Biến rác thải y tế thành phương thuốc chữa nhiều bệnh hiểm nghèo

Từ những dây rốn bỏ đi, các nhà khoa học thu thập và tách chiết lấy tế bào gốc có thể điều trị nhiều bệnh trong tương lai.

Ngày 28/8, tại buổi tọa đàm về Bức tranh nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc toàn cầu năm 2023, các nhà khoa học chia sẻ thông tin về công nghệ tế bào gốc, y học tái tạo tại Việt Nam và trên thế giới.

Trước đây, dây rốn bị coi là một loại rác y học. Tuy nhiên, giới chuyên môn sớm phát hiện ra trong dây rốn có hàng tỷ tế bào gốc mà không cần can thiệp nuôi cấy. Dây rốn dễ thu thập, xử lý, kiểm tra chất lượng và lưu trữ lại.

Phó giáo sư Lê Xuân Hải - Trưởng khoa Miễn dịch, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương cho biết, tế bào là cấu trúc sống nhỏ nhất cấu tạo nên cơ thể chúng ta, mỗi tế bào là một đơn vị sống độc lập. Tiềm năng về ứng dụng tế bào gốc tại Việt Nam và đặc biệt tế bào gốc trung mô từ cuống rốn, loại tế bào tốt nhất chống lão hóa và điều trị bệnh.

Máu cuống rốn được thu thập tại Hà Nội và gửi vào ngân hàng. Ảnh: Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương.

Máu cuống rốn được thu thập tại Hà Nội và gửi vào ngân hàng. Ảnh: Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương.

Theo Phó giáo sư Hải, liệu pháp tế bào gốc giúp thúc đẩy phản ứng sửa chữa các mô bị bệnh, rối loạn chức năng hoặc bị tổn thương bằng cách sử dụng tế bào gốc hoặc các dẫn xuất của chúng. Trong nhiều trường hợp, tế bào gốc là phương pháp duy nhất có thể chữa lành cho một số bệnh.

Đặc biệt, tế bào gốc trung mô có khả năng biệt hóa nhiều tế bào khác, khả năng dung nạp tốt, ít thải ghép. Ngoài ra, chúng còn có khả năng di cư và định cư tại các vị trí tổn thương, biệt hóa thành nhiều tế bào, điều hòa miễn dịch, tiết ra các chất hoạt hóa các tế bào khác. Trong đó, tế bào gốc lấy từ nhau thai và dây rốn có lượng lượng tế bào trung mô và biểu mô lớn nhất. Vì vậy, giới nghiên cứu đã áp dụng công nghệ tách chiết tế bào gốc từ màng cuốn rốn và nhau thai.

Bà Nguyễn Ngọc Ánh, chủ tịch một tập đoàn chuyên ứng dụng công nghệ tế bào gốc, cũng chia sẻ về các trường hợp điều trị nhờ tế bào gốc. Một bệnh nhân bị ung thư thanh quản giai đoạn II phải xạ trị 35 mũi và hóa trị. Biến chứng của xạ trị khiến người bệnh tổn thương da vùng cổ nghiêm trọng. Bệnh nhân đã điều trị viêm da nhưng không khỏi. Sau 30 ngày điều trị theo liệu pháp tế bào gốc, các tổn thương ổn định.

Một trẻ sơ sinh bỏng nặng, chiếu đèn trị viêm da sai cách khiến da bị sẹo co kéo. Sau hai tháng điều trị tế bào gốc, bệnh nhân đã bình phục. Tế bào gốc cũng có thể sử dụng trong điều trị rụng tóc từng chòm.

Một số nghiên cứu gần đây cho thấy, tế bào gốc máu cuống rốn có thể biệt hóa thành tế bào của những mô khác như: cơ (cơ vân, cơ tim), tế bào não, gan, da, phổi, thận, ruột và tuyến tụy… Vì thế, từ nguồn tế bào gốc có thể điều trị được nhiều bệnh lý khác ngoài huyết học.

Phương Thúy

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/bien-rac-thai-y-te-thanh-phuong-thuoc-chua-nhieu-benh-hiem-ngheo-2183010.html