Biết đọc, biết viết kỳ diệu lắm!

Xuân 2020 - Biết đọc, biết viết tiếng Việt là điều vô cùng kỳ diệu, như một mốc son tươi hồng điểm tô cho cuộc sống của bao 'học sinh' tóc đã điểm hoa râm hoặc bạc trắng mái đầu… Bởi, thành quả ngọt ngào sau xóa mù chữ (XMC) của cấp ủy, chính quyền huyện Bắc Quang đã mang đến cho cuộc sống của bao đồng bào dân tộc thiểu số thêm khởi đầu tốt đẹp, dạt dào sức sống như đất trời vào Xuân.

Sau xóa mù chữ, chị Bàn Thị Lân (thôn Thượng Cầu – xã Tiên Kiều) tự tin kiểm tra bài tập về nhà của cháu nội.

Sau xóa mù chữ, chị Bàn Thị Lân (thôn Thượng Cầu – xã Tiên Kiều) tự tin kiểm tra bài tập về nhà của cháu nội.

Khi bản làng bừng sáng ánh điện cũng là lúc vang vọng tiếng đánh vần học chữ, số của những “học sinh” đặc biệt tại các lớp xóa mù chữ. Họ là trụ cột gia đình, có người trong số ấy đã là cha, mẹ thậm chí ông, bà nhưng mới lần đầu tiếp xúc bảng chữ cái tiếng Việt. Ở tuổi lẽ ra được cắp sách đến trường thì bao lý do ràng buộc như kinh tế gia đình khó khăn, đường đến trường học xa xôi cách trở hay những quan điểm thiếu tân tiến “đi học cũng ăn cơm, ở nhà cũng ăn cơm”… đã khiến cuộc sống của họ gói gọn trong vòng luẩn quẩn mù chữ.

Các lớp học xóa mù chữ được thực hiện vào buổi tối khi học viên kết thúc ngày lao động mưu sinh.

Các lớp học xóa mù chữ được thực hiện vào buổi tối khi học viên kết thúc ngày lao động mưu sinh.

“Kể tội” những năm tháng không biết đọc, biết viết ấy, học viên Bàn Thị Lân (sinh năm 1968), dân tộc Dao thôn Thượng Cầu (xã Tiên Kiều) không giấu cái dở của mình: Có lần đến khám sức khỏe tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quang, tôi đi nhầm phòng chỉ vì không biết đọc biển chỉ dẫn. Xấu hổ lắm! Anh Đặng Văn Dương – chồng chị Lân thêm lời: Vợ không biết đọc chữ cũng thiệt thòi lắm! Mọi công việc liên quan đến giấy tờ, sổ sách để giao dịch công việc đều do tôi làm. Như vậy, vợ ít có cơ hội tiếp xúc với mọi người; thậm chí, đi chợ mua, bán gì thì chồng cũng đi cùng vì vợ không biết đọc mệnh giá đồng tiền.

Xóa mù chữ giúp nhiều phụ nữ xã Tiên Kiều chủ động ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Xóa mù chữ giúp nhiều phụ nữ xã Tiên Kiều chủ động ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Kết thúc vòng luẩn quẩn trên, giờ đây, khi đã trở thành bà nội của những đứa trẻ, chị Lân mới hoàn thành chương trình XMC mức độ 2. Ở nhà, chị còn tự tin học chung các môn văn hóa bậc Tiểu học với cháu trai của mình. Còn chị Đặng Thị Lý (cùng thôn Thượng Cầu) không giấu nổi niềm vui: Trẻ con bây giờ bé xíu đã biết sử dụng điện thoại thông minh. Tôi 44 tuổi mới bằng bọn chúng. Nhưng vui lắm. Biết đọc chữ, tôi biết dùng điện thoại để nhắn tin, gọi điện cho người thân, tìm hiểu thông tin phát triển KT-XH. Biết đọc, biết viết chữ mới thấy tri thức của nhân loại thật vô tận!

Những ví dụ trên đã trở thành minh chứng sinh động kết tinh cho thành quả XMC của huyện Bắc Quang, giai đoạn từ năm 2017 đến nay. Theo đó, toàn huyện đã mở 85 lớp XMC/2.223 học viên với tỷ lệ hoàn thành chương trình XMC 98,74%. Để có kết quả quan trọng này, Phòng GD&ĐT huyện đã tham mưu UBND huyện thực hiện XMC theo cơ chế khoán. Và đây có thể là bước đột phá lớn về XMC trên địa bàn huyện - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Bắc Quang Phạm Hồng Thanh chia sẻ.

Mặt trời xuống núi, bên bếp lửa hồng, chiếc nồi quân dụng sùng sục sôi làm bung tỏa hương bánh chưng xanh thơm ngạt ngào, kèm theo tiếng đọc sách ôn chữ của chị Bàn Thị Lân khiến không gian thêm sống động. Phải chăng, bước ngoặt XMC của các học viên đã tạo nên nhành xuân nhỏ, góp sức tô đẹp cho mùa Xuân của Tổ quốc như chính lời thơ chị Lân đọc: “Em mang về những vui mừng/ Cho ngôi nhà nhỏ tưng bừng rộn vang/ Bàn thờ sắp đặt nghiêm trang/ Đầy hương vị tết ghé ngang nhà mình/ Du dương khúc nhạc xuân tình/ Từ trong ánh mắt chợt nhìn long lanh”.

Bài, ảnh: THU PHƯƠNG

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/van-hoa/202001/biet-doc-biet-viet-ky-dieu-lam-754804/