Biến thể mới xuất hiện có khiến các quốc gia thay đổi qui định tiêm chủng?

Khi làn sóng COVID-19 trỗi dậy và biến thể Omicron đáng lo ngại xuất hiện, không có gì đáng ngạc nhiên khi nhiều quốc gia đang xem xét lại việc bắt buộc tiêm vaccine COVID-19.

Ảnh minh họa vaccine phòng bệnh COVID-19. Ảnh: Reuters

Ảnh minh họa vaccine phòng bệnh COVID-19. Ảnh: Reuters

Theo kênh CNA, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis gần đây đã công bố kế hoạch phạt những người từ 60 tuổi trở lên từ chối tiêm vaccine COVID-19. Theo đó, những người này sẽ bị phạt 113 USD/ tháng nếu không tiêm chủng. Qui định mới sẽ được áp dụng kể từ ngày 16/1/2022.

Trong bối cảnh làn sóng COVID-19 đang tái bùng phát ở một số khu vực và sự xuất hiện bất ngờ của biến thể Omicron đáng lo ngại, ngày càng nhiều quốc gia đã thắt chặt các qui định tiêm chủng đối với người dân, từ việc thúc đẩy tiêm mũi tăng cường đến bắt buộc tiêm vaccine đối với một số ngành nghề, doanh nghiệp, thậm chí rộng rãi hơn là tất cả người dân.

Trong thời kỳ đại dịch COVID-19, một số quốc gia đầu tiên trên thế giới đã áp dụng qui định bắt buộc tiêm chủng, đó là Indonesia, Micronesia (đảo quốc Nam Thái Bình Dương) và Turkmenistan. Gần đây hơn, Áo đã có kế hoạch áp dụng tiêm chủng bắt buộc để đối phó với các làn sóng dịch bệnh gia tăng, trong khi Đức cũng đang xem xét đưa ra biện pháp tương tự.

Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên các chính phủ áp đặt bắt buộc tiêm vaccine để tăng tỉ lệ tiêm chủng. Vào thế kỷ 19, nhiều quốc gia Tây Âu đã áp dụng tiêm chủng bắt buộc để đối phó với bệnh đậu mùa, không chỉ đối với trẻ em mà còn cả người lớn. Nhiều nước Đông Âu cũng đã áp đặt biện pháp này thời Liên Xô.

Tại châu Âu, việc áp dụng sớm biện pháp tiêm chủng bắt buộc đã vấp phải sự phản kháng mạnh mẽ của những người phản đối vaccine. Song các cơ quan y tế và chính phủ, những người khởi xướng các quy định về vaccine, sau đó đã thay đổi cách xử lý, ưu tiên niềm tin lẫn nhau và thúc đẩy trách nhiệm của người dân với sức khỏe của chính họ và bảo vệ sức khỏe của cộng đồng.

Mọi người chờ theo dõi sau khi tiêm vaccine COVID-19 của Pfizer tại một điểm tiêm chủng ở Fontainebleau, phía nam Paris, hôm 3/12. Ảnh: AP

Mọi người chờ theo dõi sau khi tiêm vaccine COVID-19 của Pfizer tại một điểm tiêm chủng ở Fontainebleau, phía nam Paris, hôm 3/12. Ảnh: AP

Trong nhiều năm qua, qui định bắt buộc tiêm chủng đã được áp dụng ở châu Âu để đối phó với các bệnh truyền nhiễm ở trẻ em, đặc biệt là bệnh sởi.

Vào năm 2019, Samoa, quốc đảo ở Nam Thái Bình Dương, đã bắt buộc tiêm vaccine sởi cho toàn dân trong tình trạng khẩn cấp quốc gia, với hàng nghìn trường hợp mắc bệnh và hơn 80 trường hợp tử vong vì một căn bệnh có thể phòng ngừa được, trong đó có nhiều trẻ em. Đây là một trong những nơi có dân số ít, chỉ khoảng 200.000 người. Qui định tiêm chủng bắt buộc đã giúp gần như tất cả dân số đều được tiêm chủng và ngăn chặn thành công đà lây nhiễm trong đợt bùng phát cuối cùng.

Thật không may, một trong những nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ tiêm chủng thấp ở nơi này là do sai sót trong khâu chuẩn bị vaccine dẫn đến 2 trẻ em tử vong. Sự việc này cho thấy niềm tin có thể bị đánh gục một cách nhanh chóng nếu các dịch vụ tiêm chủng không đạt tiêu chuẩn.

Một người đàn ông nhận được một liều vaccine Moderna tại Rome, Italy. Ảnh: Reuters

Một người đàn ông nhận được một liều vaccine Moderna tại Rome, Italy. Ảnh: Reuters

Vào năm 2017, Pháp đã bắt buộc người dân tiêm chủng tất cả các loại vaccine được khuyến nghị. Những người không tuân thủ sẽ bị phạt tiền và thậm chí phạt tù. Đức cũng bắt buộc trẻ em tiêm phòng vaccine sởi khi đến trường cũng như đến các không gian công cộng khác, chẳng hạn như trại tị nạn và phòng khám.

Italy, quốc gia có lịch sử không thực thi mạnh mẽ các quy định về tiêm chủng, cũng đã yêu cầu tiêm phòng bắt buộc đối với 4 bệnh. Tuy nhiên, nước này hiếm khi đưa ra hình phạt đối với những người không tuân thủ. Vào năm 2017, Italy đã bổ sung thêm 6 loại vaccine bắt buộc đối với trẻ vị thành niên, trẻ mẫu giáo. Những phụ huynh không tuân thủ sẽ bị phạt tiền hoặc con họ sẽ không được đến trường.

Kể từ khi áp dụng tiêm chủng bắt buộc, tỷ lệ bao phủ vaccine đã tăng lên ở Pháp, Italy và Đức. Tuy nhiên, biện pháp này cũng gặp phải nhiều thách thức.

Ukraine đã phải trải qua một trải nghiệm đáng tiếc với việc áp dụng tiêm chủng bắt buộc. Vào những năm 2005 – 2006, quốc gia này phải đối mặt với đợt bùng phát bệnh sởi lớn nhất ở châu Âu, với 46 nghìn người mắc bệnh sởi và rubella. Do đó, Bộ Y tế Ukraine đã đưa ra yêu cầu tiêm chủng buộc đối với vaccine sởi và rubella. Nhưng những tranh cãi về các tác dụng phụ của các loại vaccine này đã chấm dứt chiến dịch tiêm chủng bắt buộc.

Giờ đây, khi tỉ lệ tiêm chủng ở một số khu vực thấp và các bệnh có thể phòng ngừa bằng vaccine đang có nguy cơ bùng phát, một lần nữa, một số quốc gia châu Âu đã áp đặt qui định bắt buộc tiêm chủng. Mặc dù chưa có đủ thời gian để đánh giá đầy đủ tỉ lệ thành công, nhưng chiến dịch tiêm chủng bắt buộc được coi giải pháp hữu hiệu nhất giúp tăng khả năng miễn dịch trước các mầm bệnh. Mức độ bao phủ vaccine rộng rãi sẽ giúp các nhóm dễ tổn thương được bảo vệ tốt hơn, tránh nguy cơ bùng phát các đợt dịch nghiêm trọng.

Hải Vân/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/bien-the-moi-xuat-hien-co-khien-cac-quoc-gia-thay-doi-qui-dinh-tiem-chung-20211207175937070.htm