Biến thể Delta có thể cản trở việc sử dụng hộ chiếu vắcxin tại EU

Hộ chiếu và Chứng chỉ COVID-19 của EU. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 1/7, chứng chỉ COVID-19, còn gọi là "hộ chiếu vắcxin", áp dụng trên toàn Liên minh châu Âu (EU) nhằm tạo điều kiện cho việc đi lại thuận lợi hơn bắt đầu có hiệu lực, đúng thời điểm châu Âu bước vào kỳ nghỉ hè sau hơn một năm chống chọi với đại dịch.

Chứng chỉ COVID-19 của EU, cơ bản là một mã QR dạng số trên điện thoại thông minh hoặc bản cứng, sẽ thể hiện người mang thiết bị này đã được tiêm một trong các loại vắcxin được EU chấp thuận hay chưa (gồm BioNTech/Pfizer, AstraZeneca, Moderna hoặc Johnson & Johnson), cũng như người đã hồi phục sau khi mắc COVID-19 hoặc có xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ.

Theo luật của EU, người có chứng chỉ trên không cần thực hiện cách ly hoặc xét nghiệm thêm khi đi du lịch trong 27 nước thành viên của EU và 4 quốc gia liên kết (gồm Iceland, Na Uy, Thụy Sĩ và Liechtenstein).

Ủy viên Tư pháp EU Didier Reynders khuyến nghị tất cả các quốc gia thành viên của EU sử dụng một công cụ như vậy không chỉ để tự do đi lại mà còn sử dụng cho tất cả các mục đích khác ở mỗi nước như đi xem hòa nhạc, lễ hội, nhà hát, nhà hàng...

Tính đến ngày 30/6, đã có 21 quốc gia thành viên EU chấp nhận chứng chỉ trên. Tuy nhiên, theo giới chức y tế, biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 với tốc độ lây nhiễm nhanh đang đe dọa phải hạn chế áp dụng cơ chế này.

Theo ông Reynders, biến thể Delta đang lây nhiễm tràn lan tại Anh có thể kích hoạt điều khoản "ngừng khẩn cấp" việc sử dụng chứng chỉ COVID-19 này. Trước đó, Đức đã ban bố lệnh cấm du khách đến từ Bồ Đào Nha, quốc gia có số ca nhiễm biến thể Delta chiếm đa số.

Chỉ công dân Đức hoặc người định cư tại Đức mới được miễn, với điều kiện họ thực hiện cách ly 2 tuần. Quyết định của Đức đã khiến EU bất bình, cho rằng các nước EU không nên cấm đi lại giữa các nước thành viên và Đức nên tham vấn các đối tác trước khi đưa ra quyết định.

Đức dự định sẽ chi 3,9 tỉ euro (khoảng 4,62 tỉ USD) để mua 204 triệu liều vắcxin ngừa COVID-19 trong năm tới nhằm tránh tình trạng đình trệ trong hoạt động sản xuất vắcxin và có lượng vắcxin dự phòng lớn để ứng phó với bất kỳ biến thể mới nào của virus SAR-CoV-2.

Theo một văn bản của Bộ Y tế Đức, trong kế hoạch gia tăng lượng vắcxin này, gần 85 triệu liều vắcxin loại mRNA của BionTech/Pfizer đã được ký hợp đồng mua thông qua chương trình mua vắcxin của Liên minh châu Âu (EU)

Văn bản trên cho biết Đức sẽ mua thêm ít nhất một vắcxin loại mRNA nữa, cũng như các vắcxin sử dụng các công nghệ khác, nhằm góp phần tránh tình trạng đình trệ trong hoạt động sản xuất vắcxin.

Viện Robert Koch, cơ quan y tế công của Đức, đã khuyến nghị nên có sẵn đủ vắcxin loại mRNA để đáp ứng nhu cầu trong nước, nhưng cũng có thể mua vắcxin sử dụng các công nghệ thay thế để đề phòng những vấn đề bất ngờ xảy ra với công nghệ vắcxin mới nhất này.

Bên cạnh vắcxin BionTech/Pfizer, Đức sẽ mua thêm 31,8 triệu liều vắcxin loại mRNA nữa của Moderna, 18,3 triệu liều vắcxin được sản xuất bằng công nghệ vector virus của hãng Johnson & Johnson, và tổng cộng 70 triệu liều vắcxin từ Sanofi, Novavax và Valneva.

Vắcxin của hãng AstraZeneca và Curevac không được đề cập đến trong văn bản trên. Vắcxin AstraZeneca gặp khó khăn trong việc vận chuyển đến EU, trong khi vắcxin Curevac lại có kết quả thử nghiệm gây thất vọng.

Hãng Curevac của Đức tối 30/6 đã thông báo kết quả thử nghiệm cuối cùng về hiệu quả của vắcxin ngừa COVID-19 do hãng sản xuất. Theo đó, vắcxin Curevac chỉ có hiệu quả 48% ở mọi lứa tuổi, kết quả thấp hơn nhiều so với các vắcxin cùng công nghệ mRNA của BioNTech và Moderna.

Trong khi đó, một số nguồn tin cho biết trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) đang nới lỏng hạn chế đi lại theo chương trình Green Pass (Thẻ xanh - Chứng nhận COVID-19 kỹ thuật số), Ấn Độ đã đề nghị các quốc gia thành viên của khối này xem xét cho phép những người Ấn Độ đã tiêm các vắcxin ngừa COVID-19 do nước này sản xuất là Covishield và Covaxin được nhập cảnh.

Ấn Độ đã thông báo với các quốc gia thành viên EU rằng New Delhi sẽ áp dụng chính sách "có đi có lại" và miễn trừ việc cách ly bắt buộc tại Ấn Độ đối với những công dân châu Âu sở hữu "thẻ xanh" nếu các nước EU xem xét việc công nhận các vắcxin Covishield và Covaxin sản xuất tại Ấn Độ. Ấn Độ đã yêu cầu các quốc gia thành viên EU chấp thuận giấy chứng nhận tiêm chủng được cấp thông qua cổng CoWIN - nền tảng để Ấn Độ triển khai chương trình tiêm vắcxin ngừa COVID-19.

Chứng nhận COVID kỹ thuật số của EU hay Green Pass triển khai vào ngày 1/7 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển tự do trong thời gian đại dịch COVID-19. Theo chương trình này, những người đã tiêm vắcxin do Cơ quan dược phẩm châu Âu (EMA) cấp phép sẽ được miễn trừ các hạn chế đi lại trong EU. Các quốc gia thành viên EU riêng lẻ cũng có thể linh hoạt chấp nhận các vắcxin đã được cấp phép ở cấp quốc gia hoặc những vắcxin được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận.

Trong diễn biến khác, một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Argentina cho thấy sử dụng vắcxin Sputnik V của Nga giúp tạo kháng thể chống lại các biến thể của virus SARS-CoV-2 hiện đang phổ biến ở Argentina, gồm các biến thể gamma, alpha và lambda.

Theo kết quả nghiên cứu của Proyecto PAIS, Ngân hàng sinh học về các bệnh truyền nhiễm (BBEI), Viện Inbris và bệnh viện Jose de San Martin, những người đã được tiêm vắcxin Sputnik V ngừa COVID-19 không gặp khó khăn gì trong việc vô hiệu hóa các biến thể nói trên.

Nghiên cứu nói trên cũng chỉ ra rằng lượng kháng thể vô hiệu hóa biến thể gamma trong huyết thanh của bệnh nhân đã phục hồi hoặc những người được tiêm Sputnik V đã giảm 67%. Trước đó, Bộ Y tế Argentina cho biết tiêm một liều vắcxin Sputnik V giảm từ 70-80% tỉ lệ tử vong do COVID-19 trong số bệnh nhân từ 60 tuổi trở lên.

Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 30/6 thông báo đã tăng ngân sách của Quỹ vắcxin ngừa COVID-19 dành cho các quốc gia đang phát triển thêm 8 tỉ USD, lên mức 20 tỉ USD. Ngoài ra, tổ chức tài trợ tư nhân của WB cũng đã cam kết cung cấp 600 triệu euro (tương đương 710 triệu USD) cho một nhà sản xuất vắcxin Nam Phi để thúc đẩy sản lượng vắcxin ngừa COVID-19.

Phát biểu với báo giới, Chủ tịch WB David Malpass nêu rõ: "Sự phối hợp các hành động được công bố ngày hôm nay về tài trợ, sản xuất và triển khai vắcxin sẽ cứu được nhiều mạng sống, thúc đẩy phục hồi kinh tế và đảm bảo cơ hội phát triển thịnh vượng cho người dân ở các nước đang phát triển”.

Theo WB, khoản tiền 20 tỉ USD nói trên sẽ được dùng để tài trợ cho việc phân phối vắcxin, dây chuyền bảo quản lạnh và đào tạo nhân viên y tế từ nay đến năm 2022. Tính đến ngày 30/6, WB đã giải ngân 4,4 tỉ USD cho 51 quốc gia đang phát triển, 50% trong số này dưới hình thức viện trợ không hoàn lại hoặc các khoản vay lãi suất thấp.

Ông Malpass đồng thời hối thúc các quốc gia phát triển tăng cường hỗ trợ các quốc gia đang phát triển tiếp cận nguồn cung vắcxin, trong đó lưu ý tới việc lượng vắcxin dành cho các nước này nên cao hơn số lượng vắcxin đã được triển khai tại các nước giàu, xét về tỉ lệ dân số.

Lời kêu gọi của ông Malpass được đưa ra sau cuộc họp đầu tiên của lực lượng đặc nhiệm về vắcxin ngừa COVID-19, bao gồm các lãnh đạo của WB, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Tuyên bố chung sau cuộc họp trên cho biết lực lượng đặc nhiệm được thành lập hoạt động như một "phòng trực chiến", theo đó điều phối việc cung cấp vắcxin ở các nước đang phát triển.

Tuyên bố nêu rõ: "Chúng tôi vô cùng lo ngại về nguồn cung hạn chế của các loại vắcxin, biện pháp điều trị, chẩn đoán và hỗ trợ chuyển giao cho các nước đang phát triển. Cần phải có hành động khẩn cấp ngay bây giờ để ngăn chặn làn sóng lây nhiễm đang gia tăng do đại dịch, đồng thời để thu hẹp khoảng cách trong quá trình phục hồi kinh tế giữa các nền kinh tế phát triển và phần còn lại”.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/260579/bien-the-delta-co-the-can-tro-viec-su-dung-ho-chieu-vacxin-tai-eu.html