Biết gì về Thái A kiếm lưu lạc nước ngoài của vua Gia Long?
Thái A kiếm là bảo vật của Việt Nam vì nó gắn liền với sự nghiệp của vua Gia Long. Thanh kiếm có tầm vóc không thua kém ấn vàng 'Hoàng đế chi bảo' – hiện vật sẽ được hồi hương sau những nỗ lực ngoại giao của Việt Nam.
Sau những biến cố của thời cuộc, vô số cổ vật của Việt Nam, đặc biệt là cổ vật thuộc về triều Nguyễn, đã lưu lạc ra nước ngoài. Một số cổ vật đã được trở về với quê hương, nhưng cũng có rất nhiều cổ vật nằm trong bộ sưu tập của các nhà sưu tầm hoặc bảo tàng trên khắp thế giới. Thái A kiếm là một hiện vật tiêu biểu trong số đó. Thanh kiếm này đang được trưng bày tại Bảo tàng Quân đội Pháp ở thành phố Paris.
Giáo sư Võ Quang Yến, một nhà nghiên cứu người Việt sinh sống tại Paris đã có cơ hội cầm trên tay và quan sát thanh kiếm này. Ông mô tả, Thái A kiếm gồm 2 phần, phần lưỡi dài khoảng 1 mét, phần cán ngắn bằng 1/5 chiều dài của lưỡi. Đầu cán là một đầu rồng bằng vàng được nối với phần đốc kiếm bằng ngọc thạch có tạo 7 đốt như đốt tre. Miệng rồng nhả ra một băng mạ vàng cũng mang phía ngoài 4 chuỗi san hô xanh đỏ uốn quanh về đốc kiếm. Ở đằng cuối, cánh đốc kiếm này nở rộng ra quanh lưỡi kiếm, có chạm trổ những hình lá và nạm những hạt kim cương. Lưỡi kiếm hình hơi cong, là một thanh thép sáng ngời, khắc ở phần trên là một mặt trời nằm giữa mấy cuộn mây và liền sát với 3 chữ Hán: Thái A kiếm.
Lý giải tên gọi Thái A kiếm, giáo sư Võ Quang Yến nhắc lại câu chuyện nhà Tần (Trung Hoa cổ) sau khi diệt được nhà Ngô và qua xem thiên văn chỉ dẫn đã tìm được hai báu kiếm là Long Tuyền và Thái A. Ông cho rằng việc nhà Nguyễn đặt tên kiếm là Thái A giống như một hình thức ví von, với thâm ý chiến thắng của nhà Nguyễn trước nhà Tây Sơn cũng giống như nhà Tần dẹp được nhà Ngô, là chiến công vang danh thiên hạ.
Về ngồn gốc của Thái A kiếm, giáo Võ Quang Yến khẳng định, đây chính là thanh bảo kiếm của vua Gia Long, vốn được trưng bày trong Đại Nội Huế, đã bị người Pháp lấy đi sau vụ “Kinh đô thất thủ” vào tháng 7/1885.
Vị giáo sư họ Võ cũng kể về hai sự kiện liên quan đến thanh kiếm bảo vật này. Đầu tiên, đó là việc vua Đồng Khánh khi tiếp nhà văn Jules Boissìere năm 1888 tại Huế đã tỏ ý muốn người Pháp trả lại thanh kiếm. Khi đó, nhà vua đã nói về tầm quan trọng của Thái A kiếm như sau: “Một bảo vật lịch sử tượng trưng quan hệ đến hạnh phúc và sự bảo tồn dân tộc”.
Một sự kiện nữa là vào ngày 3/10/1913, kẻ gian đã đột nhập vào Bảo tàng quân đội Pháp và lấy đi phần bao kiếm. Phần bao này hẳn đã được chế tác rất tinh xảo với chất liệu vàng và ngọc quý. Sau một thế kỷ với vô số biến động lịch sử, không còn ai biết điều gì về số phận chiếc bao kiếm này.
Có thể nói, Thái A kiếm là một bảo vật của Việt Nam vì nó gắn liền với sự nghiệp của vua Gia Long, vị vua sáng lập vương triều Nguyễn. Thanh kiếm có tầm vóc không thua kém ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” – hiện vật sẽ được hồi hương sau những nỗ lực ngoại giao của Việt Nam. Tuy nhiên, con đường trở về quê hương của thanh bảo kiếm này hiện giờ còn mù mịt...