Biến vỏ hàu thành vật liệu sinh học thay thế bê tông

Liệu vỏ hàu nghiền nát có thể giúp ngành xây dựng giảm lượng khí thải carbon bằng cách thay thế đá vôi trong bê tông? Câu hỏi này đã được các kiến trúc sư Anh trả lời.

Kiến trúc sư Mooka Srisurayotin, Vương Quốc Anh, cho biết: “Vỏ hàu bỏ đi được thu lại từ các nhà hàng đối tác. Chúng tôi tái chế nó thành vật liệu sinh học tổng hợp, thay thế cho bê tông truyền thống, việc này giống như một vòng tuần hoàn”.

Kiến trúc sư Mooka Srisurayotin nảy ra ý tưởng sử dụng vỏ hàu sau khi tình cờ ghé qua một nhà hàng hàu đông khách ở Luân Đôn, nhìn thấy hàng nghìn chiếc vỏ hàu bị vứt bỏ mỗi ngày. Sau đó, ông cùng các cộng sự đã bắt đầu phát triển một loại vật liệu xây dựng bền vững mới thay thế đá vôi bằng vỏ hàu nghiền nát.

Những sản phẩm đầu tiên được tạo nên từ hỗn hợp vỏ hàu là những đồ vật thiết kế nội thất nhỏ, nhưng kiến trúc sư Srisurayotin cho biết chị muốn mở rộng quy mô sản xuất để tạo ra những vật liệu xây dựng thiết thực từ vỏ hàu và ứng dụng ở quy mô lớn hơn.

Hiện nay, xi măng là thành phần chính của bê tông, việc sản xuất vật liệu này thải ra khoảng 6 đến 8% lượng khí thải toàn cầu, chỉ xếp sau dầu, khí đốt và than đá. Đây được coi là một trong những lĩnh vực khó giảm khí thải nhất.

Trí Đức

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/bien-vo-hau-thanh-vat-lieu-sinh-hoc-thay-the-be-tong-268976.htm