Biển xâm thực sâu ảnh hưởng đến đời sống người dân

Khu vực bờ biển tiếp giáp cửa sông Mã thuộc thôn Tân Xuân, xã Hoằng Phụ (tỉnh Thanh Hóa) đã xảy ra hiện tượng sạt lở, xâm thực bờ biển với chiều dài hơn 1,5km gây ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt của người dân.

Tường bao đổ cột bê tông kiên cố của gia đình bà Bùi Thị Thương, thôn Tân Xuân, bị sóng biển đánh vỡ tung thành nhiều đoạn.

Tường bao đổ cột bê tông kiên cố của gia đình bà Bùi Thị Thương, thôn Tân Xuân, bị sóng biển đánh vỡ tung thành nhiều đoạn.

Là người dân sống ven biển từ bao đời nay, nhưng chưa năm nào, bà Bùi Thị Thương (thôn Tân Xuân) thấy tình trạng biển xâm thực mạnh như năm nay. Nỗi lo này càng thường trực hơn vào mùa mưa bão, áp thấp nhiệt đới. Điển hình như bão số 4 vừa qua, tuy không ảnh hưởng trực tiếp vào Thanh Hóa nhưng gây sóng to, gió mạnh, nước dâng cao và việc xói mòn bờ biển ngày càng nhiều hơn. Mấy năm gần đây, mỗi khi đài dự báo sắp có mưa bão, cả gia đình bà Thương cũng như các hộ dân xung quanh phải khăn gói, cất dọn đồ đạc để sơ tán vào nhà người thân ở để đảm bảo an toàn.

Bà Bùi Thị Thương cho biết: "Khu vực này, trước đây ngoài rừng phòng hộ trồng cây phi lao, còn có một bãi cát dài. Mép biển lúc đó còn cách khu dân cư tới 300-400m. Bây giờ, mép biển vào gần lắm và ngày càng lấn sâu vào khu dân cư. Tình trạng này kéo dài ngày nào, người dân chúng tôi bất an ngày đó nên chỉ mong nhà nước, chính quyền sớm tìm giải pháp cho dân yên tâm sinh sống, làm ăn".

Gia đình bà Hoàng Thị Hương có 1.250m đất ở ngay khu vực ven biển thuộc thôn Tân Xuân. Tuy nhiên, diện tích đất này đang bị sóng biển khoét sâu, ăn mòn dần. Lo lắng trước tình hình biển ngày càng xâm thực mạnh, trong năm 2022, đã ba lần, gia đình nhà bà Hương phải bỏ ra gần 400 triệu đồng xây tường bao, be bờ, đổ cát, đá, làm kè, giằng, đổ cột bê tông kiên cố để giữ đất. Tuy nhiên, tình trạng vẫn không được cải thiện là mấy. Sau bão số 4 vừa qua, nhiều đoạn tường bao bê tông đã bị sóng đánh trơ khung, siêu vẹo, đổ nát.

Bà Hoàng Thị Hương (thôn Tân Xuân) mong muốn: "Gia đình tôi mua mảnh đất này để cho con cái làm ăn, phát triển du lịch. Với tình trạng như thế này, chả mấy nhà tôi sẽ mất hết đất. Rất mong các cấp chính quyền sớm đầu tư tuyến đê kè để ngăn chặn sự xâm thực và đảm bảo an toàn cho người dân".

Khu vực bờ biển tiếp giáp cửa sông Mã thuộc thôn Tân Xuân xảy ra hiện tượng sạt lở, xâm thực bờ biển mạnh.

Khu vực bờ biển tiếp giáp cửa sông Mã thuộc thôn Tân Xuân xảy ra hiện tượng sạt lở, xâm thực bờ biển mạnh.

Theo báo cáo của UBND huyện Hoằng Hóa, trước đây, khu vực bờ biển tiếp giáp cửa sông Mã thuộc thôn Tân Xuân, đã xảy ra hiện tượng sạt lở, xâm thực bờ biển nhưng với mức độ thấp, không đáng kể. Tuy nhiên, thời gian gần đây, đặc biệt vào khoảng tháng 6, tháng 7 và ảnh hưởng của bão số 4 cuối tháng 9 vừa qua, triều cường, sóng lớn vỗ bờ với tần suất cao, hiện tượng sạt lở, xâm thực bờ biển tại vị trí nêu trên bị ảnh hưởng rất mạnh. Sóng đã làm sạt lở bờ biển với chiều dài hơn 1,5 km, lấn sâu vào đất liền đến khoảng 50m, có điểm bị xâm thực sâu vào đất liền hơn 100m. Việc xâm thực này đã làm mất đất sản xuất và đất ở của một số hộ dân khoảng trên 7,5 ha, trong đó đất rừng sản xuất khoảng 5,2 ha, đất nuôi trồng thủy sản khoảng 1,5 ha, còn lại là đất bãi bồi và đất ở, đất biên phòng.

Đặc biệt, tình trạng sạt lở xâm thực đã làm mất đất ở của 3 hộ dân ở thôn Tân Xuân với khoảng 1.000m2 và trụ sở, khuôn viên làm việc của Trạm Kiểm soát Biên phòng Lạch Hới. Hiện nay, tình trạng sạt lở vẫn đang tiếp diễn. Dãy rừng phòng hộ với những rặng phi lao xanh mát chạy dọc Trạm Kiểm soát Biên phòng Lạch Hới dần bị nuốt chửng. Bờ biển nơi đây ngổn ngang gốc cây, thân cây bị sóng đánh dạt vào bờ.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Hoằng Phụ cho biết, tình trạng nước biển xâm thực ở khu vực xã Hoằng Phụ nghiêm trọng và đang có những diễn biến khó lường. Tình trạng sạt lở, xâm thực nếu tiếp tục diễn ra với tốc độ nhanh như thời gian vừa qua sẽ gây nguy hiểm và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống các hộ dân trong khu vực và Trạm Kiểm soát Biên phòng Lạch Hới. Để ứng phó với tình trạng trên, ngoài việc hỗ trợ người dân dùng những biện pháp tạm thời để khắc phục, UBND xã đã nhiều lần báo cáo gửi lên các cấp có thẩm quyền. Trước mắt, chúng tôi sẽ huy động người dân trồng thêm cây phi lao dọc bờ biển để khắc phục tạm thời.

Sóng biển làm sạt lở bờ biển xã Hoằng Phụ với chiều dài hơn 1,5 km, lấn sâu vào đất liền khoảng 50m, có điểm hơn 100m.

Sóng biển làm sạt lở bờ biển xã Hoằng Phụ với chiều dài hơn 1,5 km, lấn sâu vào đất liền khoảng 50m, có điểm hơn 100m.

UBND huyện Hoằng Hóa đã chỉ đạo UBND xã Hoằng Phụ theo dõi chặt chẽ diễn biến xâm thực, xây dựng bổ sung các phương án để đảm bảo an toàn về người và tài sản của nhân dân. Đồng thời, huyện yêu cầu Đồn Biên phòng Hoằng Trường, Trạm Kiểm soát Biên phòng Lạch Hới bổ sung các phương án đảm bảo an toàn cho người và tài sản của Trạm.

Mới đây, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai tỉnh Thanh Hóa đã xuống hiện trường kiểm tra, đánh giá hiện trạng và sẽ họp bàn với các ngành chức năng để đưa ra các giải pháp kịp thời xử lý tình trạng xâm thực bờ biển tại xã Hoằng Phụ để bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản cho ngư dân yên tâm bám biển.

Bài và ảnh: Hoa Mai (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/van-de-quan-tam/bien-xam-thuc-sau-anh-huong-den-doi-song-nguoi-dan-20221008090725619.htm