Biến rác thải thành hàng trăm tấn phân bón hữu cơ

Mô hình 'Tổ hợp tác xử lý rác hữu cơ' của Hội LHPN xã Kỳ Phong, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đi vào hoạt động không chỉ góp phần làm tốt công tác bảo vệ môi trường mà còn biến hàng trăm tấn rác thải thành nguồn phân bón hữu ích.

Thời gian qua, phong trào thu gom, phân loại và xử lý rác thải tại nhà được các cấp hội phụ nữ huyện Kỳ Anh tập trung chỉ đạo và phát triển khá mạnh tại các địa phương. Trong đó, Hội LHPN xã Kỳ Phong là đơn vị tiên phong và hoạt động hiệu quả; trở thành phong trào thi đua sôi nổi, thường xuyên của chị em.

 Mô hình làm phân bón hữu cơ từ rác của phụ nữ Kỳ Phong.

Mô hình làm phân bón hữu cơ từ rác của phụ nữ Kỳ Phong.

Với nhiều cách làm sáng tạo, phụ nữ xã Kỳ Phong đã đưa việc thu gom, phân loại và chế biến rác thải sinh hoạt đi vào nền nếp. 10/10 thôn đều triển khai đảm bảo quy trình, hiệu quả, với trên 90% lượng rác thải được phân loại tại nguồn; 100% lượng rác hữu cơ được xử lý thành phân bón hữu cơ.

Đặc biệt, tháng 10/2024, Hội LHPN xã Kỳ Phong được huyện chỉ đạo xây dựng thí điểm mô hình "Tổ hợp tác xử lý rác hữu cơ" với 21 thành viên. Theo đó, rác thải sau khi được thu gom, phân loại tại nhà; mỗi tuần một lần, rác hữu cơ được xe chuyên dụng vận chuyển lên bãi tập kết. Tại đây, các thành viên tiếp tục phân loại lần cuối để loại bỏ hoàn toàn các loại rác vô cơ; sau đó sử dụng chế phẩm vi sinh để tiến hành các công đoạn trộn men và ủ rác; sau 2 tháng sẽ cho ra sản phẩm phân bón hữu cơ.

 Các thành viên tổ hợp tác phân loại lần cuối mẻ rác vừa được đưa đến bãi xử lý để loại bỏ hoàn toàn rác vô cơ trước khi ủ phân.

Các thành viên tổ hợp tác phân loại lần cuối mẻ rác vừa được đưa đến bãi xử lý để loại bỏ hoàn toàn rác vô cơ trước khi ủ phân.

Theo Chủ tịch Hội LHPN - Tổ trưởng Tổ hợp tác xử lý rác hữu cơ xã Kỳ Phong - Hoàng Thị Liên, so với việc phân loại và chế biến phân bón tại nhà, thì mô hình phân loại và chế biến tập trung ưu việt hơn rất nhiều, nhất là đảm bảo quy trình, quy cách việc sử dụng chế phẩm sinh học trong quá trình ủ rác… Ngoài ra, xử lý rác tập trung có bãi tập kết, cách xa khu dân cư, đảm bảo triệt để vệ sinh môi trường.

Sau gần 6 tháng đi vào hoạt động, với khoảng trên dưới 5 tấn rác hữu cơ được phân loại mỗi tuần, đến thời điểm này, Tổ hợp tác xử lý phân hữu cơ của Hội LHPN xã Kỳ Phong đã xử lý được trên 100 tấn rác sau phân loại, trong đó gần 10 tấn phân hữu cơ đã được “ra lò”, được sử dụng bón cho lúa và các loại cây trồng khác.

 Một mẻ rác đang vào giai đoạn hình thành phân hữu cơ sau gần 2 tháng trộn ủ với men vi sinh.

Một mẻ rác đang vào giai đoạn hình thành phân hữu cơ sau gần 2 tháng trộn ủ với men vi sinh.

Nhận 1 tấn phân hữu cơ vừa được xử lý từ rác thải để bón thí điểm cho 3 sào ruộng vụ xuân của gia đình, chị Nguyễn Thị Thân, thành viên của Tổ hợp tác xử lý rác hữu cơ xã Kỳ Phong hết sức phấn khởi với kết quả bước đầu từ sản phẩm phân bón thân thiện môi trường do chính mình làm ra.

Chị Thân cho biết: “Cây lúa bón phân hữu cơ được xử lý từ rác thải sinh trưởng và phát triển rất tốt. Cụ thể là thân cây cứng, khỏe hơn nhiều so với cây lúa ở thửa ruộng bên cạnh được bón phân bình thường; bộ rễ khỏe và tỷ lệ rễ non màu trắng cũng cao vượt trội. Đặc biệt không có biểu hiện của các loại sâu bệnh thông thường như: bệnh đạo ôn, bệnh đốm nâu, rầy nâu, sâu cuốn lá…”.

 Cây lúa bón phân hữu cơ từ rác thải cho thân cứng, khỏe; bộ rễ trắng, sáng hơn so với bón phân vô cơ.

Cây lúa bón phân hữu cơ từ rác thải cho thân cứng, khỏe; bộ rễ trắng, sáng hơn so với bón phân vô cơ.

Được biết, để giúp mô hình Tổ hợp tác xử lý rác hữu cơ xã Kỳ Phong phát triển, UBND huyện Kỳ Anh đã trích ngân sách 300 triệu đồng xây dựng khuôn viên bãi xử lý rác, hệ thống bể xi măng ủ phân (gần 100 bể chứa) và nâng cấp đường vào bãi xử lý rác của tổ hợp tác.

Chủ tịch Hội LHPN xã Kỳ Phong Hoàng Thị Liên phấn khởi cho biết: “Đây là sự động viên rất lớn để các thành viên của tổ hợp tác tiếp tục nỗ lực duy trì, phát triển và phát huy hiệu quả mô hình này, góp phần bảo vệ môi trường và tạo ra nguồn phân bón sạch, chi phí thấp phục vụ cho sản xuất nông nghiệp”.

Chị Liên cũng cho biết, sắp tới, trên cơ sở chất lượng của sản phẩm phân bón hữu cơ được chế biến từ rác thải, tổ hợp tác sẽ đề xuất với địa phương hỗ trợ mua sắm máy nghiền phân; hệ thống đóng gói sản phẩm để tiêu thụ trên thị trường.

 Hệ thống bể xi măng ủ phân hữu cơ được huyện hỗ trợ chuẩn bị được đưa vào sản xuất, thay thế cho ủ phân bằng che bạt.

Hệ thống bể xi măng ủ phân hữu cơ được huyện hỗ trợ chuẩn bị được đưa vào sản xuất, thay thế cho ủ phân bằng che bạt.

Có thể nói, đến thời điểm này, mô hình Tổ hợp tác xử lý rác hữu cơ của phụ nữ xã Kỳ Phong đã khẳng định được hiệu quả rõ nét cả về đảm bảo vệ sinh môi trường và phát triển kinh tế bền vững. Với kết quả bước đầu này, huyện Kỳ Anh đang tiếp tục theo dõi, đánh giá và chỉ đạo nhân rộng, góp phần giải quyết tốt vấn đề môi trường, xây dựng một nền nông nghiệp theo hướng hữu cơ, sinh thái, bền vững.

Vũ Viễn

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/bien-rac-thai-thanh-hang-tram-tan-phan-bon-huu-co-post285122.html