Biểu diễn văn nghệ lưu động ở vùng cao

Bằng những tiểu phẩm, lời ca, điệu múa, các thành viên Đội Tuyên truyền và Chiếu phim lưu động (thuộc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Khánh Hòa) đã đến với đồng bào vùng cao, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh để góp phần nâng cao đời sống tinh thần, nhận thức cho người dân về những vấn đề "nóng" của cuộc sống.

Có dịp theo các thành viên Đội Tuyên truyền và Chiếu phim lưu động đến phục vụ đồng bào xã Khánh Hiệp (huyện Khánh Vĩnh), chúng tôi chứng kiến sự háo hức của người dân đối với hoạt động này. Lịch diễn của đội bắt đầu lúc 19 giờ 30 phút, nhưng từ khá sớm, không khí ở điểm diễn đã sôi nổi với những em nhỏ đến vui chơi, các cụ già ra ngồi trò chuyện, tốp thanh niên qua lại nói cười. Với đặc thù của hoạt động biểu diễn lưu động nên sân khấu, cảnh trí, âm thanh, ánh sáng đều gọn nhẹ, dễ di chuyển, lắp đặt. Công tác chuẩn bị cho đêm diễn của các thành viên trong đội cũng diễn ra nhanh chóng.

Các thành viên Đội Tuyên truyền và Chiếu phim lưu động biểu diễn tiểu phẩm “Tệ hơn vợ thằng Đậu” phục vụ người dân xã Khánh Hiệp.

Các thành viên Đội Tuyên truyền và Chiếu phim lưu động biểu diễn tiểu phẩm “Tệ hơn vợ thằng Đậu” phục vụ người dân xã Khánh Hiệp.

Theo bà Thân Thị Cẩm Tú - Đội Phó phụ trách Đội Tuyên truyền và Chiếu phim lưu động, trong tháng 3 này, đội thực hiện biểu diễn tuyên truyền lưu động tại 5 xã ở huyện Khánh Vĩnh và 4 xã ở huyện Diên Khánh. Nội dung chính tuyên truyền trong đợt này là giới thiệu những kiến thức liên quan đến việc đảm bảo an toàn thông tin trên không gian mạng. Qua đó, giúp người dân nâng cao cảnh giác trong việc bảo vệ thông tin cá nhân, nhận diện để tránh những chiêu thức lừa đảo trên mạng xã hội. Bên cạnh đó, còn có những tiết mục ca múa nhạc đan xen. Các đêm diễn đã nhận được sự quan tâm theo dõi và tương tác tích cực từ khán giả, thể hiện được phần nào hiệu quả tuyên truyền của chương trình.

Quả thực, khi xem chương trình ca múa nhạc, hài kịch với chủ đề “An toàn thông tin trên không gian mạng”, chúng tôi thấy được sự cần thiết của nội dung tuyên truyền này đối với người dân. Qua câu chuyện “Tệ hơn vợ thằng Đậu” mượn ý tưởng từ truyện cười dân gian “Vợ thằng Đậu”, thông qua hành động, việc làm của các nhân vật trong tiểu phẩm không chỉ mang đến tiếng cười cho khán giả mà còn giúp mỗi người nhận ra được những điều nên và không nên làm khi sử dụng mạng xã hội Facebook, Youtube, Tiktok… Để có được chương trình này, các thành viên trong đội đã phải dàn dựng, tập luyện trong hơn 2 tuần. Tiêu chí chung khi diễn những chương trình văn nghệ tuyên truyền là đơn giản, gần gũi, dễ nhớ, dễ hiểu. “Chương trình rất thiết thực, tôi được trực tiếp xem các thành viên đội hát múa, diễn tiểu phẩm. Qua đây, tôi sẽ chú ý hơn trong việc lướt Facebook, Tiktok”, anh Đrao Y Hoàng (dân tộc Ê đê, thôn Hòn Lay, xã Khánh Hiệp) cho biết. Theo bà Lê Thị Thu Hồng - Trưởng thôn Hòn Lay, số người sử dụng mạng xã hội trong thôn rất nhiều, nhưng nhận thức về việc đảm bảo an toàn thông tin còn hạn chế. Địa phương đã có những buổi phổ biến về nội dung này lồng ghép trong các cuộc họp thôn. Việc tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa là cách làm hay, giúp người dân biết cách sử dụng mạng xã hội hữu ích, an toàn.

Tiết mục văn nghệ trong chương trình văn nghệ lưu động phục vụ người dân xã Khánh Hiệp.

Tiết mục văn nghệ trong chương trình văn nghệ lưu động phục vụ người dân xã Khánh Hiệp.

Ngoài ra, thời gian qua, các thành viên trong Đội Tuyên truyền và Chiếu phim lưu động còn thực hiện các chương trình về: Phòng, chống tham nhũng; phòng, chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng; đảm bảo an toàn giao thông; bình đẳng giới; phòng, chống HIV/AIDS… Ông Nguyễn Văn Việt - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh cho biết, hoạt động tuyên truyền lưu động là một nội dung quan trọng của đơn vị. Thông qua các buổi biểu diễn nghệ thuật góp phần phổ biến đến người dân ở miền núi, vùng sâu, vùng xa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; những thông tin thời sự, kinh tế - xã hội, khoa học kỹ thuật, công nghệ… nhằm nâng cao nhận thức cho mọi tầng lớp nhân dân. Năm 2023, các thành viên đội văn nghệ lưu động đã thực hiện hơn 50 buổi tuyên truyền lưu động, phục vụ hơn 13.500 lượt khán giả. Nhìn chung, các chương trình văn nghệ tuyên truyền lưu động đều được xây dựng bám sát các vấn đề được quan tâm trong cuộc sống, tập trung khai thác bản sắc văn hóa vùng miền để có phương thức tuyên truyền phù hợp và được người dân đón nhận. Thời gian tới, đơn vị sẽ khắc phục những khó khăn để tiếp tục thực hiện tốt hơn các chương trình văn nghệ thông tin lưu động.

GIANG ĐÌNH

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/202403/bieu-dien-van-nghe-luu-dong-o-vung-cao-a53381a/