Để kỷ niệm Ngày Di sản châu Âu, một nhóm thợ mộc đã trình diễn kỹ thuật làm mộc được sử dụng cách đây 800 năm. Buổi biểu diễn diễn ra ngay trước cửa Nhà thờ Đức Bà ở Paris trong ngày 19/9. Ảnh: AP.
Với sức mạnh đáng kinh ngạc, nhóm thợ hoàn toàn dùng tay không khi xử lý giàn gỗ sồi nặng 3 tấn. Các khối gỗ này sẽ được sử dụng để tu sửa Nhà thờ Đức Bà, công trình bị phá hủy nghiêm trọng trong vụ cháy vào tháng 4/2019. Ảnh: AP.
Florian Carpentier, đơn vị quản lý nhóm thợ mộc Carpenters Without Borders, cho biết họ đang xây dựng bản sao của giàn gỗ số 7. Để xử lý các khúc gỗ lớn, những người thợ dùng rìu và hệ thống ròng rọc mộc. Ảnh: AP.
Ông Jean-Louis Georgelin, người chỉ huy nỗ lực tái thiết nhà thờ, cho biết buổi trình diễn là dịp để công chúng chiêm ngưỡng phương pháp tu sửa Nhà thờ Đức Bà. Nhóm tu sửa đã chọn các khối gỗ sồi giống hệt mộc bản gốc, đồng thời xử lý chúng theo đúng kỹ thuật thời Trung Cổ. Ảnh: AP.
Giới chuyên gia từng đề xuất sử dụng xi măng chống cháy để tu sửa Nhà thờ Đức Bà. Song đến tháng 7, giới chức Pháp đã quyết định phục dựng công trình này theo cách tôn trọng thiết kế và nguyên vật liệu ban đầu. Ảnh: AP.
Vụ hỏa hoạn nghiêm trọng hôm 15/4/2019 đã gây tổn thất nặng nề cho Nhà thờ Đức Bà, vốn được xem là công trình vô giá của Paris. Khi ấy, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gọi đây là “một thảm kịch kinh hoàng”. Mới đây, Tổng thống Macron bày tỏ mong muốn tái mở cửa Nhà thờ Đức Bà vào năm 2024. Đây cũng là thời điểm nước này tổ chức Thế vận hội Olympic tại thủ đô Paris. Song nhiều chuyên gia nhận định mốc thời gian này là không thực tế. Ảnh: Daily Mail.
Người dân tại thủ đô Paris bàng hoàng khi thảm kịch cháy Nhà thờ Đức Bà xảy ra hồi tháng 4/2019. Ảnh: Reuters.
Nhà thờ Đức Bà bắt đầu được xây dựng mặt phía tây từ năm 1200 song tòa tháp đầu tiên, tòa phía bắc, chỉ hoàn thành sau đó 40 năm. Tòa phía nam được hoàn thành sau đó 10 năm, năm 1250. Cả hai tòa tháp đều cao 68 m và có 387 bậc cầu thang. Ảnh: AP.
Trước vụ hỏa hoạn năm 2019, Nhà thờ Đức Bà từng bị hư hại nặng nề trong cuộc Cách mạng Pháp năm 1789. Công trình này hầu như không chịu tổn thất trong suốt hai cuộc thế chiến. Ảnh: AP.
Uyên Uyên