Biện pháp khắc phục ngập úng, lở núi ở Quy Nhơn

Ngày 14/10, UBND tỉnh Bình Định tổ chức họp báo thông tin tình hình kinh tế - xã hội quý 3 - năm 2022.

Tại buổi họp báo, đề cập đến vấn đề ngập úng tại đô thị Quy Nhơn đặc biệt tại phường Ghềnh Ráng, ông Lê Ngọc An - Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Định cho biết tỉnh đã chỉ đạo các sở ngành, trong đó Sở Xây dựng rà soát lại hệ thống tiêu thoát lũ, đặc biệt hệ thống nước mưa. Kiểm tra lại việc đấu nối hệ thống vệ sinh môi trường.

Người dân phường Ghềnh Ráng di chuyển ra khỏi vùng bị ngập trong tối 11/10. Ảnh: Trương Định.

Người dân phường Ghềnh Ráng di chuyển ra khỏi vùng bị ngập trong tối 11/10. Ảnh: Trương Định.

Tối 11/10, mưa lớn kéo dài từ sáng cùng ngày đã gây ngập nhiều tuyến đường tại TP Quy Nhơn, nhiều nơi nước tràn vào nhà dân. Trong đó nặng nhất là khu vực phường Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn), nhiều nơi ngập sâu khoảng gần 1 m. Người dân tại đây bức xúc trước tình trạng này vì trước đây khu vực không xảy ra tình trạng ngập như vậy, mưa xong là nước rút ngay. Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, mỗi khi mưa lớn là khu vực bị ngập.

Đồng thời, nghiên cứu biện pháp đấu nối để khắc phục tình trạng ngập úng của đô thị Quy Nhơn nói chung và khu vực phường Ghềnh Ráng nói riêng.

Về việc khắc phục điểm sạt lở mái taluy đường Nguyễn Tất Thành nối dài, ông An cho biết tỉnh thống nhất phương án xử lý dùng neo thép khoan cấy vào bên trong núi đá, kết hợp với hệ lưới thép và giao UBND TP Quy Nhơn triển khai.

Lý giải về việc chậm triển khai khắc phục, ông An cho hay trước đây TP Quy Nhơn cũng loay hoay tính phương án lớn, bạt núi. Việc xử lý điểm sạt lở cũng lấy nhiều ý kiến, đồng thời khoan thăm dò địa chất tại đây để phân tích. Sau khi có kết quả tỉnh đã thống nhất phương án, đôn đốc TP Quy Nhơn triển khai sớm.

Vị trí sạt lở núi Bà Hỏa. Ảnh: Trương Định.

Vị trí sạt lở núi Bà Hỏa. Ảnh: Trương Định.

Vào tháng 10/2021, tại khu vực núi Bà Hỏa - vị trí phía mặt đường Nguyễn Tất Thành (TP Quy Nhơn) bất ngờ bị sạt lở nghiêm trọng, đất đá đổ xuống mặt đường. Sự việc cũng khiến 3 người đang đi trên đường bị thương.

Khối sạt lở có độ cao so với mặt đất khoảng 10m. Hình dạng khối trượt lở có dạng hàm ếch kéo dài 25 m. Chỗ sâu nhất của khối sạt lở đo được là 4 m, miệng của khối sạt lở chỗ cao nhất là 6 m.

Tại khu vực sạt lở, địa phương đã tiến hành rào chắn, cảnh báo. Tuy nhiên, đây là cửa ngõ dẫn vào thành phố Quy Nhơn có lưu lượng giao thông cao nên thường xảy ra tình trạng tắc đường.

TRƯƠNG ĐỊNH

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/bien-phap-khac-phuc-ngap-ung-lo-nui-o-quy-nhon-post1478164.tpo