Biểu tượng của sự đồng thuận và hòa hợp toàn cầu

Nghị viện Quốc tế về Bao dung và Hòa bình (IPTP) là tổ chức toàn cầu được thành lập nhằm hướng tới thúc đẩy sự bao dung, hòa bình và hợp tác quốc tế thông qua ngoại giao nghị viện và các sáng kiến hợp tác đa phương. IPTP tập trung vào việc xây dựng cầu nối giữa các quốc gia, thúc đẩy sự thấu hiểu giữa các nền văn hóa, tôn giáo và dân tộc, nhằm giảm thiểu xung đột và tạo nền tảng cho hòa hợp bền vững.

IPTP - cơ quan lập pháp của Hội đồng toàn cầu về khoan dung và hòa bình

Hội đồng toàn cầu về khoan dung và hòa bình (GCTP) là một tổ chức quốc tế do ông Ahmed Bin Mohamed Aljarwan, nhà ngoại giao của Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE), Chủ tịch đương nhiệm GCTP thành lập vào năm 2017. Tổ chức này hướng đến mục tiêu thúc đẩy giá trị của sự khoan dung và văn hóa hòa bình trong khi đấu tranh chống lại sự phân biệt đối xử và chủ nghĩa cực đoan thông qua hai thành phần chính của mình là Nghị viện Quốc tế vì Bao dung và Hòa bình (IPTP) và Đại hội đồng. Với trụ sở chính toàn cầu tại Malta và các văn phòng chi nhánh tại khu vực MENA, châu Âu, châu Phi, Mỹ Latin và khu vực châu Á - Thái Bình Dương, GCTP hướng đến mục tiêu hiện diện trên toàn cầu.

IPTP là cơ quan lập pháp của GCTP, được thành lập năm 2018 nhằm tạo diễn đàn cho các nghị sĩ từ khắp nơi trên thế giới thảo luận và hợp tác về các vấn đề hòa bình toàn cầu. Phiên họp đầu tiên của IPTP diễn ra tại Quốc hội Malta ở Valletta cùng năm thành lập.

Với sự tham gia của thành viên từ hơn 100 Quốc hội quốc gia, IPTP đã tổ chức 10 phiên họp toàn thể, tập trung vào các vấn đề then chốt như an ninh lương thực, chống chủ nghĩa cực đoan bạo lực, và tác động của biến đổi khí hậu đến các xung đột tương lai. Kể từ khi ra đời, IPTP đã ký kết khoảng 40 Biên bản ghi nhớ (MoU) với các Quốc hội quốc gia và khu vực, khẳng định cam kết hợp tác toàn cầu, có thể kể đến như bao gồm Nghị viện Ảrập, Nghị viện Andean, Nghị viện Mỹ Latin (PARLATINO), Nghị viện Mercosur (PARLASUR) và Nghị viện châu Phi (PAP). Chủ tịch IPTP luân phiên giữa các quốc gia thành viên, và nhiệm kỳ 2023-2024 hiện do Quốc hội Vương quốc Campuchia đảm nhiệm. Sự ra đời của cơ quan này phản ánh nhu cầu cấp thiết về một nền ngoại giao nghị viện mạnh mẽ, có khả năng xây dựng sự hiểu biết và hòa hợp giữa các quốc gia.

 Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia, Chủ tịch Phiên họp toàn thể lần thứ 11 IPTP, bà Samdech Moha Rathsapheathika Thipadei Khuon Sudary

Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia, Chủ tịch Phiên họp toàn thể lần thứ 11 IPTP, bà Samdech Moha Rathsapheathika Thipadei Khuon Sudary

IPTP không chỉ làm việc với các chính phủ mà còn tham gia vào các sáng kiến của xã hội dân sự, các tổ chức quốc tế và cộng đồng toàn cầu để giải quyết các xung đột và xây dựng một thế giới hòa bình hơn.

Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia Khuon Sodary: Hòa bình là vô giá

Trong thông điệp chào mừng các đại biểu đến dự Phiên họp toàn thể lần thứ 11 của Nghị viện Quốc tế vì Bao dung và Hòa bình (IPTP), Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia Khuon Sodary khẳng định:Hòa bình là vô giá. Không có gì có thể so sánh được”, “Các nhà lãnh đạo Campuchia - và tất cả người dân Campuchia - đều mong muốn thấy mọi người trên khắp thế giới sống trong hòa bình, thịnh vượng và hòa hợp. Chúng tôi mong muốn không có quốc gia nào phải gặp phải hoặc chịu đựng chiến tranh như chúng tôi đã từng trải qua. Chúng tôi hoan nghênh và sẵn sàng chia sẻ với các đại biểu kiến thức và kinh nghiệm của chúng tôi trong việc tìm kiếm hòa bình. Campuchia là quốc gia từng là nơi tiếp nhận lực lượng gìn giữ hòa bình. Hiện nay, chúng tôi là quốc gia đóng góp hàng đầu cho các hoạt động gìn giữ hòa bình ở nước ngoài. Đây là nghĩa vụ quốc tế mà Campuchia luôn đề cao, thể hiện tinh thần sẵn sàng đóng góp vì nhân loại và bảo vệ hành tinh. Như câu nói quen thuộc của người dân chúng tôi: Campuchia mang trong mình trái tim lớn”.

IPTP có sự tham gia của các nghị sĩ và đại diện từ hơn 100 quốc gia trên thế giới, từ châu Á, châu Phi, châu Âu, Mỹ Latin đến Bắc Mỹ. Điều này giúp tổ chức có sự đa dạng và bao quát trong các hoạt động và mục tiêu. Các đại diện không chỉ đến từ các quốc gia lớn mà còn bao gồm những quốc gia nhỏ hoặc dễ bị tổn thương bởi xung đột, bảo đảm mọi tiếng nói đều được lắng nghe.

Cơ cấu tổ chức

Đại hội đồng là cơ quan trung tâm, nơi các thành viên của IPTP gặp gỡ, thảo luận và thông qua các nghị quyết mang tính chiến lược. Đây cũng là diễn đàn để định hình các hướng đi quan trọng và tổ chức các hội nghị quốc tế. Đại hội đồng bao gồm hơn 30 cá nhân và tổ chức nổi bật như các trường đại học, tổ chức phi chính phủ và viện nghiên cứu trên toàn cầu, với sự quan tâm đặc biệt hoặc đóng góp cho các giá trị khoan dung và hòa bình.

Kể từ phiên họp đầu tiên tại Malta năm 2018, IPTP đã tổ chức 10 phiên họp toàn thể tại nhiều quốc gia, tập trung vào các thách thức toàn cầu như an ninh lương thực, ngăn chặn chủ nghĩa cực đoan bạo lực, và tác động của biến đổi khí hậu đến xung đột. Các phiên họp này được tổ chức hai năm một lần, tạo cơ hội để các thành viên cùng giải quyết các vấn đề đương đại ảnh hưởng đến hòa bình và sự khoan dung trên toàn thế giới.

Ngoài ra, IPTP duy trì mối quan hệ chặt chẽ với các tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc và Tổ chức Văn hóa, khoa học và giáo dục của Liên Hợp Quốc (UNESCO), đồng thời xây dựng mạng lưới hợp tác với hàng trăm tổ chức phi chính phủ, viện nghiên cứu và nhà hoạt động xã hội. Hệ thống đối tác này là nền tảng để triển khai các dự án bền vững, hướng tới những mục tiêu lâu dài.

Các nghị quyết và khuyến nghị được IPTP thông qua thường tập trung vào các lĩnh vực nhân quyền, bảo vệ môi trường, giáo dục và hòa bình toàn cầu. Mặc dù không mang tính ràng buộc pháp lý, chúng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hành động và truyền cảm hứng cho các quốc gia thành viên.

Phiên họp toàn thể lần thứ 11 của IPTP

Quốc hội Campuchia đăng cai tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 11 của Nghị viện Quốc tế vì Bao dung và Hòa bình tại Phnom Penh từ ngày 23 đến 26.11.2024.

Với chủ đề chính là “Tìm kiếm hòa bình, hòa giải và khoan dung”, cuộc họp tập trung vào hai chuyên đề: "Thúc đẩy kiến trúc hòa bình toàn cầu, xây dựng hòa bình, hòa giải và khoan dung: Sức mạnh tổng hợp của Chính phủ, Quốc hội và xã hội dân sự"; và "Củng cố chủ nghĩa đa phương, hợp tác và đối tác cùng tồn tại và kết nối bao trùm".

Tham dự Phiên họp toàn thể lần thứ 11 của IPTP do Campuchia đăng cai tổ chức, hiện có khoảng 186 đại biểu (trong đó 11 Chủ tịch Quốc hội/Phó Chủ tịch Quốc hội, Tổng Thư ký IPU, Tổng Thư ký ASEAN, Tổng Thư ký AIPA, 82 nghị sĩ) đến từ 54 Nghị viện thành viên, Nghị viện khách mời và đối tác đăng ký tham dự.

Phiên họp dự kiến sẽ thông qua Tuyên bố Phnom Penh về ủng hộ Hiến chương hòa bình vì con người và hành tinh trong việc tìm kiếm hòa bình, bao dung và hòa giải và Kỷ niệm Hiến chương hòa bình thế giới.

Ngọc Minh (Tổng hợp)

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/bieu-tuong-cua-su-dong-thuan-va-hoa-hop-toan-cau-post396943.html