Biểu tượng cộng đồng và tinh thần hòa bình Việt Nam

Đó là chia sẻ của Trưởng Văn phòng Đại diện UNESCO tại Việt Nam khi nói về quá trình bảo tồn sau 20 năm Khu đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn được công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn trở thành đại diện tinh thần hòa bình Việt Nam

Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn trở thành đại diện tinh thần hòa bình Việt Nam

Ngày 8/9, tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội tổ chức hội thảo quốc tế về vai trò cộng đồng trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới qua thực tiễn đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn.
Sau 20 năm Hội An và Mỹ Sơn được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, sự đóng góp của cộng đồng, cư dân bản địa đã được các cơ quan chức năng trong và ngoài nước đánh giá cao, nâng thành biểu tượng của tính cộng đồng trong việc bảo tồn giá trị của di sản. Trong đó, giá trị điểm đến được nâng cao bởi sự thân thiện của cư dân hai vùng di sản.
Ông Lê Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: Nhiều năm nay, mặc dù phải đối phó với những khó khăn về kinh tế - xã hội, việc bảo vệ và phát huy các di sản văn hóa thế giới Hội An và Mỹ Sơn đã và đang được cộng đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam coi trọng. Chính quyền tỉnh Quảng Nam đã có những chủ trương chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi về chính sách, tổ chức và kinh phí cho các hoạt động nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các di sản. Đồng thời, có chính sách và biện pháp cụ thể nhằm huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội, các tổ chức kinh tế và người dân. Tỉnh Quảng Nam đã và đang tích cực thực hiện trách nhiệm bảo tồn di sản văn hóa và thiên nhiên, đặc biệt là phố cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn, Khu dự trữ sinh quyển Cù lao Chàm.
“Bên cạnh sự ủng hộ của UNESCO và các tổ chức quốc tế, việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa ở Quảng Nam còn có một phần đóng góp quan trọng từ ý thức cộng đồng trong việc bảo vệ di sản. Chính người dân đã chung tay bảo tồn di tích, tạo ra những sản phẩm du lịch mới, đặc trưng cho vùng Di sản văn hóa thế giới”, ông Thanh cho biết.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: Hiện nay, hai di sản văn hóa thế giới đang đứng trước những thách thức và nguy cơ bị hủy hoại do những tác động của thiên nhiên và con người. Đặc biệt, là các hành động ứng xử của con người, mặt trái của sự phát triển kinh tế thị trường, đô thị hóa và sự phát triển du lịch thiếu bền vững đã và đang làm ô nhiễm và hủy hoại môi trường, không gian tồn tại của di sản. Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa được cộng đồng nhân dân tự nguyện tham gia một cách tích cực đã góp phần lớn trong việc bảo tồn di sản.
Ông Michael Croft, Trưởng Văn phòng Đại diện UNESCO tại Việt Nam đánh giá cao sự đóng góp của cộng đồng, người dân địa phương tại 2 di sản Hội An và Mỹ Sơn. Di sản Hội An đã chỉ dẫn cho UNESCO về mối quan hệ giữa di sản và cộng đồng. Trong khi đó, Mỹ Sơn đã trở thành biểu tượng đại diện cho tinh thần hòa bình Việt Nam.
Theo ông Michael Croft, công nhận Di sản văn hóa thế giới không phải mục tiêu là để phát triển du lịch. Chính việc bảo tồn, phát huy giá trị vốn có của di sản tại Hội An và Mỹ Sơn đã thu hút một lượng khách lớn đến đây, từ đó đặt ra nhiều thách thức trong việc bảo tồn. Yếu tố cộng đồng rất quan trọng và nằm trong chiến lược phát triển toàn cầu của UNESCO trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản thế giới. Tại Hội An và Mỹ Sơn trong 20 năm qua yếu tố cộng đồng đã phát huy rất rõ trong việc gìn giữ những giá trị vốn có. Cộng đồng địa phương tại 2 di sản trở thành một phần của “sản phẩm du lịch”. Những sinh hoạt hàng ngày của cư dân, cộng đồng đã ảnh hưởng và nâng cao giá trị điểm đến tại đây.
“Vai trò cộng đồng địa phương, quyền và lợi ích cộng đồng đảm bảo như thế nào? Qua 20 năm, hai di sản Hội An, Mỹ Sơn đã chỉ dẫn rõ cho chúng tôi về quan hệ này. Trong khi đó, tại Mỹ Sơn đã cho chúng ta thấy đại diện cho tinh thần hòa bình của văn hóa Việt Nam, di sản Mỹ Sơn được bảo tồn bởi sự đoàn kết của cộng đồng người Chăm và người Kinh”, ông Michael Croft cho biết.

“Bên cạnh sự ủng hộ của UNESCO và các tổ chức quốc tế, việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa ở Quảng Nam còn có một phần đóng góp quan trọng từ ý thức cộng đồng trong việc bảo vệ di sản. Chính người dân đã chung tay bảo tồn di tích, tạo ra những sản phẩm du lịch mới, đặc trưng cho vùng Di sản văn hóa thế giới
Ông Lê Văn Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam

Hội An đón nhận giải thưởng “Thành phố quyến rũ nhất thế giới”
Tối 7/9, tại TP Hội An, đại diện Travel and Leisure - tạp chí du lịch hàng đầu của Mỹ đã trao tặng TP Hội An (Quảng Nam) danh hiệu: “Thành phố quyến rũ nhất thế giới” do tạp chí này bình chọn.
Trước đó, vào đầu tháng 7/2019, Travel and Leisure tổ chức bình chọn danh hiệu này. Thành phố Hội An (Quảng Nam, Việt Nam) đã vượt qua 7 địa điểm nổi tiếng khác trên thế giới như Tokyo (Nhật Bản), Chiang Mai (Thái Lan), Ubud (Indonesia)... để dẫn đầu cuộc bình chọn và trở thành “thành phố quyến rũ” nhất năm.

Một góc yên bình của phố cổ Hội An

Một góc yên bình của phố cổ Hội An

Nguyễn Thành

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/bieu-tuong-cong-dong-va-tinh-than-hoa-binh-viet-nam-1461727.tpo