Biểu tình sinh viên chống chính quyền tiếp tục diễn ra rầm rộ ở Serbia

Hàng chục nghìn người tại thủ đô Belgrade, Serbia đã tham gia cuộc biểu tình do sinh viên lãnh đạo nhằm phản đối chính quyền vào thứ Sáu.

Họ đứng im lặng 15 phút trước trụ sở Đài Truyền hình Quốc gia Serbia (RTS) để tưởng niệm các nạn nhân trong vụ sập mái nhà ga xe lửa. Cuộc biểu tình do các sinh viên Đại học Quốc gia Belgrade tổ chức, yêu cầu những người chịu trách nhiệm về vụ sập mái nhà ga phải bị đưa ra xét xử.

Video về đám đông biểu tình Serbia (nguồn: X/Bohres)

Các sinh viên cáo buộc Đảng Tiến bộ Serbia (SNS) cầm quyền của Tổng thống Aleksandar Vucic liên quan đến tham nhũng và nạn bè phái. Tuy nhiên, ông Vucic và đảng SNS đã bác bỏ mọi cáo buộc.

Sinh viên tại các trường đại học công lập ở Belgrade, Kragujevac và Nis đã đình chỉ học tập nhiều tuần qua để yêu cầu công bố toàn bộ tài liệu liên quan đến việc trùng tu nhà ga và truy tố hình sự những quan chức liên quan đến thảm kịch.

Mỗi ngày, sinh viên chặn giao thông trước cổng trường trong 15 phút để tưởng nhớ 15 nạn nhân xấu số.

Thảm họa xảy ra vào ngày 1/11/2024 khi mái che bê tông của nhà ga Novi Sad vừa được trùng tu đã đổ sập, khiến 14 người thiệt mạng tại chỗ và 3 người bị thương. Sau đó, một nạn nhân bị thương đã không qua khỏi, nâng tổng số người chết lên 15 người.

Phe đối lập đã tận dụng sự cố này để gây sức ép và tổ chức biểu tình suốt từ khi sự kiện nói trên xảy ra cho đến nay. Tổng thống Aleksandar Vucic kêu gọi người dân bình tĩnh và cam kết sẽ tiến hành điều tra vụ việc.

Thực tế, một số quan chức đã chịu trách nhiệm rất cao trong vụ tai nạn này. Trong đó, Bộ trưởng Xây dựng Serbia, Goran Vesic đã phải từ chức vài ngày sau vụ tai nạn. Nhưng các cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn, với những người biểu tình kêu gọi cả Thủ tướng Serbia lẫn Thị trưởng Novi Sad từ chức.

Tình hình chính trị tại Serbia đã diễn ra rất phức tạp sau cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 12 năm ngoái, mà Đảng Tiến bộ Serbia (SNS) của ông Vucic giành chiến thắng. Nhiều cuộc biểu tình do phe đối lập thân phương Tây đã diễn ra tại quốc gia này để phản đối kết quả bầu cử.

Dưới thời ông Vucic, người là Thủ tướng hoặc Tổng thống từ năm 2014 đến nay, Serbia có chính sách ngoại giao linh hoạt. Serbia muốn gia nhập Liên minh châu Âu, song tiến trình gia nhập gặp nhiều trở ngại, đặc biệt liên quan đến vấn đề Kosovo.

Serbia dưới thời ông Vucic vẫn duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Nga, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng và quốc phòng, đồng thời cố gắng giữ vị thế trung lập trong bối cảnh căng thẳng giữa phương Tây và Nga.

Cao Phong (theo The Guardian, SRN, Reuters)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bieu-tinh-sinh-vien-chong-chinh-quyen-tiep-tuc-dien-ra-ram-ro-o-serbia-post330938.html