Biến tiềm năng thành lợi thế để phát triển
Long An khai thác tốt tiềm năng, lợi thế vốn có, phục vụ phát triển kinh tế, thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra là đến năm 2025 giữ vững vị trí dẫn đầu Vùng Đồng bằng sông Cửu Long và phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế
Theo Quyền Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư - Trương Văn Liếp, tỉnh có tiềm năng, lợi thế lớn, là cửa ngõ giao thoa giữa Vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Vùng Đông Nam bộ, giáp Vương quốc Campuchia và TP.HCM. Tỉnh hưởng được sự lan tỏa về phát triển công nghiệp, đô thị của TP.HCM. Cơ chế, chính sách phát triển KT-XH ngày càng hoàn thiện.
Lãnh đạo tỉnh quyết tâm tạo đột phá trong nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; duy trì Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) ở thứ hạng cao. Hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH trên địa bàn tỉnh ngày càng đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông có khả năng kết nối liên tỉnh, liên vùng.
Ngoài việc nâng cấp, mở rộng các tuyến đường tỉnh, vừa qua, tỉnh khởi công đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua tỉnh. Theo quy hoạch, thời gian tới, tỉnh phấn đấu hình thành 6 trục động lực (đường Vành đai 3, 4; Trục động lực Quốc lộ 50B; Trục động lực song hành Quốc lộ 62; Trục động lực Mỹ Quý Tây - Lương Hòa - Bình Chánh; Trục động lực Quốc lộ N1; Trục động lực Đức Hòa), tạo tiền đề thúc đẩy phát triển KT-XH, thu hút nhà đầu tư đến với tỉnh.
Một lợi thế lớn khác là Quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đây là cơ sở để kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư. Theo quy hoạch thì số lượng khu công nghiệp của tỉnh thành lập mới trong thời kỳ 2021-2030 là 17 khu với diện tích tăng thêm là 3.181ha; nâng số lượng khu công nghiệp toàn tỉnh đến năm 2030 là 51 khu với diện tích 12.433ha. Đây là cơ hội để thu hút nhà đầu tư vào khu công nghiệp, mở ra tiềm năng phát triển cho tỉnh.
Kinh tế chuyển dịch đúng hướng
KT-XH trên địa bàn huyện Cần Đước những năm gần đây có bước phát triển lớn. Địa phương luôn hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch đề ra. Theo Quyền Chủ tịch UBND huyện Cần Đước - Đào Hữu Tấn, 9 tháng năm 2023, kinh tế của huyện tiếp tục duy trì, phát triển khá. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ. Công nghiệp - xây dựng đóng vai trò quan trọng vào phát triển kinh tế của địa phương.
Huyện Đức Hòa có nhiều điều kiện để phát triển công nghiệp. Những năm qua, huyện có nhiều quyết sách đúng đắn, hợp lý trong việc thu hút đầu tư vào địa bàn. Theo Quyền Chủ tịch UBND huyện Đức Hòa - Lê Thành Phong, những năm qua, cơ cấu kinh tế của huyện có xu hướng phát triển mạnh trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng. Kinh tế công nghiệp ngày càng khẳng định vai trò, vị trí, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của địa phương.
Trong 9 tháng năm 2023, huyện duy trì giá trị sản xuất ở mức tăng trưởng khá. Tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 10,55%, trong đó: Khu vực 1 ước đạt 1,8%; khu vực 2 ước đạt 10,79% và khu vực 3 ước đạt 9,12%. Huyện tiếp tục xúc tiến, kêu gọi các nhà đầu tư, cải cách hành chính, lề lối làm việc, tạo môi trường thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư, hoạt động trên địa bàn.
Huyện chú trọng triển khai nhiều hoạt động thúc đẩy phát triển mối quan hệ đối tác đầu tư, thương mại, dịch vụ; tập trung cả hệ thống chính trị hỗ trợ các doanh nghiệp trong công tác giải phóng mặt bằng; kiến nghị tỉnh đầu tư xây dựng nhiều tuyến đường giao thông kết nối với các khu, cụm công nghiệp, phối hợp các ngành tỉnh tạo sự đột phá trong thu hút đầu tư, đề xuất UBND tỉnh có những điều chỉnh mạnh mẽ theo hướng lành mạnh hóa môi trường đầu tư.
Ông Trương Văn Liếp thông tin: Tận dụng tiềm năng, lợi thế vốn có, thời gian qua, tỉnh đạt nhiều kết quả nổi bật trong phát triển KT-XH, quy mô kinh tế đứng đầu Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, chiếm trên 13% tổng quy mô của vùng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh và bứt phá ở khu vực công nghiệp. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) 9 tháng năm 2023 đạt 4,93%, trong đó: Khu vực 1 tăng 3,59%; khu vực 2 tăng 6,42% và khu vực 3 tăng 3,99%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 1,57%. Về cơ cấu kinh tế, khu vực 1 chiếm tỷ trọng 17,16% GRDP; khu vực 2 chiếm 50,27%; khu vực 3 chiếm 26,26%.
Tỉnh tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp, giải pháp để hoàn thành các nhiệm vụ phát triển KT-XH, phấn đấu đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/bien-tiem-nang-thanh-loi-the-de-phat-trien-a164920.html