Nhân viên y tế bị hành hung: Tại anh tại ả?

Sau một thời gian dài lắng xuống, những ngày qua tình trạng nhân viên y tế bị bệnh nhân, người nhà bệnh nhân hành hung lại 'dậy' trở lại; giống như 'đến hẹn lại lên' do không được xử lý triệt để, dù đã có nhiều giải pháp.

Chỉ trong vòng hơn 2 tháng cả nước đã xảy ra 3 vụ nghiêm trọng bệnh nhân, người nhà bệnh nhân hành hung nhân viên y tế khiến dư luận quan tâm, đó là chưa kể rất nhiều vụ hành hung lẻ tẻ khác.

Mỗi vụ hành hung đều có tính chất, mức độ khác nhau. Có khi vì quá lo lắng cho người nhà mà hành hung, có khi chỉ vì coi cách xử lý của nhân viên y tế “ngứa mắt”mà hành hung cho bõ ghét…

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Hành hung nhân viên y tế vì quá lo lắng cho sức khỏe người nhà như trường hợp của ông K.V.S (41 tuổi) đưa con trai 12 tuổi bị tai nạn giao thông đến cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Thanh Ba (tỉnh Phú Thọ). Sau khi tiêm kháng sinh, trẻ bất ngờ bị sốc phản vệ, ngừng tuần hoàn. Trong lúc bệnh nhi được hồi sức tim phổi, ông S. không giữ được bình tĩnh đã lao vào hành hung một điều dưỡng viên ở đây.

Vụ hành nhân viên y tế xảy ra ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Nam Định hôm 4.5 vừa qua cũng do người nhà quá lo lắng cho tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Ông N.V.K (68 tuổi, ngụ huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) được chuyển từ Khoa Ngoại tổng hợp xuống Khoa Hồi sức tích cực với chẩn đoán viêm tụy cấp, sỏi ống mật chủ, xuất huyết tiêu hóa, xơ gan, đái tháo đường type 2 trong tình trạng ngừng tuần hoàn.

Tình trạng bệnh nhân đang nguy kịch, vợ và con trai ông K. chạy tìm bác sĩ nhưng không có nhân viên y tế nào có mặt để hỗ trợ ngay. Sau 15 phút, gia đình không thấy ai đến nên đã gọi lần thứ 2 mới có nhân viên y tế đến hỗ trợ. Quá bức xúc, con trai ông K. đã mắng chửi và hành hung người điều dưỡng của khoa này.

Vụ hành hung nhân viên y tế ở Trung tâm Y tế huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) lại khá ất ơ, đương sự chỉ vì thấy “ngứa mắt” mà ra tay trong khi bản thân mình chẳng liên quan gì. Khi đó, bệnh nhân N.V.T (49 tuổi) đang được bác sĩ Hằng thăm khám. Quá trình khám, bác sĩ Hằng vỗ chân bệnh nhân để nhắc phối hợp. Thấy vậy, người nhà của bệnh nhân khác nằm giường kế bên nhắc bác sĩ Hằng bệnh nhân đang đau sao lại đập mạnh như vậy.

Bác sĩ Hằng trả lời rằng dùng lực rất nhẹ, và tiếp tục khám cho cho bệnh nhân T. Sau đó người kia có lời thách thức, đe dọa, chửi bới bác sĩ Hằng. Khi nghe bác sĩ trả lời không nói chuyện với người ấy, và mời sang nơi khác thì anh ta tiến tới đấm vào mặt, đầu bác sĩ.

Có thể thấy, trong các vụ hành hung nhân viên y tế nói trên, lỗi của người nhà bệnh nhân đã quá rõ. Đó là sự hành hung vô cớ, thể hiện tính côn đồ đối với nhân viên y tế đang làm nhiệm vụ cứu người, hoàn toàn không chấp nhận được. Cho dù ai sai ai đúng, khi bác sĩ đang làm nhiệm vụ chuyên môn, phải đảm bảo an toàn để họ hoàn thành công việc.

Tuy nhiên, ta cũng không thể cho rằng không có lỗi của nhân viên y tế. Lỗi ấy do cả yếu tố khách quan và chủ quan. Yếu tố khách quan là việc nhân viên y tế không kịp thời xử lý bệnh nhân đang nguy kịch. Cũng có thể do thiếu người, các nhân viên y tế đang bận xử lý những bệnh nhân khác, không kịp thời xử lý những trường hợp mới đến. Đây chính là điều mà Bộ Y tế thừa nhận là một trong những nguyên nhân khiến nhân viên y tế bị hành hung. Thực tế hiện nay, mỗi năm cả nước có khoảng 200 triệu lượt người khám chữa bệnh, bình quân mỗi ngày lên tới vài triệu lượt. Trong khi đó, lực lượng cán bộ ngành chưa đáp ứng được nhu cầu. Số lượng bệnh nhân quá lớn tạo áp lực nặng nề.

Còn lỗi chủ quan là cách ứng xử của nhân viên y tế. Trong một số tình huống, có thể nhân viên y tế ứng xử chưa tốt. Giá như nhân viên y tế không quá “hơn thua” với người nhà bệnh nhân, biết kiên nhẫn, nhân ái, bao dung hơn để mọi chuyện cho qua thì sự việc đã khác.

TS-BS Hà Anh Đức - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã nhiều lần nhấn mạnh mục tiêu của ngành y tế là xây dựng mô hình lấy người bệnh làm trung tâm. Mọi chính sách và giải pháp đều phải hướng đến mục tiêu này. Người bệnh phải được tôn trọng, được thăm khám, điều trị.

Chính vì vậy, người bệnh không chỉ được khám, điều trị tốt mà còn nhận được sự chia sẻ của nhân viên y tế. Với bệnh nhân, nhất là bệnh nhân nặng, người nhà luôn trong tâm trạng lo lắng, thậm chí rất dễ bị kích động. Do đó, bất cứ hành động, lời nói nào mà họ nghĩ làm ảnh hưởng đến sức khỏe của bệnh nhân hay bản thân đều rất dễ xảy ra những cơn thịnh nộ. Nếu lúc đó, những nhân viên y tế không kiên nhẫn, nhân ái, vị tha sẽ rất dễ xảy ra xung đột, thậm chí có thể bị “thượng cẳng chân hạ cẳng tay”.

Tôi nhớ có một bác sĩ trưởng khoa Cấp cứu của bệnh viện lớn ở TP.HCM nói rằng làm bác sĩ không chỉ giỏi chuyên môn mà còn phải giàu lòng nhân ái. “Trong môi trường bệnh viện, nhân viên y tế phải thường xuyên tiếp xúc với người bệnh, thân nhân người bệnh. Đây là những người luôn có tâm lý lo lắng, bất an, một tâm trạng “dễ vỡ”, có thể cáu gắt bất cứ lúc nào, cho dù đó là sự cáu gắt vô lý. Nếu các nhân viên y tế không ứng xử khéo léo, không có trái tim nhân ái, vị tha thì rất dễ xảy ra xung đột”, vị bác sĩ trưởng khoa giải thích.

Bác Hồ dạy “Thầy thuốc như mẹ hiền”. Nếu người mẹ không "hiền” làm sao tha thứ, bao dung với con trước những đòi hỏi vô lý, thậm chí ngỗ ngược. Người thầy thuốc cũng vậy, phải bao dung, nhân ái, vị tha. Thành công của người thầy thuốc không chỉ đến từ chuyên môn mà còn có cả sự kiên nhẫn, nhân ái, vị tha như người mẹ dành cho đứa con mình, dù đứa con ấy có ngỗ ngược.

Vấn đề trước mắt lúc này là các bệnh viện cần giảm tối đa các áp lực không đáng có cho cả nhân viên y tế lẫn người bệnh. Chẳng hạn quy trình đón tiếp tại các cơ sở y tế cần chuyên nghiệp hơn để giảm căng thẳng ban đầu; cán bộ y tế cần được đào tạo kỹ năng xử lý tình huống; hỗ trợ của các cơ quan chức năng phải thật sự kịp thời và hiệu quả...

Hồ Quang

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/nhan-vien-y-te-bi-hanh-hung-tai-anh-tai-a-232675.html