Biến rác thải thành tài nguyên: Từ mô hình thí điểm tới hiệu quả thực tế

Phan Xuân Danh (giữa) giới thiệu các sản phẩm thân thiện với môi trường cho khách tham quan tại hội nghị môi trường của tỉnh. Ảnh: CTV

Với nỗ lực thực hiện quản lý rác thải để biến rác thải thành tài nguyên, những năm qua, nhiều tổ chức, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều mô hình thí điểm. Đến nay, các mô hình này đã được nhân rộng và mang lại những kết quả khả quan.

Làm điểm

Theo Sở TN-MT, thời gian qua, đơn vị đã phối hợp với các tổ chức khoa học nghiên cứu và đưa vào thí điểm hai mô hình tái chế rác thải, gồm biến rác thải thành phân hữu cơ (còn gọi là phân compost) và tạo ra chất tẩy rửa sinh học. Những mô hình này được triển khai ban đầu tại xã Bình Ngọc, Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh, khách sạn Kaya. Sau khi thu được kết quả khả quan, mô hình đã và đang được nhân rộng ra các hội đoàn thể, các địa phương trong tỉnh.

Ông Trương Pa Ven, Bí thư Đoàn Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh, cho biết: Tháng 9/2019, nhà trường được chọn là một trong những trường học đại diện cho Phú Yên tham gia dự án của tổ chức GreenHub (Trung tâm Hỗ trợ phát triển xanh). Từ đây, đoàn thanh niên của trường được tập huấn phương pháp làm chế phẩm sinh học và ủ phân compost từ chất thải hữu cơ. Kết quả là 90-95% lượng rác thải có thể tái chế như chai nhựa, vỏ lon… trong trường được phân loại tại nguồn và bán cho đơn vị thu mua phế liệu; 80-90% rác thải hữu cơ được tái chế phục vụ chăn nuôi và ủ phân compost dùng chăm sóc vườn thực vật tại trường. Hơn hết, thông qua hoạt động kiểm toán rác thải cùng GreenHub, thầy và trò trường nhận thức rõ hơn về vấn đề bảo vệ môi trường. Từ đây, CLB Môi trường của trường được thành lập với nhiệm vụ tiên phong thực hành phân loại rác và tái chế rác thải tại trường học để duy trì hoạt động và lan tỏa hơn nữa tinh thần bảo vệ môi trường.

Còn theo đại diện khách sạn Kaya, mỗi ngày đơn vị thải ra 75kg rác. Trước đây cuối ngày, nhân viên mang ra nơi tập kết để vệ sinh viên thành phố đi thu gom. Từ khi được hướng dẫn tái chế rác thải hữu cơ, đơn vị đã giữ lại vỏ các loại cam, bưởi, chanh và cánh hoa để sản xuất nước lau sàn, lau kính thân thiện với môi trường thay cho các hóa chất tẩy rửa hiện nay trên thị trường. Phần rác hữu cơ còn lại sẽ được chuyển bán cho các hộ chăn nuôi để tái sử dụng làm thức ăn cho vật nuôi.

Mang lại hiệu quả kinh tế

Đại diện khách sạn Kaya cho biết thêm: Với việc chế tạo thành công các chất tẩy rửa thân thiện với môi trường, khách sạn đã ngưng sử dụng một số loại hóa chất tẩy rửa, vừa đảm bảo sức khỏe người sử dụng vừa tiết kiệm chi phí. Khách sạn tiếp tục nghiên cứu tạo ra nước rửa chén từ rác hữu cơ để tương lai hoàn toàn không sử dụng hóa chất. Điều này sẽ là một điểm cộng để khách sạn thu hút thêm khách hàng.

Với anh Phan Xuân Danh ở huyện Tuy An, sau hơn 3 năm tham gia hoạt động tái chế rác thải, anh đã xây dựng được các mô hình phát triển kinh tế như nuôi trùn quế, sâu canxi, tạo ra phân bón hữu cơ và sản phẩm nước tẩy rửa sinh học. Anh Danh cho biết: Để nuôi trùn quế, tôi xử lý phân động vật (chủ yếu là trâu, bò) tạo ra phân hữu cơ vi sinh. Cứ 100 tấn phân được khoảng 35 tấn hữu cơ vi sinh chất lượng cao, nuôi được khoảng 6 tấn trùn quế thịt và lượng lớn phân bón cho cây trồng. Tận dụng không gian chuồng heo, bò, cứ 1m2/tháng tôi sản xuất được khoảng 7,5kg phân trùn quế bán được giá 1.300 đồng/kg và 1kg trùn quế tươi bán được 40.000 đồng/kg. Mỗi tháng tôi thu được bình quân 50.000 đồng/m2. Không chỉ nuôi trùn quế, tôi còn tận dụng chất thải hữu cơ làm thức ăn nuôi sâu canxi. Hàng ngày, tôi ra chợ An Phú thu gom được khoảng 70kg rau ăn lá, củ quả, vỏ cam… mang về xử lý nuôi được 10kg sâu canxi và 10kg phân bón hữu cơ vi sinh. Như vậy, nuôi con sâu canxi trên 1m2 được 25kg sâu có giá bán 40.000 đồng/kg và 20kg phân hữu cơ vi sinh thành phẩm có giá bán 10.000 đồng/kg, mang lại thu nhập 1,2 triệu đồng. Để có thêm sản phẩm, đầu năm 2020, chúng tôi nghiên cứu thử mô hình ứng dụng vi sinh vật xử lý rác thải tạo ra chất tẩy rửa sinh học (như nước lau sàn, dầu gội, nước rửa chén…) có nguồn gốc 100% hữu cơ tự nhiên mà người tiêu dùng đang cần.

Những mô hình thí điểm đã phát huy hiệu quả ngoài thực tế là một thành công của tỉnh ta trong nhiều năm qua nỗ lực quản lý rác thải. Người dân được hưởng lợi, môi trường được khai thác một cách tích cực đang góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội chung của tỉnh. Từ đây cho thấy, biến rác thải thành tài nguyên đó là con đường bền vững nhất để bảo vệ môi trường.

Phó Giám đốc Sở TN-MT Lê Đào An Xuân

MINH DUYÊN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/245330/bien-rac-thai-thanh-tai-nguyen--tu-mo-hinh-thi-diem-toi-hieu-qua-thuc-te.html