Biểu trưng văn hóa qua tên gọi xã, phường

Đà Nẵng là thành phố biển miền Trung mang nhiều dấu ấn về bản sắc văn hóa, lịch sử lâu đời, bởi vậy trong những ngày qua, chuyện sáp nhập và đưa ra những địa danh còn - mất là một vấn đề được rất nhiều người dân quan tâm và đóng góp ý kiến.

Những cái tên gợi nên cảm giác

Với những người đã có một hành trình dài song hành cùng thành phố Đà Nẵng, tên gọi/ địa danh không chỉ đơn giản là một ký hiệu hành chính để xác lập danh giới quản lý, mà còn là biểu tượng của ký ức, là nơi neo đậu cảm xúc, là hồn cốt của mỗi vùng đất.

Một địa danh có thể gợi nhắc cả một chiều dài lịch sử, một dòng chảy văn hóa. Ông Võ Văn Thắng (nguyên Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng) chia sẻ quan điểm:

“Các địa danh hành chính như Đà Lạt, Đà Nẵng, Nha Trang, Đắk Lắk, Tắk Pỏ tuy khó giải thích ý nghĩa trong hệ thống các địa danh nói chung, nhưng chính những địa danh này lại là những hòn đá tảng văn hóa còn lại qua sự mài mòn lâu dài của dòng chảy lịch sử, tạo dấu ấn của một vùng đất có nguồn gốc văn hóa phong phú của nhiều tộc người”.

Ông Thắng nhận định thực tế tại thành phố Đà Nẵng: “Sự thay đổi là một quá trình chuyển biến tích cực, tuy nhiên việc đặt tên xã, phường diễn ra trong một thời gian quá gấp rút nên không thể tìm được sự hoàn chỉnh, như ý.

Thành phố Đà Nẵng

Thành phố Đà Nẵng

Khi có quyết định sáp nhập là lúc phải tìm ra tên địa danh thay thế, đặt trong tình huống vừa chạy, vừa làm, vừa suy nghĩ, vừa chỉnh sửa, cho nên khó hoàn hảo.

Ở Đà Nẵng, những tên gọi đã nằm trong tâm thức của người dân như Thanh Khê, Hòa Cường, Hòa Khánh, Hòa Tiến, Hòa Quý. Vậy nên tên gọi của xã phường mới cũng nên gắn liền với các tên gọi này để khơi dậy khát vọng phát triển của cả cộng đồng.

Ngoài ra, việc đặt tên gọi các địa danh giàu giá trị văn hóa, lịch sử như Hải Vân, Bà Nà, Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà sẽ giúp gia tăng sự nhận diện thương hiệu các điểm du lịch vốn đã nổi tiếng của Đà Nẵng, góp phần thúc đẩy ngành du lịch Đà Nẵng phát triển.

Sự đồng thuận của người dân

Ngày 24.4, Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Đà Nẵng có công văn về việc tuyên truyền, vận động, tổ chức lấy ý kiến nhân dân về tên gọi đơn vị hành chính cấp xã hình thành sau sắp xếp.

Sau cuộc họp ngày 23.4 đã thống nhất điều chỉnh số lượng là 16 đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn thành phố sau sắp xếp, gồm: 12 phường, 3 xã và 1 đặc khu.

Điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên (8,40 km2) và một phần quy mô dân số (1.342 người) của xã Hòa Liên (thuộc huyện Hòa Vang hiện nay) để nhập vào xã Hòa Bắc (thuộc huyện Hòa Vang hiện nay).

Với nhiều tên gọi đã ăn sâu vào tâm thức cộng đồng, việc giữ lại các danh xưng này không chỉ là một sự gìn giữ di sản mà còn là một lời cam kết rằng chính quyền luôn lắng nghe và gìn giữ giá trị của nhân dân.

Tại huyện Hòa Vang, chính quyền cũng nỗ lực lấy ý kiến nhân dân về đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và xã của thành phố Đà Nẵng.

11/11 xã của huyện Hòa Vang đã khẩn trương thành lập tổ công tác, phối hợp với đội ngũ cán bộ quân dân chính 113 thôn đi sâu vào từng khu dân cư, gia đình để trưng cầu ý kiến người dân.

Thôn Bồ Bàn lấy ý kiến người dân

Thôn Bồ Bàn lấy ý kiến người dân

Đồng thời lấy ý kiến nhân dân về nội dung liên quan đến phương án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã, tham khảo tên mới của các đơn vị hành chính cấp xã sau khi Thành ủy Đà Nẵng ban hành Nghị quyết 28-NQ/TU về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.

Là một trong những người tích cực tham gia vào đội trưng cầu dân ý, ông Nguyễn Hạnh, trưởng thôn Túy Loan Đông 1, xã Hòa Phong đã phối hợp cùng với tổ trưởng tổ dân cư đến từng nhà rà từng chủ hộ để xin ý kiến dân thôn:

“Vẫn biết để hoàn thành việc lấy ý kiến người dân là rất vất vả, nhưng không đến từng nhà thì làm sao hoàn thành tiến độ được. Mà việc lấy ý kiến của nhân dân thì không thể chủ quan được vì phát huy quyền làm chủ của nhân dân kia mà”.

Tại thôn Bồ Bản, tổ công tác đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để lấy ý kiến người dân một cách chính xác, khách quan nhất. Cùng đó, người dân Bồ Bản ai nấy cũng thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với việc làng, việc nước. Với họ, đây là cơ hội để họ được thể hiện và phát huy quyền công dân.

Ông Tán Văn Thạnh, trưởng thôn Bồ Bản cho biết: “Quá trình đi lấy ý kiến cử tri, hầu hết bà con đều tỏ ra phấn khởi và cho rằng, chủ trương của Đảng, Nhà nước về sắp xếp các đơn vị hành chính, bỏ cấp huyện để tinh gọn bộ máy hành chính là quá đúng và trúng trong thời đại hiện nay.

Thể hiện tầm nhìn chiến lược của Trung ương trong việc lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Giữ nguyên tên gọi hay sáng tạo đều là mong muốn xã hội có một sự chuyển mình, thay đổi theo chiều hướng tích cực. Nhưng chủ thể của xã hội bao giờ cũng là người dân.

Khi người dân được tham gia vào quyết định tên gọi vùng đất mình sinh sống, họ sẽ cảm thấy mình là một phần của chặng đường phát triển, có thêm trách nhiệm với xã hội, từ đó hình thành trách nhiệm”.

Theo ông Võ Văn Thắng, việc đặt tên xã phường sau sáp nhập cơ bản đã hoàn thành, nhưng không phải là đã hết các bàn luận trong quần chúng nhân dân, lịch sử đã chứng minh, mọi thay đổi, dự quyết nếu có sự đồng thuận của người dân đều thành công:

“Đối với cấp quản lý - những người có nhiệm vụ, chức năng và quyền hạnphải cố gắng giữ tỉnh táo để có thể đưa ra phương án vừa đảm bảo các yêu cầu quản lý hành chính vừa phản ánh đặc trưng lịch sử văn hóa địa phương ở mức độ tốt nhất. Và cần nhất là phải có sự đồng thuận của người dân.

Sắp tới một số tên tỉnh, tên huyện, tên xã sẽ mất đi, dẫn theo sự thay đổi trong định danh một số di sản văn hóa, nhưng nội dung các di sản đó không thay đổi.

Các cơ quan quản lý và truyền thông cần chú ý duy trì sự liên tục, không làm đứt gãy việc bảo tồn, phát huy các di sản vật thể và phi vật thể của các địa phương; có giải pháp để các di sản văn hóa ở những địa phương mất tên gọi không bị cuốn trôi, vùi lấp bởi làn sóng sáp nhập”, ông Thắng nói.

NG. HÀ - Đ. HOÀNG

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/van-hoa/bieu-trung-van-hoa-qua-ten-goi-xa-phuong-130068.html