Biến thể Omicron: 'Tảng đá ngáng đường' hay cơ hội để thoát khỏi đại dịch Covid-19?
Liệu sự xuất hiện của biến thể Omicron - một biến thể dễ lây nhiễm hơn, ít độc tính hơn có phải một điều tốt cho y tế công cộng? Trong khi nhấn mạnh rằng hiện còn quá sớm để đưa ra khẳng định thì một số chuyên gia về bệnh truyền nhiễm đang kỳ vọng vào viễn cảnh này.
“Không phải mọi thứ trông có vẻ tồi tệ đều thực sự tồi tệ”
Kể từ đầu đại dịch, các nhà dịch tễ học cho rằng, kịch bản trên có thể là lối thoát của đại dịch với việc virus biến chủng thành một dạng mới, vẫn tiếp tục lây lan nhưng khiến ít người nhập viện và tử vong hơn.
Đây là những điều từng xảy ra với virus cúm H1N1 và có lẽ giải thích cho nguồn gốc của bệnh cảm lạnh thông thường với virus gây bệnh là một loại virus corona có liên hệ với đại dịch Cúm Nga chết chóc vào cuối thế kỷ 19.
Những dấu hiệu ban đầu từ Nam Phi, nơi biến thể Omicron dường như đang thay thế biến thể Delta để trở thành biến thể chiếm ưu thế, đã cho thấy Omicron, với những đột biến đáng kể, có thể là biến thể mà các chuyên gia đang chờ đợi.
“Chúng tôi chưa rõ nhưng có một vài bằng chứng cho thấy nó đã giảm độc tính. Trong khi biến thể này vẫn gây lo ngại ở thời điểm hiện tại thì nó có lẽ sẽ trở thành biến thể với những đặc điểm có lợi hơn cho chúng ta", nhà dịch tễ học Tony Blakely thuộc Đại học Melbourne cho hay.
Nhà dịch tễ học Catherine Bennett thuộc Đại học Deakin cũng có cùng quan điểm khi nhận định rằng, cho tới nay, các bằng chứng cho chúng ta cơ sở để lạc quan.
"Có khả năng chúng ta đang chứng kiến một phiên bản virus dễ lây nhiễm hơn nhưng ít độc tính tới. Nó có thể trở thành một trong những bước đi để khiến việc sống chung với virus trở nên thuận lợi hơn. Chúng tôi đã chứng kiến một số dấu hiệu cho thấy sự tích cực cũng như những dấu hiệu cho tháy một vài điểm đáng lo ngại của nó", chuyên gia này bình luận.
Thế giới hiện vẫn lo ngại về biến thể Omicron. Tổ chức Y tế Thế giới đã mất vài tháng để xếp Delta là biến thể đáng lo ngại trong khi chỉ trong 2 ngày đã đưa Omicron vào loại này sau khi ca mắc đầu tiên được xác nhận.
Phản ứng trước sự xuất hiện của biến thể mới, châu Âu, Mỹ và Australia đã cấm đi và đến Nam Phi. Israel và Nhật Bản cũng đã đóng cửa biên giới.
Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Nam Phi Angelique Coetzee, bác sĩ đã điều trị cho một số bệnh nhân đầu tiên được chẩn đoán nhiễm biến thể mới, cho biết tất cả các ca mắc mà bà điều trị đều có những triệu chứng tương đối nhẹ.
Giáo sư Dror Mevorash, một chuyên gia về Covid-19 tại Trung tâm Y tế Hadassah ở Israel cũng nhận định với tờ báo địa phương Haaretz rằng, những dấu hiệu ban đầu cho thấy biến thể Omicron gây ra những triệu chứng tương đối nhẹ.
"Hiện vẫn còn quá sớm để nói về điều này nhưng không phải mọi thứ trông có vẻ tồi tệ đều thực sự tồi tệ", chuyên gia này đánh giá.
Tảng đá ngáng đường hay cơ hội thoát khỏi Covid-19?
Một kịch bản được đưa ra là một biến thể ít độc tính hơn sẽ trở nên chiếm ưu thế, với nhiều người mắc bệnh hơn nhưng sẽ có ít người gặp phải các triệu chứng nghiêm trọng hơn. Trong khi virus SARS-CoV-2 vẫn là một vấn đề thì viễn cảnh này có thể trở thành một phần của giải pháp sống chung với đại dịch khi mà những người hồi phục sau khi mắc bệnh nhẹ có hệ miễn dịch được bảo vệ tốt hơn trước sự lây nhiễm trong tương lai.
Theo đó, các đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 sẽ đặt ít sức ép hơn lên các bệnh viện và các hệ thống y tế công cộng so với các đợt bùng phát do biến thể Delta gây nên.
Thủ hiến bang New South Wales Dominic Perrottet đang đặt kỳ vọng vào việc này khi ông cảnh báo về những phản ứng vội vàng trước sự xuất hiện của Omicron.
"Việc đánh giá thành công không nằm ở số ca mắc. Đánh giá thành công nằm ở việc tránh số ca nhập viện, đảm bảo mọi người được an toàn và cùng lúc đó mở cửa nền kinh tế để mọi người làm việc và doanh nghiệp vận hành".
Hiện vẫn chưa có đủ bằng chứng về Omicron để khẳng định nó cản trở hay dọn đường cho con đường thoát khỏi đại dịch.
Ngày 22/12, chỉ có 109 ca nhiễm biến thể Omicron được phát hiện ở Nam Phi, nhưng sau đó số ca mắc đang tăng dần với 990 trường hợp đang được xem xét trong khi số ca nhiễm biến thể trên được ghi nhận lác đác ở châu Âu, Israel, Canada và Australia. Số ca nhập viện ở Nam Phi đang gia tăng mặc dù WHO cho rằng số ca mắc này không hoàn toàn do biến thể Omicron gây nên.
Nhà dịch tễ học Marylouise McLaws thuộc Đại học New South Wales (UNSW) cho biết, số mẫu quá nhỏ để đưa ra kết luận cuối cùng và hầu hết những trường hợp mắc bệnh ở Nam Phi là sinh viên đại học - những người ít có nguy cơ mắc bệnh nặng hơn dù nhiễm bất kỳ biến thể nào.
Giáo sư McLaws cũng cho rằng, thậm chí virus ít độc tính hơn thì nó vẫn gây sức ép nghiêm trọng lên hệ thống y tế nếu nhiều người mắc bệnh.
"Trong 2 tuần tới, chúng ta sẽ hiểu được nhiều điều hơn. Chúng tôi không biết về tỷ lệ tử vong trong 28 - 30 ngày tới. Thật tốt là thế giới đang có hướng tiếp cận thận trọng".
Giám đốc Y tế Australia, Giáo sư Paul Kelly cho biết "món quà Giáng sinh số 1" là một virus giảm độc tính sẽ thay thế Delta.
Trong khi đó, Giáo sư Blakely đánh giá, có 4 câu hỏi quan trọng về Omicron hiện nay: Liệu nó có dễ lây nhiễm hơn, độc tính mạnh hơn, khả năng kháng vaccine cao hơn và có thể lây nhiễm cho những người từng mắc Covid-19 hay không.
Câu hỏi cấp bách nhất - liệu Omicron có chống lại các vaccine hiện nay hay không - là câu hỏi mà các nhà nghiên cứu sẽ cần 2 tuần để trả lời.
Giáo sư Bennett cho biết, câu hỏi về độc tính của virus chỉ được trả lời từ những quan sát trong thế giới thực, bao gồm các triệu chứng được ghi nhận, số ca nhập viện và số ca tử vong nếu virus tiếp tục lây lan.
"Đây là thực tế của việc sống chung với virus. Chúng ta sẽ phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa cho tới khi hiểu hơn về mọi thứ và có phản ứng phù hợp", chuyên gia này đánh giá./.
* Loạt bài/bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQCP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.