổ chức thi công khi chưa có giấy chứng nhận hoặc văn bản thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy, chữa cháy;

Công trình thi công không đúng theo thiết kế về phòng cháy, chữa cháy đã được thẩm duyệt;

Công trình xây dựng, cơ sở sản xuất kinh doanh chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy mà đã đưa vào hoạt động;

Cơ sở kinh doanh dịch vụ vũ trường, kinh doanh dịch vụ ka-ra-ô-kê (karaoke) không bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy;

Công trình thuộc trường hợp phải phá dỡ và đã có quyết định di dời khẩn cấp của cơ quan có thẩm quyền.

Ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm trong trường hợp khẩn cấp

Theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Nguyễn Công Anh, khi đưa nội dung ngừng cung cấp điện, nước vào Khoản 2, Khoản 3 Điều 33 Luật Thủ đô 2024, việc đánh giá tác động đã được TP Hà Nội thực hiện công phu. Đây là biện pháp quản lý hành chính chứ không phải xử lý vi phạm hành chính. Chính sách đặc thù này đến thời điểm hiện nay chỉ có Hà Nội thực hiện, được thể hiện trong Luật Thủ đô. Nghị quyết được HĐND TP Hà Nội thông qua, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, chỉ áp dụng với công trình phát sinh sau ngày 1/1/2025 mà không “hồi tố”, tức áp dụng với công trình vi phạm trở về trước.

PGS.TS Bùi Thị An - nguyên đại biểu Quốc hội cho hay, việc ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước là rất cần thiết nhằm bảo đảm kỷ cương, phép nước, diện mạo đô thị Thủ đô, cũng như liên quan trực tiếp đến an sinh và an ninh của Nhân dân. Thời gian qua, trên địa bàn Hà Nội vẫn còn tình trạng chủ đầu tư không tuân thủ, không chấp hành các quy định pháp luật về trật tự xây dựng, trực tiếp ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, việc giám sát, thực hiện quy định sao cho đúng đối tượng, công bằng, vừa là biện pháp xử lý mạnh tay với những người coi thường pháp luật, nhưng cũng để người vi phạm tâm phục, khẩu phục. Vì đây là nội dung liên quan đến quyền lợi trực tiếp của các đối tượng vi phạm nên việc thực hiện phải chuẩn mực, tránh áp dụng sai.

“Muốn vậy, cần công khai các công trình vi phạm, thông tin về việc áp dụng biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước để các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là Mặt trận Tổ quốc cấp tương thích và người dân giám sát, hỗ trợ cho các cơ quan có thẩm quyền thực thi pháp luật” – PGS.TS Bùi Thị An nêu quan điểm.

Bày tỏ tán thành với biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn xã hội liên quan đến việc áp dụng các biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước tại Điều 33 Luật Thủ đô 2024, đại biểu Quốc hội Lê Hoàng Hải cho rằng, quy định này không coi biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước là biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính như quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính mà xác định đây là biện pháp hành chính do cơ quan hành chính nhà nước thực hiện nhằm bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Hà Nội.

“Cách tiếp cận như vậy là phù hợp bởi sẽ không làm phát sinh các trình tự, thủ tục hành chính phức tạp và cũng giúp nâng cao khả năng để ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm trong trường hợp khẩn cấp” - đại biểu Lê Hoàng Hải nêu quan điểm.

Theo đại biểu, vừa qua, Hà Nội đã xảy ra một số vụ việc thương tâm liên quan đến các công trình nhà ở, cơ sở sản xuất, kinh doanh bị cháy gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản. Vì vậy, nếu không đẩy mạnh và chú trọng giải quyết mạnh mẽ các sai phạm thì khó có thể kiểm soát được thiệt hại sẽ xảy ra.

Việc ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước chưa phải là biện pháp mạnh mẽ và triệt để nhất, nhưng với các yêu cầu rất cao về trật tự, an toàn xã hội tại Thủ đô, đây là biện pháp cần thiết và ưu tiên áp dụng quy định của Luật về nội dung này thì tương đối thận trọng khi xác định đối tượng áp dụng của biện pháp này khác với đối tượng áp dụng của các biện pháp quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính và chỉ được áp dụng trong trường hợp thật sự cần thiết.

“Luật cũng đã quy định rõ nguyên tắc xác định về thẩm quyền áp dụng để bảo đảm chặt chẽ, khả thi, tránh lạm dụng. Đồng thời, yêu cầu thể hiện việc áp dụng biện pháp này trong hợp đồng sử dụng dịch vụ điện, nước mà các bên ký kết để tăng tính khả thi trong quá trình thực hiện. Đây được xem như là bước dự phòng ban đầu, thể hiện sự cam kết và trách nhiệm của các bên trong việc bảo đảm an toàn, trật tự ở trên địa bàn TP” - đại biểu Lê Hoàng Hải nhấn mạnh.

Hồng Thái

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/bien-phap-bao-dam-trat-tu-an-toan-xa-hoi-trong-luat-thu-do-2024.html