Biến than đá thành những tác phẩm điêu khắc độc đáo có một không hai
Đến Quảng Ninh, nhiều du khách đã không khỏi ngạc nhiên khi được ngắm những bức tượng điêu khắc óng ánh bằng than đá. Sự sáng tạo của những người thợ mỏ đã biến chất liệu đặc biệt này thành các tác phẩm điêu khắc độc đáo độc nhất vô nhị.
Quảng Ninh là quê hương của “vàng đen” với các mỏ than có trữ lượng lớn nhất Đông Nam Á. Với loại than đá Altraxit bền, đẹp đặc trưng, người Vùng mỏ đã “thổi hồn” cho những tác phẩm độc đáo, khai sinh ra nghề điêu khắc trên chất liệu đặc biệt chỉ có ở Quảng Ninh, đó là than đá.
Theo ghi chép, nghề này có ở Quảng Ninh từ cuối thế kỷ XIX từ sự sáng tạo của những người thợ mỏ. Ban đầu những người thợ mỏ khéo tay đã mang những hòn than trong hầm lò về tự mày mò điêu khắc giải trí, rồi dần dần điêu khắc than đá trở thành một nghề thủ công mỹ nghệ độc đáo của Vùng mỏ Quảng Ninh.
Rất nhiều du khách không thể ngờ được hòn than đá xấu xí, dưới bàn tay tài hoa của nghệ nhân đã “thổi hồn”, đưa nó vượt xa giá trị ban đầu. Tỉ mỉ, tinh xảo, đẹp mắt... là những gì thấy ở tác phẩm điêu khắc độc đáo từ than đá.
Bằng đôi bàn tay khéo léo và sự sáng tạo của người Vùng mỏ đã “thổi hồn” vào than đá, đưa nó vượt xa giá trị ban đầu, thành tác phẩm mỹ nghệ tinh xảo. Qua thời gian luôn có các lớp nghệ nhân giỏi, như: Tuấn Lợi, Lưu Mùi, các cặp nghệ nhân Toàn - Nụ, An - Miền; sau có: Nguyễn Tiến Chín, Lưu Quang Ninh. Trong đó nổi lên nghệ nhân Tuấn Lợi, nức tiếng với tượng than đá Bác Hồ; Tâm Nhâm chuyên tạc tượng Van Gogh, Picasso, từng có tác phẩm triển lãm quốc tế…
Ông Nguyễn Đức Thuận là một trong những người đầu tiên làm và phát triển nghề này. Khi đó ông Thuận là thợ nguội ở mỏ Mông Dương (Cẩm Phả), thấy viên than khai thác ra óng ánh liền lấy về gọt đẽo thành chiếc chặn giấy, con thú, chiếc tẩu... Thấy đẹp, chủ mỏ rất thích, cho ồn Thuận thêm một suất lương chỉ để chế tác than đá thành các món quà lưu niệm đẹp, mang về Pháp triển lãm. Tiếp nối nghề của cha, ông Nguyễn Tuấn Lợi đã học làm điêu khắc than đá rồi truyền tới đời con là anh Nguyễn Tuấn Quyết hiện đang là thợ điêu khắc thế hệ thứ 3 trong gia đình ông Nguyễn Đức Thuận.
Theo anh Quyết, để biến than đá thành các sản phẩm điều khắc mỹ nghệ phục vụ du khách cần sự sáng tạo, thích nghi và hơn hết là sự kiên trì, đam mê với nghề. Anh kể: Những năm 1995-1998, khi du lịch Quảng Ninh trên đà phát triển mạnh mẽ, anh bắt đầu có ý tưởng chế tác than đá thành các sản phẩm mỹ nghệ phục vụ du lịch. Đây phải là các sản phẩm mang tính nghệ thuật cao, vừa đòi hỏi phải khắt khe về hình dáng, hình ảnh đặc trưng, lại phải có hình khối phù hợp tránh gãy, hỏng khi gói, vận chuyển đi xa.
Ngoài chất liệu, lao động miệt mài, công phu của những nghệ nhân khéo tay đã "thổi hồn" cho than đá.
Trước hết, để sản xuất các tác phẩm đạt chất lượng, quy trình chế tác rất khắt khe, yêu cầu sự tỉ mỉ từ khâu tìm nguyên liệu tới sự khéo léo, óc thẩm mỹ thể hiện tác phẩm trên than đá. Việc chế tác cũng không chỉ đơn thuần cắt gọt là thành hình, bởi than đá rất cứng, giòn và dễ gãy, nát vụn. Quy trình chế tác đòi hỏi khá khắt khe. Nguyên liệu phải là than đá cao tuổi, rắn chắc, thuần chất không lẫn xít, tạp chất, thường chỉ có ở các tầng than dưới moong sâu các mỏ Đèo Nai, Cao Sơn, Cọc Sáu. Theo nghề gọi là than bóng và than chì.
Sau khi lựa chọn được nguyên liệu ưng ý, than đá được tạo phôi bằng cách cưa theo định hình sản phẩm rồi trải qua các khâu: Đục đẽo, mài rũa, đánh bóng...tạo phôi sản phẩm, rồi tới khâu “thổi hồn” hoàn toàn thủ công. "Khó nhất vẫn là khâu khắc tạc các chi tiết nhỏ, các đường khắc vẽ cong tạo sự mềm mại, tinh tế cho sản phẩm. Tất cả đều phải dùng loại dao khắc, vẽ riêng biệt. Chọn than tốt, tay nghề "cứng" cho phép khắc, tạc không gây vỡ, nứt, mà còn tạo được sự bền chắc, vẻ óng ánh. Tùy theo kích cỡ và mức độ phức tạp có thể mất 1-2 ngày, thậm chí hàng tháng trời để hoàn thiện”, anh Quyết chia sẻ.
Anh Quyết đã sáng tạo ra hàng trăm sản phẩm từ than đá theo chủ đề về quê hương, con giống, thắng cảnh Vịnh Hạ Long (hòn trống mái, thuyền buồm, biểu tượng Vịnh Hạ Long…). Ngoài ra, các nghệ nhân ở Quảng Ninh còn sáng tạo ra sản phẩm trống đồng nức tiếng, được yêu thích bởi độ tinh xảo, đẹp mắt.
Ông Lê Quang Ninh (TP Cẩm Phả), một trong những người đầu tiên sáng tạo sản phẩm trống đồng chia sẻ: "Khâu khó và phức tạp nhất chính là khâu khắc vẽ các hoa văn, tạo hồn cho mặt trống đồng. Trên bề mặt trống nhỏ bằng lòng bàn tay, nghệ nhân phải khắc vẽ hàng trăm chi tiết chim hạc, muông thú. Mỗi hoa văn thẳng hoặc cong... đều phải dùng dao riêng khắc thủ công. Không chỉ đòi hỏi sự cần mẫn, tỉ mỉ, mà còn tốn nhiều thời gian của người thợ”.
Ngày nay, dù số nghệ nhân đã giảm, nhưng vẫn còn nhiều người đam mê theo nghề. Những sản phẩm điêu khắc than đá theo chân du khách đi muôn nơi, tham gia các hội chợ, triển lãm trong nước và quốc tế là tia nắng xuân ấm áp với các nghệ nhân yêu nghề.
Sức sáng tạo, chất liệu đặc biệt khiến các tác phẩm điêu khắc từ than đá trở thành món quà tặng cho Chính phủ, chuyên gia nước ngoài và đưa đi triển lãm quốc tế được đánh giá cao.