Biện pháp phòng ngừa bệnh sởi cho trẻ
Để bảo vệ trẻ trước tình hình gia tăng của bệnh sởi, cha mẹ nên đưa con đến cơ sở y tế để tiêm vắc-xin phòng bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Tại khu vực phía Nam và các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, tình hình bệnh sởi đang có dấu hiệu gia tăng và diễn biến phức tạp. Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo người dân cần chủ động thực hiện biện pháp phòng ngừa hiệu quả cho trẻ trong mùa tựu trường và dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9.
Đặc biệt, cần rà soát lại tình trạng tiêm chủng, tiêm bù vắc -xin ngay cho trẻ để hạn chế nguy cơ lây lan bệnh.
Theo các bác sĩ tại Bệnh viện Nhi Trung ương, sởi là bệnh truyền nhiễm do virus sởi gây ra, thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp, do dịch tiết mũi họng của người nhiễm bệnh theo không khí thoát ra khi người bệnh ho hoặc hắt hơi, nói chuyện,…
Một ca bệnh sởi có thể lây cho 12 - 18 người với tốc độ và phạm vi lây lan mạnh hơn cúm và thủy đậu rất nhiều.
Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây những biến chứng nguy hiểm như: viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm phổi; viêm não, viêm màng não; viêm tai giữa, viêm loét ruột, viêm loét giác mạc; suy giảm miễn dịch, thậm chí có thể gây tử vong.
Theo Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế, số ca mắc sởi trên cả nước đã tăng hơn 8 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin sởi của nhiều địa phương vẫn chưa đạt mức độ bao phủ cần thiết là 95%. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho virus sởi lây lan.
Thời gian tới, việc học sinh trên cả nước quay trở lại trường, cũng như kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 đang tới gần, trẻ em cùng gia đình di chuyển về quê hoặc đến các địa điểm du lịch sẽ càng làm tăng nguy cơ bùng phát bệnh.
Hơn nữa, một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh sởi gia tăng gần đây là do tình trạng gián đoạn cung ứng vắc-xin tiêm chủng mở rộng năm 2022 – 2023, khiến nhiều trẻ chưa tiêm hoặc tiêm không đủ mũi, tạo ra lỗ hổng trong hàng rào miễn dịch.
Một số triệu chứng điển hình của bệnh sởi cha mẹ cần lưu ý để phát hiện sớm:
– Sốt cao
– Chảy nước mắt, nước mũi, ho khan, khàn tiếng, có hạt Koplik trong miệng
– Viêm long đường hô hấp trên và viêm kết mạc
– Ban sởi thường mọc vào ngày thứ 4 - 6 của bệnh theo thứ tự: mọc từ đầu, mặt, cổ, dần lan đến ngực, lưng, cánh tay, rồi đến bụng, mông, đùi, chân. Khi phát ban hết toàn thân thì thân nhiệt giảm dần, trẻ hết sốt và ban bắt đầu bay.
Để bảo vệ tốt nhất cho trẻ trước tình hình gia tăng của bệnh sởi cũng như chung tay góp phần tăng miễn dịch cộng đồng, cha mẹ nên đưa con đến các cơ sở y tế để tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Hai liều vắc-xin phòng bệnh sởi (tiêm lúc 9 tháng tuổi và 18 tháng tuổi) mang lại hiệu quả ngăn ngừa bệnh cho trẻ đến 97%. Nếu trẻ bị trễ mũi tiêm phòng bệnh sởi, cha mẹ hãy cho con tiêm bù càng sớm càng tốt.
Ngoài ra, các bác sĩ cũng khuyến cáo cha mẹ lưu ý thực hiện đồng thời các biện pháp khác để phòng bệnh như:
Đeo khẩu trang cho trẻ ở nơi đông người.
Vệ sinh tay thường xuyên.
Che miệng khi ho.
Cho trẻ ăn uống đầy đủ nhằm tăng sức đề kháng.
Cách ly trẻ mắc bệnh sởi, tránh tập trung nơi đông người khi có dịch.
Khi có các dấu hiệu mắc bệnh, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám, hướng dẫn kịp thời.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/bien-phap-phong-ngua-benh-soi-cho-tre-post698530.html