Biến thể XBB.1.16 của Omicron khiến số ca nhiễm Covid-19 tại Thái Lan gia tăng có nguy hiểm không?

Theo Bộ Y tế Thái Lan thống kê, biến thể phụ XBB.1.16 của Omicron là nguyên nhân khiến số ca mắc Covid-19 gia tăng tại quốc gia này. Đặc trưng của biến thể XBB.1.16 là khả năng lây lan nhanh chóng.

Biến thể phụ XBB.1.16 của Omicron (hậu duệ của XBB tái tổ hợp, cấu hình tương tự như biến chủng XBB.1.5) được phát hiện lần đầu tiên vào tháng 3/2023 tại Brazil.

1. Biến thể XBB.1.16 có dễ lây lan không?

Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đã chỉ ra rằng, sự xuất hiện thêm của 3 đột biến trong protein gai là E180V, F486P và K478R đã khiến biến thể XBB.1.16 dễ lây lan hơn gấp 1,17 - 1,27 lần so với biến thể Omicron. Trong đó, đột biến F486P giúp vượt qua các kháng thể chống Covid-19 tạo ra từ tiêm chủng hoặc nhiễm bệnh tự nhiên.

Điều này có nghĩa là biến thể này có khả năng né tránh các kháng thể mà cơ thể sản xuất ra để giúp chống lại virus tốt hơn. Hay nói cách khác, biến thể XBB.1.16 có thể lẩn tránh hệ miễn dịch cao hơn, nghĩa là tỷ lệ mắc ở người đã có miễn dịch nhờ tiêm vaccine và do từng mắc trước đó (tái nhiễm) có thể cao hơn so với các biến thể trước đó.

Sự xuất hiện thêm của 3 đột biến trong protein gai là E180V, F486P và K478R đã khiến biến thể XBB.1.16 dễ lây lan hơn (Ảnh: ST)

Sự xuất hiện thêm của 3 đột biến trong protein gai là E180V, F486P và K478R đã khiến biến thể XBB.1.16 dễ lây lan hơn (Ảnh: ST)

May mắn rằng, cho tới nay, chưa có ghi nhận nào cho thấy biến thể XBB.1.16 có thể gây bệnh nặng hơn, không khiến nhiều người phải vào viện hơn và hiện WHO không có cảnh báo mới đối với COVID-19 trên phạm vi toàn cầu với biến thể XBB.1.16. Đặc tính xâm chiếm hệ miễn dịch của XBB.1.15 và XBB.1.16 vẫn giống nhau. Vào tháng 4/2023, WHO đã phân loại XBB.1.16 - "Arcturus", là một biến thể cần theo dõi (Variants being monitored - UMs).

Về tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam, theo đại diện Bộ Y tế, từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước ghi nhận rải rác 148 trường hợp mắc COVID-19 tại 27 tỉnh, thành phố, không có tử vong. Trong đó: TP Hồ Chí Minh (34 ca mắc), Hà Nội (19 ca), Hải Phòng (21 ca), Bắc Ninh (14 ca), Nghệ An (17 ca), Quảng Ninh (6 ca), Bắc Giang (4 ca), Bình Dương (4 ca). 19 tỉnh, thành phố khác ghi nhận 1 đến 2 ca mắc/tỉnh. Các địa phương không ghi nhận các ổ dịch tập trung, tuy nhiên có sự gia tăng nhẹ số ca mắc trong 3 tuần gần đây, trung bình với 20 ca mắc/tuần.

2. Triệu chứng khi nhiễm biến thể XBB.1.16

Theo WHO thì các triệu chứng khi nhiễm biến thể XBB.1.16 hầu như không có sự thay đổi so với các biến thể Omicron khác, chủ yếu là ho và nghẹt mũi.

TS. William Schaffner, Giám đốc y tế của Tổ chức quốc gia về bệnh truyền nhiễm (NFID), cho biết, đã có "hàng loạt báo cáo nhỏ lẻ" từ các bác sĩ rằng biến thể XBB.1.16 có thể gây ra một số triệu chứng riêng biệt và bất thường, đặc biệt là ở trẻ em.

Đầu tiên là nó có xu hướng gây sốt nhiều hơn một chút, cơn sốt tăng chậm kéo dài trong một hoặc hai ngày; trong khi nhiều ca nhiễm COVID-19 thường là sốt nhẹ hoặc thậm chí là không sốt. Nhưng một triệu chứng bổ sung "rõ rệt" khác của khi nhiễm biến thể XBB.1.16 là viêm kết mạc hay còn gọi là đau mắt đỏ (conjunctivitis) không có mủ, dẫn tới đỏ mắt, nhiều ghèn mắt, ngứa và chảy nước mắt chủ yếu được báo cáo ở trẻ em và thanh thiếu niên.

Đau mắt đỏ ở người mắc XBB.1.16 thường tự khỏi trong khoảng 1 tuần và chưa ghi nhận biến chứng nghiêm trọng nào ở mắt sau khi khỏi. TS. Schaffner nói rằng, đau mắt đỏ liên quan tới biến thể XBB.1.16 thường có xu hướng viêm ở phần ngoài của mắt gồm các cấu trúc như: Giác mạc, mí mắt, mống mắt.

Theo WHO thì các triệu chứng khi nhiễm biến thể XBB.1.16 hầu như không có sự thay đổi so với các biến thể Omicron khác (Ảnh: ST)

Theo WHO thì các triệu chứng khi nhiễm biến thể XBB.1.16 hầu như không có sự thay đổi so với các biến thể Omicron khác (Ảnh: ST)

Thực tế thì đau mắt đỏ mức độ nhẹ đã được báo cáo trong một số báo cáo từ mùa xuân năm 2020 - ghi nhận như một triệu chứng khi nhiễm COVID-19 nên không được coi là một "triệu chứng mới", theo NBC News.

Tuy vậy, ngoài hai điểm kể trên thì các triệu chứng của XBB.1.16 có vẻ tương tự như các triệu chứng mắc COVID-19 do các biến thể Omicron khác gây ra. Biểu hiện của từng bệnh nhân mắc cũng sẽ khác nhau tùy thuộc vào tình trạng tiêm chủng. Bao gồm:

- Ho khan.

- Đau họng.

- Sổ mũi hoặc nghẹt mũi.

- Hắt hơi.

- Đau đầu.

- Mệt mỏi.

- Đau nhức cơ bắp.

- Thay đổi khứu giác, vị giác.

- Tiêu chảy.

- Buồn nôn và nôn mửa.

Nếu như phát hiện bản thân hoặc những người xung quanh có các triệu chứng này, tốt nhất hãy xét nghiệm để chẩn đoán sớm và cách ly phù hợp, giảm nguy cơ lây lan.

3. Phòng ngừa như thế nào?

Mặc dù biến thể XBB.1.16 có thể lẩn tránh hệ miễn dịch cả ở người đã tiêm vaccine hay từng nhiễm trước đó nhưng tiêm vaccine vẫn là cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh. Đặc biệt ở những nhóm người có nguy cơ phải nhập viện cao khi mắc COVID-19 bao gồm:

- Người lớn trên 65 tuổi.

- Người đang có các bệnh mãn tính gồm: Bệnh tiểu đường, cao huyết áp, suy thận, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính,...

- Người bị suy giảm miễn dịch.

- Phụ nữ mang thai.

- Người ghép tạng hoặc người đang điều trị một số bệnh tự miễn, chẳng hạn như: Bệnh viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ hệ thống,...

Trước tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp ở một số quốc gia, trong nước vẫn rải rác ghi nhận ca mắc, Bộ Y tế cũng đưa ra một số khuyến cáo đến người dân nhằm chủ động phòng chống bệnh COVID-19, gồm:

- Đeo khẩu trang nơi công cộng, trên phương tiện giao thông công cộng, tại các cơ sở y tế.

- Tăng cường vận động, rèn luyện thể lực, dinh dưỡng hợp lý.

- Khi có biểu hiện sốt, ho, khó thở thì cần nhanh chóng đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra, theo dõi và xử lý kịp thời,...

- Rửa thay thường xuyên bằng nước sạch với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.

- Hạn chế tụ tập nơi đông người (nếu không cần thiết).

Đặc biệt, những người dân đến và về từ các nước có số ca mắc COVID-19 cao cần chủ động theo dõi tình trạng sức khỏe để phòng, chống COVID-19 cho bản thân, gia đình và người tiếp xúc gần.

Ảnh: TTXVN

Ảnh: TTXVN

Đại diện Bộ Y tế cho biết, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với WHO theo dõi chặt chẽ tình hình dịch COVID-19 trên thế giới và đưa ra các biện pháp phòng, chống dịch bệnh phù hợp, hiệu quả.

Nguồn: Tổng hợp

Châu Anh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/bien-the-xbb116-cua-omicron-khien-so-ca-nhiem-covid-19-tai-thai-lan-gia-tang-co-nguy-hiem-khong-20250516170007778.htm