'Biệt đội' giải cứu người nhảy cầu tự tử
10 năm qua, 'Biệt đội cứu hộ cầu Cần Thơ' đã can ngăn, giải cứu hàng chục người có ý định nhảy cầu tự tử.
Cuộc giải cứu 30 giây
"Alo, alo, có người định nhảy cầu gần tháp giữa!" - một đồng nghiệp gọi vào điện thoại anh Thành, giọng như thét lên.
Đang ngồi uống nước, anh Thành khoác vội chiếc áo phản quang rồi chạy như bay. Lúc ấy đã gần 12h đêm, cầu Cần Thơ nhuốm sương, có gió mạnh.
Khoảng 3 phút sau, anh Thành đến vị trí tháp giữa. Trước mắt họ, một thanh niên ngồi ngoài thành cầu, mắt hình về phía xa.
Anh Thành ra hiệu cho một đồng nghiệp khác cùng đi đến. Lúc này, họ bước đi chậm rãi, ra vẻ không quan tâm đến mục tiêu.
Bất ngờ, anh Thành tăng tốc, túm lấy tay nam thanh niên. Đồng nghiệp của anh liền leo ra phía ngoài thành cầu để hộ tống người này vào bên trong.
Chưa đến 30 giây, cuộc cứu hộ thành công.
Được anh Thành thuyết phục, chàng thanh niên khoảng 20 tuổi từ bỏ ý định nhảy cầu. Anh ta cám ơn 2 người mặc áo phản quang rồi rời đi. Đó là một trong số hàng chục lần cứu hộ thành công của anh Thành và các thành viên trong Đội bảo trì cầu Cần Thơ trong 10 năm qua.
Đội có khoảng 50 người, được thành lập khi cầu Cần Thơ thông xe năm 2010. Công việc của họ là bảo trì, tuần tra, phát hiện và xử lý sự cố trên cầu Cần Thơ. Cứu người nhảy cầu là nhiệm vụ đặc biệt, vì nó không nằm trong danh mục xử lý sự cố cầu Cần Thơ mà đội đảm trách.
Theo anh Thành, cũng vì kiêm thêm nhiệm vụ đặc biệt này mà không ít người gán cho Đội bảo trì cầu Cần Thơ tên gọi "Biệt đội bảo vệ cầu Cần Thơ", hay "Biệt đội cứu hộ cầu Cần Thơ".
Vì sao biết người thanh niên lúc nãy có ý định nhảy cầu? Anh Thành nói rằng người bình thường không ra ngoài thành cầu ngồi chơi. Chỉ những ai định nhảy cầu mới có hành động nguy hiểm như vậy.
Điều anh nói trùng khớp với câu chuyện của nam thanh niên kia. Qua trao đổi, người này kể do nợ nần nên định tự vẫn.
"Khi phát hiện người có dấu hiệu nhảy cầu, anh em chúng tôi tìm cách tiếp cận, thuyết phục họ đi vào phía trong thành cầu. Một số trường hợp cấp thiết sẽ dùng nghiệp vụ để cưỡng chế và đưa người vào nơi an toàn", anh Thành kể.
Trong 10 năm qua, "Biệt đội cứu hộ cầu Cần Thơ" không nhớ có bao nhiêu người từng định đến đây tự vẫn.
Số lượng nhiều và không phải cuộc giải cứu nào cũng thành công. Ông Hứa Nhơn Hậu (thành viên đội bảo trì cầu Cần Thơ) vẫn ám ảnh khi người nhảy cầu tử vong vì đội giải cứu nhận tin muộn hoặc thuyết phục không thành.
"Lúc đó, anh em ai cũng tự nhận là phần lỗi của mình. Mọi người thất thần nhìn nhau, rồi kêu than phải chi mình đến sớm hơn một chút, hoặc có cách tiếp cận tốt hơn chút nữa...", anh Hậu nói.
Trong câu chuyện của mình, các anh nhắc về một trường hợp giải cứu người đầy bất ngờ hơn 7 năm trước.
Khi đó, anh Tăng Phước Trường (thành viên trong đội) sau khi thuyết phục thành công một người phụ nữ từ bỏ ý định nhảy cầu thì hai người đã bén duyên và nên nghĩa vợ chồng...
Cầu Cần Thơ nối TP Cần Thơ với tỉnh Vĩnh Long, dài 2,75 km. Với độ cao thông thuyền khoảng 50 m, ít trường hợp nhảy cầu có thể sống sót.
Theo thống kê của ngành chức năng, người nhảy cầu thường tử vong ngay sau khi tiếp nước. Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy áp lực lớn khi nhảy từ trên cao gây chấn thương lá lách, vỡ phổi...
Túc trực 24/24h
Trở lại công việc chính là bảo trì và xử lý sự cố trên cầu Cần Thơ, các thành viên của đội túc trực 24/24 để đảm bảo cho cây cầu huyết mạch của miền Tây luôn thông thoáng.
Các anh làm việc không quản ngại thời tiết, bất chấp nguy hiểm thường trực và cả những ám ảnh dài ngày.
Khoảng 50 thành viên chia thành nhiều ca, kíp trực trong ngày, đảm bảo khi có sự cố, họ là lực lượng đầu tiên đến hiện trường xử lý.
Khi phương tiện bốc cháy trên cầu, tai nạn hay xe cộ vô tình hỏng hóc... người dân sẽ thấy những người đàn ông mặc áo phản quang nhanh chóng xuất hiện. Họ dùng chóp nhựa cảnh báo phương tiện khác, điều tiết giao thông, trực tiếp chữa cháy...
Cẩn trọng và nhanh nhẹn, các thành viên của đội luôn ý thức rằng dòng xe di chuyển qua cầu liên tục, nhanh không kém trên cao tốc. Tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Khi giao ca, họ tranh thủ kiểm tra hoạt động của các thiết bị cứu hộ, xử lý tình huống. Ông Nguyễn Ngọc Nhân, 1 trong 4 ca trưởng của đội, nói đó là một phần trong nhiệm vụ không được lơ là.
Cầu Cần Thơ hình thành làm thay sứ mệnh đặc biệt mấy chục năm của bến phà Cần Thơ trước đây, đó là kết nối lưu thông các tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Mười năm qua kể từ lúc cầu khánh thành, cũng là chặng đường đồng hành xuyên suốt, không mệt mỏi của "biệt đội".
Với họ, 2 tháp cầu cao hàng chục mét là nơi ở, sinh hoạt. "Căn nhà nhỏ" rộng khoảng 10 m vuông này cũng là nơi lưu giữ những tiếng cười và cả cảm xúc ngậm ngùi về những sự cố đáng tiếc.
"Chú ơi có người va quệt nhau trên cầu!" - nghe tiếng gọi lớn, ông Hứa Nhơn Hậu cầm thanh cảnh báo chạy vội trong đêm.
Thật may là xe chỉ bị hư hỏng nhẹ. Tất cả thở phào nhẹ nhõm...
"Đứt gân chân, nhưng khỏe lại là tôi đi làm"
Ông Võ Ngọc Hải (58 tuổi, ở đường Phan Văn Năm, phường Cái Vồn, thị xã Bình Minh, Vĩnh Long) vừa xuất viện. Ông là thành viên của Đội bảo trì cầu Cần Thơ, bị tai nạn khi tuần tra trên cầu cách đây ít lâu.
Chân còn băng kín, ông Hải di chuyển nhờ tựa vào chiếc ghế nhựa. Chân gỗ vợ ông mới mua nhưng chưa quen dùng.
Rồi ông thở dài, kể mình bị một thanh niên say xỉn điều khiển xe máy tông đứt gân trụ của chân.
Khi đó là 20h45 ngày 11/11. "Tôi nhận được cuộc gọi từ đồng nghiệp anh Hải. Người ấy nói với tôi anh bị tai nạn, đã được đưa vào Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ. Tôi như chết lặng", bà Hồng (vợ ông Hải) kể.
Bà Hồng vội đến bệnh viện. Trên đường, bà như người quẫn trí, không kiểm soát được cảm xúc. Trong đầu, người phụ nữ cứ nghĩ đến việc chồng lành ít dữ nhiều.
Kể lại chuyện hôm đó, bà lại khóc. Không phải tự dưng nước mắt bà Hồng trào ra như vậy. Chỉ vài tháng trước, ông Hồ Ngọc Thắng (đồng nghiệp của ông Hải) đã tử vong khi bị một xe máy tông trên cầu.
"Thật may là ông ấy chỉ bị đứt gân chân, tính mạng không bị đe dọa. Giờ mới xuất viện về nhà, bác sĩ nói khoảng vài tháng sau mới có thể đi lại được", bà Hồng nói.
Xui xẻo đã qua nhưng bà Hồng vẫn ám ảnh. Bà nói mấy ngày nay, bà thường nằm mơ thấy cảnh chồng bị tai nạn. Còn ông Hải thì chỉ thở dài. Mấy chục năm làm việc ở bến phà Cần Thơ, rồi làm bảo vệ trên cầu, ông chưa từng bị tai nạn như vậy.
Nhiều ngày qua, bà Hồng thuyết phục chồng không làm việc ở cầu Cần Thơ khi vết thương bình phục. Nhưng ông Hải chưa đồng ý. Người đàn ông này vẫn muốn làm công việc hiện tại. Những ngày nằm viện, ông nói rằng thấy nhớ nghề, nhớ anh em "biệt đội".
"Tôi sẽ đi làm lại nhưng cẩn trọng hơn. Tôi mong tiếp tục được gắn bó với nghề, vì tôi thấy nó giúp ích cho nhiều người. Tôi mong anh em đồng nghiệp không gặp chuyện chẳng lành như tôi, hay như em Hồ Ngọc Thắng. Mong mọi người bình an", ông Hải nhắn nhủ.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/biet-doi-giai-cuu-nguoi-nhay-cau-tu-tu-post1155898.html