'Biến rác thành tiền' giúp học trò nghèo
Nhiều trường học ở Cà Mau triển khai mô hình 'Chuyến xe kế hoạch nhỏ', thu gom vỏ lon, chai nhựa, giấy vụn… theo định kỳ hằng tháng.

Học sinh Trường Tiểu học Biển Bạch Đông tập trung bỏ rác vào “Chuyến xe kế hoạch nhỏ”. Ảnh: Q.M
Số tiền thu được từ hoạt động này dùng để hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn và tổ chức các phong trào thi đua trong học tập.
Việc nhỏ, ý nghĩa lớn
Mô hình “Chuyến xe kế hoạch nhỏ: Phân loại rác thải gây quỹ giúp bạn” được Trường THPT Thới Bình (Thới Bình, Cà Mau) triển khai từ tháng 10/2023 và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ học sinh.
Chị Nguyễn Thúy Hằng - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Trường THPT Thới Bình cho biết, Đoàn trường vận động học sinh thu gom vỏ chai, lon sau khi sử dụng và bỏ vào chuyến xe phân loại rác. Khi lượng phế liệu đủ nhiều, nhà trường tổ chức bán lấy tiền, tổng hợp vào cuối năm để hỗ trợ học trò có hoàn cảnh khó khăn.
“Trung bình 3 tuần đến 1 tháng, chúng tôi bán một lần, mỗi lần từ 80 - 100 kg, với giá 5.000 đồng/kg. Nhờ số tiền thu được, năm học 2023 - 2024, Đoàn trường đã hỗ trợ 4 học sinh khó khăn, mỗi em 500.000 đồng. Đây là hoạt động ý nghĩa, giúp học sinh hình thành thói quen phân loại rác, bỏ rác đúng quy định, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường học đường. Quan trọng hơn, thông qua chương trình, các em được giáo dục tinh thần tương thân tương ái, biết chia sẻ và giúp đỡ bạn gặp khó khăn”, chị Hằng chia sẻ.
Châu Anh Thi - học sinh lớp 11A4, Trường THPT Thới Bình cho hay, trước đây sau khi uống nước, em thường để lại vỏ chai, lon ở quán hoặc vứt đâu đó. Tuy nhiên, từ khi trường triển khai mô hình “Chuyến xe kế hoạch nhỏ”, em đã chủ động bỏ chai vào xe để gây quỹ giúp bạn. “Lớp em cũng phát động phong trào bỏ rác đúng quy định. Bạn nào đóng góp nhiều vỏ chai, lon vào chuyến xe sẽ được cộng điểm rèn luyện, nếu vứt rác bừa bãi sẽ bị trừ điểm. Việc làm tuy nhỏ nhưng ý nghĩa, giúp đỡ bạn bè bảo vệ môi trường, nên em thực hiện nghiêm túc”, Anh Thi chia sẻ.
Học cùng lớp Anh Thi, Trần Quốc Khang cũng nhiệt tình hưởng ứng mô hình này. Không chỉ thu gom chai, lon ở trường, mà ở nhà Khang cũng gom lại rồi mang đến trường để bỏ vào “Chuyến xe kế hoạch nhỏ”. Em và các bạn còn thi đua xem ai thu gom được nhiều chai, lon nhất trong một tháng.
Hồ Hoàng Nam - học sinh lớp 11C2 nằm trong số những học sinh từng nhận được hỗ trợ từ mô hình “Chuyến xe kế hoạch nhỏ”. Gia đình diện khó khăn, mỗi khi bước vào năm học mới, chi phí mua sách vở và dụng cụ học tập trở thành gánh nặng với cha mẹ.
“Năm học vừa qua, em được Đoàn trường hỗ trợ 500.000 đồng từ tiền bán phế liệu. Dù số tiền không lớn, nhưng cũng giúp em trang trải phần nào chi phí học tập. Vì thế, em càng có ý thức hơn trong việc đóng góp vào “Chuyến xe kế hoạch nhỏ”. Đi đâu thấy có vỏ chai, lon bị bỏ lại, em nhặt và mang về để nhiều bạn có hoàn cảnh khó khăn như em tiếp tục được hỗ trợ”, Nam chia sẻ.

Học sinh Trường THPT Thới Bình bỏ chai nhựa vào “Chuyến xe kế hoạch nhỏ”. Ảnh: Q.M
Nhân rộng mô hình
Ở cấp học thấp hơn, mô hình “Chuyến xe phân loại rác gây quỹ kế hoạch nhỏ” cũng được nhiều điểm trường triển khai hiệu quả. Tại Trường Tiểu học Biển Bạch Đông (xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình), vào giờ tan học, học sinh các lớp đi theo hàng, em nào có vỏ lon, chai, ly nhựa đều cầm sẵn trên tay. Khi đi ngang qua “Chuyến xe phân loại rác” đặt trong khuôn viên trường, các em sẽ bỏ rác vào đúng ô quy định.
Ban đầu còn bỡ ngỡ, chưa biết phân loại rác đúng cách, tuy nhiên, nhờ sự hướng dẫn của thầy cô, anh chị đoàn viên thanh niên, Phạm Thiên Kim - học sinh lớp 4A và các bạn đã hiểu và thực hiện đúng. “Bỏ rác vào chuyến xe phân loại giờ trở thành thói quen của em. Nếu thấy bạn nào làm chưa đúng, em sẽ nhắc nhở. Chúng em cùng nhau thực hiện để khuôn viên trường luôn sạch đẹp, góp phần bảo vệ môi trường”, Thiên Kim bộc bạch.
Chia sẻ của thầy Dương Quốc Huy - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Biển Bạch Đông, thời gian qua, nhà trường triển khai nhiều mô hình giáo dục ý thức phân loại rác tại nguồn, bảo vệ môi trường, trong đó có “Chuyến xe kế hoạch nhỏ” phối hợp cùng Huyện đoàn thực hiện.
“Đây là mô hình hay và ý nghĩa. Sau một thời gian triển khai, nhận thức của học sinh về bảo vệ môi trường đã chuyển biến rõ rệt. Nhiều phụ huynh cho biết, không chỉ ở trường mà khi ở nhà hay nơi công cộng, con em họ đều thực hiện nghiêm túc việc bỏ rác đúng quy định. Số tiền thu được từ bán rác thải sau phân loại được nhà trường sử dụng làm quỹ Đội, khen thưởng học sinh có thành tích tốt trong học tập và các phong trào. Dù phần quà chỉ vài quyển tập hay cây bút, nhưng cũng trở thành động lực, khích lệ tinh thần các em”, thầy Huy chia sẻ.
Theo thống kê, huyện Thới Bình hiện có hơn 10 mô hình “Chuyến xe phân loại rác” được đặt tại các điểm trường. Ngoài ra, nhiều trường còn triển khai mô hình “Ngôi nhà kế hoạch nhỏ”. Dù tên gọi khác nhau, nhưng tất cả có chung mục tiêu thu gom, phân loại rác, bán lấy tiền gây quỹ giúp đỡ học sinh khó khăn, tổ chức các phong trào và thi đua trong học tập.
Anh Nguyễn Hoài Nam - Phó Bí thư Huyện đoàn Thới Bình cho biết: “Thời gian tới, Huyện đoàn cố gắng nhân rộng mô hình “Chuyến xe kế hoạch nhỏ, gây quỹ giúp bạn vượt khó” ra các điểm trường trên địa bàn nhằm giúp học sinh hiểu hơn về tầm quan trọng của việc phân loại rác tại nguồn, tái chế rác thải, giảm thiểu rác thải nhựa ra môi trường sống.
Đây cũng là cách tạo nguồn quỹ nhân ái hiệu quả để các liên đội duy trì hoạt động sẻ chia tại trường, hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Chương trình còn hướng đến giáo dục mỗi học sinh trở thành một tuyên truyền viên trong bảo vệ môi trường đến gia đình, cộng đồng và xã hội”.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/bien-rac-thanh-tien-giup-hoc-tro-ngheo-post725508.html