Biến thể virus khiến số ca mới tăng cao tại Hàn Quốc và Nhật Bản

Một điểm xét nghiệm COVID-19 ở Chuncheon, Hàn Quốc. Ảnh: YONHAP/TTXVN

Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) ngày 6/7 cho biết nước này đã ghi nhận thêm 325 ca mắc 4 biến thể chính của virus SARS-CoV-2, trong đó có 153 ca nhiễm biến thể Delta có khả năng lây lan mạnh.

Hiện tổng số ca nhiễm các biến thể ở Hàn Quốc đã lên tới 2.817 ca, trong đó số ca nhiễm biến thể Delta là 416 ca.

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, trong số các ca nhiễm những biến thể mới nói trên, 168 ca nhiễm biến thể Alpha được phát hiện đầu tiên tại Anh, 153 ca nhiễm biến thể Delta phát hiện từ Ấn Độ và 4 ca nhiễm biến thể Gamma từ Brazil.

KDCA cảnh báo Hàn Quốc đang đứng trước nguy cơ có thêm nhiều ca nhiễm biến thể Delta. Cơ quan này cũng đưa ra dự báo rằng tính đến hết tháng 8 tới sẽ có tới 90% số ca mắc mới ở châu Âu và Mỹ nhiễm biến thể Delta.

Cũng theo KDCA, số lượng ca nhiễm biến thể mới gia tăng trong những ngày gần đây khiến Hàn Quốc đứng trước nguy cơ bùng phát đợt dịch mới.

Chỉ tính riêng trong tuần qua, tỉ lệ các ca nhiễm biến thể của virus SARS-CoV-2 được phát hiện thông qua phân tích gene là 50,1%, tăng mạnh so với 37,1% của một tuần trước đó.

Giống như làn sóng lây nhiễm trước, hơn 80% tổng số ca bệnh trong tuần qua tập trung ở khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận (tỉnh Gyeonggi và TP Incheon), nơi chiếm một nửa dân số Hàn Quốc và gần một nửa số ca nhiễm ở độ tuổi từ 20 đến 30 (chưa thuộc diện được tiêm chủng).

Nguy cơ lây nhiễm càng cao hơn sau khi Liên đoàn Lao động Hàn Quốc vừa tổ chức một cuộc biểu tình đường phố lớn với sự tham gia của 8.000 người ngày 3/7 vừa qua ở trung tâm thủ đô Seoul bất chấp cảnh báo của chính phủ. Sau sự việc này, Tổng thống Moon Jae-in đã đưa ra tuyên bố "sẽ có biện pháp xử lý cứng rắn bằng pháp luật đối với những hành vi vi phạm hướng dẫn phòng dịch COVID-19”.

Tính đến thời điểm hiện tại, Hàn Quốc đã hoàn tất việc tiêm mũi thứ 1 vắcxin ngừa COVID-19 cho tổng cộng 15,4 triệu người, tương đương 30% dân số trong khi 5,32 triệu người đã được tiêm chủng đầy đủ, chiếm 10,5% dân số.

Từ trung tuần tháng 7 này, Hàn Quốc sẽ thực hiện tiêm chủng mở rộng theo thứ tự. Theo đó khoảng 70.000 người dự định nhập ngũ trong thời gian từ tháng 7-9 (như đối tượng tham gia nghĩa vụ quân sự, sỹ quan dự bị) sẽ được tiêm vắcxin từ ngày 12/7 tới.

Đối tượng này chỉ cần trình giấy thông báo nhập ngũ với trung tâm y tế để làm thủ tục xác nhận và đăng ký sau đó tiêm chủng tại trung tâm tiêm phòng. Bên cạnh đó, 1,126 triệu người là giáo viên mẫu giáo, nhà trẻ, trường cấp 1, cấp 2 sẽ bắt đầu được đặt lịch tiêm phòng vắcxin của hãng Pfizer từ ngày 14-17/7 tới. Khoảng 640.000 học sinh lớp 12 và giáo viên cấp 3 sẽ được tiêm vắcxin này từ ngày 19-30/7 tại trung tâm tiêm chủng theo đơn vị trường học.

Trong khi đó, tại Nhật Bản, thủ đô Tokyo ngày 6/7 thông báo có 593 ca nhiễm mới, tiếp tục đà tăng trong bối cảnh chỉ còn 2 tuần nữa sẽ diễn ra Thế vận hội Olympic và Paralympic Tokyo. Số ca bệnh trung bình trong một tuần tại Tokyo hiện là 602,3 ca/ngày, trên mức 500 ca/ngày mà chính phủ đánh giá là mức nguy hiểm thứ 4 trên thang đánh giá mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh gồm 4 cấp độ.

Trước bối cảnh đó, ông Taro Kono, Bộ trưởng Cải cách hành chính, người phụ trách chương trình tiêm chủng quốc gia, cho biết chính phủ có kế hoạch phân phối tổng cộng 11,7 triệu liều vắcxin ngừa COVID-19 của hãng Pfizer đến các khu vực trên cả nước 2 tuần một lần từ tháng 7 này đến cuối tháng 9, nhưng không nêu cụ thể số vắcxin phân bổ cho từng khu vực.

Nhật Bản đang nỗ lực triển khai tiêm chủng sau khi bị chỉ trích là chậm chạp trong công tác này. Nhật Bản đã nhận được 13,7 triệu liều vắcxin ngừa COVID-19 của hãng Moderna vào cuối tháng 6 vừa qua. Dự kiến, từ này đến cuối tháng 9, Nhật Bản sẽ nhận được thêm 36,3 triệu liều từ công ty dược phẩm này của Mỹ theo thỏa thuận 50 triệu liều đã được hai bên nhất trí trước đó.

Cùng ngày 6/7, Nội các Thái Lan đã thông qua việc ký kết thỏa thuận mua 20 triệu liều vắcxin của Pfizer và mua thêm 10,9 triệu liều vắcxin của Sinovac Biotech. Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Chính phủ Thái Lan không tiết lộ ngân sách mua vắcxin của Pfizer.

Trong khi đó, phát ngôn viên của Thủ tướng Thái Lan, ông Anucha Burapachasri, cho biết ngân sách mua vắcxin của Sinovac sẽ không vượt qua 6,1 tỉ baht (khoảng 190 triệu USD) và khoản tiền này sẽ được trích từ các khoản vay theo một sắc lệnh hành pháp.

Dự kiến, lô vắcxin của Pfizer đặt hàng nói trên sẽ tới Thái Lan vào tháng 10. Trước đó, một số quan chức của Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 (CCSA) đã nói rằng 1,5 triệu liều vắcxin Pfizer do Mỹ trao tặng sẽ đến trong tháng này và tháng 8.

Trong khi đó, các nhà chức trách y tế Thái Lan ngày 6/7 cảnh báo biến chủng Delta đang nhanh chóng lây lan khắp đất nước sau khi có thêm 57 ca tử vong do COVID-19 và 5.420 ca nhiễm mới được xác nhận trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm từ đầu mùa dịch lên 294.653 ca, trong đó có 2.333 ca tử vong.

Đến nay, Thái Lan đã tiêm được 11,05 triệu liều vắcxin ngừa COVID-19, chủ yếu là bằng hai loại của Sinovac và AstraZeneca, trong đó 8,02 triệu người đã tiêm mũi đầu tiên và 3,03 triệu người đã hoàn thành tiêm chủng. Nước này đặt mục tiêu tiêm chủng cho ít nhất 50 triệu người, tương đương 70% dân số, vào cuối năm nay.

Tại Bangladesh, Hiệp hội Chữ thập Đỏ và Trăng lưỡi liềm Đỏ quốc tế (IFRC) ngày 6/7 cho rằng cần hành động khẩn cấp để tăng nguồn cung vắcxin ngừa COVID-19 cũng như nguồn cung oxy khi mà các bệnh viện tại nước này đang rơi vào tình trạng quá tải do số ca bệnh tăng vọt.

Theo IFRC, biến thể Delta có khả năng lây nhiễm và gây tử vong cao đang lây lan nhanh tại khu vực thành thị cũng như nông thôn ở Bangladesh, gây ra hàng trăm ca tử vong mỗi tuần. Đặc biệt, các bệnh viện tại những khu vực biên giới giáp với Ấn Độ đang chứng kiến số ca nhiễm và tử vong mới tăng mạnh.

Tại thủ đô Dhaka, khoảng 78% ca bệnh là do nhiễm biến thể Delta. Hiện lực lượng IFRC tại Bangladesh đang nỗ lực hỗ trợ nước này ứng phó với dịch bệnh nhằm giảm nguy cơ tử vong do COVID-19, trong đó có cung cấp xe cứu thương miễn phí 24/24 và bình oxy, đồng thời hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho những người bị mất việc làm hoặc thu nhập vì dịch bệnh.

Người đứng đầu phái đoàn IFRC tại Bangladesh Sanjeev Kafely cho rằng dịch bệnh đang tác động tàn khốc đến hàng triệu người ở quốc gia Nam Á này, trong đó nhiều người bị mất việc làm và sinh kế. Tiêm chủng đại trà là "chìa khóa" để chấm dứt các ca nhiễm mới, tử vong cũng như những khó khăn do dịch bệnh gây ra tại Bangladesh và ở bất kỳ nơi nào trên thế giới. Theo quan chức này, điều quan trọng là những nước giàu có hơn cần chia sẻ vắcxin cho Bangladesh trong thời gian tới.

Theo cơ quan y tế Bangladesh, ngày 5/7, nước này ghi nhận thêm 9.964 ca nhiễm mới, mức tăng theo ngày cao nhất từ trước đến nay, và 164 ca tử vong. Số liệu của Đại học Oxford cho thấy đến nay, tại Bangladesh mới chỉ có khoảng 3% dân số đã được tiêm đủ liều vắcxin ngừa COVID-19, thấp hơn nhiều so với tỉ lệ lên đến một nửa dân số ở những nước như Anh và Mỹ.

Trong diễn biến khác, Bộ Y tế Israel thông báo kể từ ngày 6/6 đến nay, 131.000 thanh thiếu niên ở độ tuổi từ 12-15 tuổi, tương đương 23,1% nhóm đối tượng này, đã tiêm vắcxin phòng COVID-19. Trong khi đó, 88% người trong độ tuổi từ 50 tuổi trở lên, cũng đã tiêm phòng bệnh. Cho đến nay, 5,66 triệu, tương đương 60,7% dân số Israel, đã tiêm vắcxin.

Israel khởi động chương trình tiêm vắcxin từ cuối tháng 12/2020 với nhân viên y tế, người từ 65 tuổi trở lên và những người có bệnh lý nền là những đối tượng được tiêm phòng đầu tiên. Theo Bộ Y tế Israel, hiệu quả của vắcxin trong phòng ngừa lây nhiễm COVID-19 và các ca bệnh có triệu chứng giảm xuống còn 64% kể từ ngày 6/6. Tuy nhiên, hiệu quả ngăn chặn các ca nhập viện và bệnh nặng sau khi nhiễm virus vẫn ở mức 93%.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/260811/bien-the-virus-khien-so-ca-moi-tang-cao-tai-han-quoc-va-nhat-ban.html