Biến thể Delta lây lan khó lường, có nguy cơ thành biến thể chủ đạo
Hành khách đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại ga tàu hỏa ở tỉnh Bắc Jeolla, Hàn Quốc, ngày 8/7/2021. Ảnh: Yonhap/TTXVN
Ngày 21/7, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 sẽ trở thành biến thể chủ đạo, gây ra phần lớn các ca bệnh COVID-19 trên toàn thế giới chỉ trong vài tháng tới.
Theo WHO, biến thể Delta, được phát hiện lần đầu tiên tại Ấn Độ, tới nay đã lây lan ra 124 quốc gia và vùng lãnh thổ. Biến thể này cũng được phát hiện trong hơn 75% số mẫu bệnh phẩm được đưa đi phân tích chuỗi gene tại nhiều quốc gia lớn.
Trong báo cáo dịch bệnh hằng tuần công bố ngày 20/7, WHO cho rằng biến thể này sẽ lấn án tất cả các biến thể khác và trở thành biến thể gây bệnh chính trong những tháng tới.
Ngoài Delta, hiện trong danh sách biến thể gây lo ngại (VOCs) của WHO còn có 3 biến thể khác là Alpha, Beta và Gamma phát hiện lần đầu tiên lần lượt tại Anh, Nam Phi và Brazil.
Theo thống kê của WHO, số các quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận phát hiện biến thể Alpha là 180, biến thể Beta là 130 và Gama là 78.
Theo phân tích chuỗi gene virus SARS-CoV-2 được báo cáo lên sáng kiến khoa học toàn cầu GISAID, trong 4 tuần tính đến ngày 20/7, tỷ lệ các mẫu phân tích là biến thể Deltađã tăng lên mức 75% ở một số quốc gia.
Trong số này có Úc, Bangladesh, Botswana, Anh, Trung Quốc, Đan Mạch, Ấn Độ, Indonesia, Israel, Bồ Đào Nha, Nga, Singapore và Nam Phi.
Cũng theo WHO, ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy biến thể Delta có khả năng lây lan nhanh hơn so với những biến thể không thuộc nhóm VOCs. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa giải thích được chính xác cơ chế giúp biến thể này lây nhiễm dễ dàng hơn.
Cũng trong báo cáo trên, WHO cho biết thế giới ghi nhận 3,4 triệu ca mắc mới trong tuần tính đến ngày 18/7, tăng 12% so với tuần trước đó. Với đà này, WHO dự báo tổng số ca COVID-19 toàn cầu sẽ vượt mức 200 triệu ca trong 3 tuần tới.
Theo tổ chức này, tình trạng lây nhiễm gia tăng trên toàn cầu do tác động của 4 yếu tố. bao gồm: xuất hiện thêm nhiều biến thể có khả năng lây lan nhanh, nhiều nước nới lỏng các biện pháp hạn chế, các hoạt động giao lưu xã hội gia tăng và vẫn còn lượng lớn những người chưa được tiêm vắc xin ngừa COVID-19.
Biến thể Delta lây lan khó lường tại nhiều nước
Dịch bệnh COVID-19 tại nhiều nước đang trở nền trầm trọng hơn do sự lây lan khó lường của biến thể Delta.
Malaysia ngày 21/7 ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 trong 1 ngày cao chưa từng thấy, với 199 ca, nâng tống số bệnh nhân không qua khỏi tại nước này lên tới 7.440 ca.
Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 11.985 ca nhiễm mới, trong đó chỉ có 7 ca nhập cảnh và còn lại 11.978 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tính đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại quốc gia này đã lên tới 951.884 ca.
Cùng ngày, Nga thông báo có thêm 23.704 ca nhiễm do biến thể Delta tiếp tục lây lan tại nước này.
Đến nay, Nga ghi nhận tổng số ca mắc COVID-19 là 6.030.240 ca. Thủ đô Moscow hiện vẫn là tâm dịch COVID-19 với số ca nhiễm mới ghi nhận trong 24 giờ qua là 3.254 ca.
Trong bối cảnh đó, Nga chủ trương mở rộng sản xuất vắc xin trong nước như một biện pháp để phòng ngừa và ngăn chặn sự lây lan của SARS-CoV-2.
Còn tại Đức, Bộ trưởng Y tế nước này, ông Jens Spahn cho rằng trong 7 ngày tới, Đức sẽ ghi nhận số ca nhiễm mới ở mức 400 ca/100.000 dân.
Sau 2 tháng số ca nhiễm mới liên tục giảm, từ đầu tháng 7 Đức bắt đầu ghi nhận số ca nhiễm mới gia tăng, với 11,4 ca/100.000 dân vào ngày 21/7 mà nguyên nhân là do sự lây lan của biến thể Delta.
Tính đến nay, hơn 50 triệu người tại Đức, tương ứng 60% dân số nước này, đã được tiêm chủng ít nhất 1 mũi vắc xin ngừa COVID-19. Khoảng 47% dân số đã hoàn thành tiêm chủng 2 mũi.
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Nội các Đức ngày 21/7 đã gia hạn quy định cách ly đối với người nhập cảnh đến từ các vùng có nguy cơ lây nhiễm cao, đến giữa tháng 9.
Nội các Đức cũng đã thông qua một kế hoạch chi tiết với chi phí lên tới hàng chục triệu euro trong 1 năm nhằm củng cố các nguồn lực y tế nhằm ứng phó với các đợt bùng phát dịch bệnh trong tương lai.
Tổng giám đốc WTO khuyến cáo về bất bình đẳng trong tiếp cận vắc xin
Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala ngày 21/7 đã có bài phát biểu về việc mở rộng sản xuất vắc xin ngừa COVID-19 nhằm thúc đẩy tiếp cận công bằng, trong đó nhấn mạnh đến việc triển khai vắc xin tuy được đẩy nhanh song tình trạng bất bình đẳng về vắc xin vẫn còn nhiều thách thức.
Trong tháng 6/2021, 1,1 tỉ liều đã được sử dụng trên toàn thế giới, nhiều hơn 45% so với tháng 5/2021 và hơn gấp đôi tổng số cho tháng 4/2021.
Chương trình COVAX hiện đã cung cấp hơn 134 triệu liều cho 136 nền kinh tế. Việc sản xuất vắc xin cũng đang tăng lên.
Theo Công ty nghiên cứu Airfinity, có trụ sở tại London (Vương quốc Anh), hơn 1 tỉ liều vắc xin nữa đã được sản xuất vào tháng 6/2021, nâng tổng sản lượng toàn cầu vào giữa tháng 7 lên 3,8 tỉ.
Trong số 1,1 tỉ liều vắc xin sản xuất vào tháng Sáu, chỉ 1,4% đến tay người dân châu Phi, chiếm 17% dân số toàn cầu. Chỉ 0,24% thuộc về những người ở các nước có thu nhập thấp.
Ở các nước phát triển, 94 liều vắc xin đã được tiêm cho mỗi 100 người dân. Trong khi châu Phi, tỉ lệ này là 4,5, còn ở các nước thu nhập thấp con số là 1,6.
Ở châu Phi, chỉ có 20 triệu người, tương đương 1,5% dân số được tiêm chủng đầy đủ, so với 42% người dân ở các nước phát triển.
Hồi tháng 5, bà Okonjo-Iweala và Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã cùng với các đối tác từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) kêu gọi 50 tỉ USD đầu tư trước vào việc tăng cường tiêm chủng trên khắp thế giới nhằm cứu được nhiều mạng sống và thúc đẩy nền kinh tế thế giới.
Tiếp cận không bình đẳng với vắc xin là lý do chính cho sự phục hồi nền kinh tế toàn cầu hình chữ K, trong đó các nền kinh tế tiên tiến và một số nền kinh tế khác đang vượt lên phía trước, còn phần còn lại tụt hậu trong bối cảnh nghèo đói và thất nghiệp gia tăng.