Biếu xén tinh vi, cấm chưa đủ!

Chỉ thị cấm tặng quà Tết cho cấp trên chỉ nằm trên giấy nếu không tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm

Mới đây, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW về việc tổ chức Tết năm 2020. Chỉ thị yêu cầu không tổ chức đi thăm, chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp. Thực hiện nghiêm chủ trương cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức; cấm sử dụng ngân sách, phương tiện, tài sản công trái quy định vào các hoạt động lễ hội, vui chơi trong dịp Tết.

Thủ đoạn tinh vi

Chỉ thị trên không mới và cứ vào cuối năm là "đến hẹn lại lên". Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, đánh giá cao các chỉ đạo của Ban Bí thư bởi nhìn nhận được thực tế rằng nhiều năm qua, Tết nguyên đán đã bị nhiều cán bộ xu nịnh lợi dụng để biến thành ngày "chạy chức, chạy quyền".

Tuy nhiên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng dù chỉ thị cấm tặng quà Tết cho lãnh đạo hằng năm đều có nhưng việc thực hiện của các cấp vẫn chưa nghiêm. Ông dẫn chứng vụ cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhận 200.000 USD cùng gói quà chúc Tết của doanh nghiệp trong vụ MobiFone mua AVG. "Cấp trên đã chỉ đạo, cấp dưới nói thực hiện nhưng trong thực tế thì không như vậy, vụ án phanh phui thì mới vỡ lẽ ra chuyện đó" - ông Vũ Quốc Hùng nói.

Sở dĩ việc chấp hành còn chưa nghiêm, theo ông Vũ Quốc Hùng, là do công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chỉ thị chưa đến nơi đến chốn, trong khi các đối tượng cố tình "chạy chọt" cấp trên thì có nhiều thủ đoạn tinh vi.

Đồng tình với nhận định trên, chuyên gia cải cách hành chính Diệp Văn Sơn, nguyên Phó Vụ trưởng Cơ quan Thường trực phía Nam - Bộ Nội vụ, cho biết nền công vụ các nước đều có những điều khoản về việc nhận quà biếu. Trong đó quy định rất rõ đến từng chi tiết như món quà trị giá bao nhiêu, ai tặng, tặng trong hoàn cảnh nào thì được nhận, trường hợp bất khả kháng thì sao… Ở Việt Nam, Luật Phòng chống tham nhũng cũng quy định rõ mgười có chức vụ, quyền hạn không được nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến công việc mà mình giải quyết.

"Tuy nhiên, những quy định này còn xa và thô sơ so với thực tế cuộc sống muôn hình vạn trạng. Đã có nhiều trường hợp cán bộ lãnh đạo nhận những "món quà tình nghĩa" mà về sau sa đà đến thân bại danh liệt" - ông Sơn thẳng thắn chỉ ra.

Quan tham vì dân dại

Hằng năm, sau dịp Tết, các bộ ngành, địa phương đều báo cáo không phát hiện hoặc phát hiện rất ít việc tặng quà, nhận quà tặng dịp Tết. "Con số đó có vẻ rất lạc quan nhưng lại không phản ánh đầy đủ diễn biến trên thực tế. Vì vậy, tôi kỳ vọng công tác thanh - kiểm tra sẽ sát sao hơn" - ông Vũ Quốc Hùng nhấn mạnh và cho rằng để chặn tình trạng "chạy chọt" dịp Tết thì phải chú trọng công tác lựa chọn cán bộ. Chọn những người đủ tài - đức - liêm thì mới tránh được tình trạng hối lộ và nhận hối lộ.

Còn theo ông Diệp Văn Sơn, việc ban hành các chỉ đạo không được tổ chức đi chúc Tết, tặng quà lãnh đạo các cấp; nghiêm cấm việc sử dụng tài sản, công quỹ từ ngân sách nhà nước… mới chỉ là một trong nhiều đầu việc cần phải làm. "Để hạn chế tình trạng này, người lãnh đạo, cán bộ, công chức phải làm gương, không nhận quà Tết dưới bất cứ hình thức nào. "Quan tham vì dân dại", nếu dân hiểu biết, không chịu đút lót thì quan dù không liêm cũng phải hóa ra liêm. Nhân dân phải phát huy, giám sát cán bộ, công chức trong việc này" - ông Diệp Văn Sơn nêu quan điểm.

Ngoài ra, ông Sơn cho rằng quan niệm "đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn" cộng với cơ chế xin - cho và tâm lý chuộng chức, thích quyền lực đã góp phần hình thành vấn nạn tham nhũng, hối lộ. Vì vậy, nhà nước cần có nhiều biện pháp, từ tuyên truyền đến quản lý kinh tế, tài chính; cũng như tăng cường sự nghiêm minh của pháp luật thì mới có thể ngăn chặn được.

MINH CHIẾN - PHAN ANH

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/bieu-xen-tinh-vi-cam-chua-du-20191226211356839.htm