'Biệt ngữ' làng Đa Chất - Bài cuối: Sớm bảo tồn trước nguy cơ mai một

Ngôn ngữ mà người làng Đa Chất sử dụng theo một số nhà nghiên cứu văn hóa thì không phải thứ tiếng kì lạ nào mà là tiếng lóng - một hình thức phương ngữ được sử dụng bởi một nhóm người trong giao tiếp hàng ngày. Tuy nhiên, đó cũng là giá trị văn hóa tinh thần hiếm gặp, cần được bảo vệ và trao truyền trước nguy cơ mai một...

Ông Nguyễn Văn Nghinh - người làng Đa Chất chia sẻ về nghề đóng cối, cũng là khởi nguồn cho tiếng lóng làng Đa Chất. Ảnh: P.Sỹ.

Ông Nguyễn Văn Nghinh - người làng Đa Chất chia sẻ về nghề đóng cối, cũng là khởi nguồn cho tiếng lóng làng Đa Chất. Ảnh: P.Sỹ.

Trăn trở việc bảo tồn

Trăn trở về việc bảo tồn ngữ văn truyền khẩu của làng Đa Chất, chúng tôi gặp PGS.TS Nguyễn Văn Huy - nguyên giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, hiện đang là Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát huy các giá trị văn hóa để nghe ông chia sẻ về “biệt ngữ” này.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy, tiếng lóng của làng Đa Chất là một sự sáng tạo rất quý của những người thợ đóng cối xay, bắt nguồn từ những câu chuyện riêng tư cần trao đổi, họ đã dần dần hình thành hệ thống tiếng lóng.

“Tõi Xưỡn là ngôn ngữ truyền khẩu, không có bảng chữ cái và cũng không có quy ước trong việc phát âm hay cấu tạo ngữ pháp. Trước đây nghề đóng cối xay ở làng Đa Chất rất nổi tiếng và trong làng có nhiều người thợ đi làm nghề, nhờ đó vốn tiếng lóng được thực hành thường xuyên, người nọ truyền cho người kia. Nhưng hiện nay nghề này đã không còn, tiếng lóng cũng đang dần bị mai một. Đó là một điều rất đáng tiếc” - ông Huy nói.

Cũng giống như việc học, phải “văn ôn võ luyện” thì mới thông thạo được, vì vậy khi người dân không thường xuyên giao tiếp bằng tiếng lóng sẽ dẫn đến việc có một số từ bị quên, vốn từ cũng mai một dần. “Nhiều khi có những người hỏi một số từ nhưng lúc đó chúng tôi lại quên, mãi khi về nhà, đặt nồi lên bếp nấu mới lại nhớ ra. Cũng tiếc lắm chứ, nhưng cuộc sống là thế, trong nhà, ngoài đường giờ mấy ai nói thứ ngôn ngữ này đâu” - ông Nguyễn Văn Nghinh, 67 tuổi, người làng Đa Chất nói.

Ông Nguyễn Văn Tuyên - Trưởng thôn Đa Chất chia sẻ: Giờ bảo giao tiếp, nói bằng tiếng lóng trong cuộc sống hàng ngày thì bọn trẻ sẽ bảo là chúng tôi cổ hủ. Một phần cũng vì không có nhiều người truyền dạy, mặt khác là việc giao tiếp bằng ngôn ngữ này khá khó khăn. Nếu mở lớp ai sẽ là người đứng ra để dạy, nguồn hỗ trợ ở đâu, lớp trẻ có mặn mà theo học không? Dù mong muốn “biệt ngữ” của làng được lưu giữ nhưng còn quá nhiều vướng mắc nên chúng tôi cũng rất khó khăn trong công tác bảo tồn và trao truyền cho người trẻ.

Đồng quan điểm, PGS.TS Phạm Văn Tình - nguyên Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam cho rằng, việc giữ bí mật chính là đặc điểm của tiếng lóng, cũng là khởi nguồn của thứ ngôn ngữ này. Tiếng lóng là khi người ta tạo ra một mật mã riêng trong một nhóm người để có thể hiểu nhau, giữ bí mật hoặc khi truyền nghề, bí quyết nào đó. Thứ tiếng này cũng rất ít địa phương có.

“Đây là đặc thù rất đặc biệt và thú vị. Hiện nay nhiều khẩu ngữ đang bị mai một trong xu hướng giao lưu, hội nhập và đô thị hóa… Vì vậy, rất cần có bản đồ phương ngữ chính xác để từ đó khảo sát và chỉ ra giải pháp bảo tồn” - ông Tình cho biết.

Đường vào làng Đa Chất. Ảnh: P.Sỹ.

Đường vào làng Đa Chất. Ảnh: P.Sỹ.

Cần coi “Tõi Xưỡn” như một bảo vật quý về ngôn ngữ

Sự độc đáo của tiếng lóng làng Đa Chất thì không còn gì để bàn. Nhưng nếu được bảo tồn, gìn giữ và phát huy sẽ làm phong phú thêm văn hóa và ngôn ngữ dân gian làng xã Việt. Đây cũng là chia sẻ của các nhà nghiên cứu văn hóa, rằng tiếng lóng cần được bảo tồn như một sự thống nhất trong đa dạng ngôn ngữ.

PGS.TS Phạm Văn Tình cho rằng, một trong những cách bảo tồn tốt nhất là phải cố định được chữ, tức là phải văn tự hóa tiếng nói bằng cách khảo sát, ghi lại hệ thống từ vựng, các cách thức giao tiếp. Cần coi đó như bảo vật quý về ngôn ngữ, được lưu truyền sang thế hệ sau. Và quan trọng hơn cả là phải có sự đồng hành của giới chuyên môn.

“Có thể sau này lớp trẻ sẽ không dùng thứ tiếng lóng đó để giao tiếp nữa nhưng những cuốn sách ghi chép lại từ vựng và cách thức giao tiếp của tiếng lóng sẽ là một trong những di sản giá trị về mặt ngôn từ, lưu lại cho đời sau. Phải phát huy tự hào và vốn quý của phương ngữ cũng như “biệt ngữ” của mỗi vùng miền” - ông Tình nói.

Ở một góc nhìn khác, PGS.TS Nguyễn Văn Huy cho rằng, rất khó để phục hồi tiếng lóng trong cuộc sống ngày nay, một phần do nhu cầu của cuộc sống hiện tại. “Tôi biết, cũng có nhiều đề xuất bảo tồn, lưu giữ “biệt ngữ” của làng, nhưng nó vẫn chưa thành một hệ thống. Theo tôi, để giữ lại vốn ngôn ngữ này thì rất cần tư liệu hóa bằng cách ghi âm, ghi hình, làm những bộ phim mà chính những người thợ cối năm xưa phải là diễn viên, để họ nói chuyện, họ trao đổi về nghề, về cuộc sống, những kinh nghiệm cần trao truyền...” - ông Huy nói.

Từ cuộc kiểm kê của ngành văn hóa TP Hà Nội cho thấy, tiếng lóng làng Đa Chất đã bị thu hẹp không gian thực hành, số người có thể thực hành di sản ngày càng ít nên Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội đã đưa tiếng lóng Đa Chất vào danh sách 11 di sản văn hóa cần được bảo vệ khẩn cấp. Cơ quan này cũng lên kế hoạch lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa tiếng lóng làng Đa Chất vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tuy nhiên, từ năm 2016 đến nay, di sản tiếng lóng Đa Chất dường như bị lãng quên trong sự mong mỏi bảo tồn của không chỉ các bậc cao niên trong làng.

Phạm Sỹ

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/biet-ngu-lang-da-chat-bai-cuoi-som-bao-ton-truoc-nguy-co-mai-mot-10290300.html