Big Tech tiếp tục bị bán tháo; Dầu WTI tăng hơn 2%

Chứng khoán Mỹ giảm điểm vào thứ Tư (17/07), khi hoạt động luân chuyển rút khỏi những cổ phiếu công nghệ tăng trưởng cao và chuyển sang những cổ phiếu nhạy cảm hơn với lãi suất vẫn tiếp tục. Giá dầu WTI tăng, khi đồng USD suy yếu làm lu mờ các dấu hiệu cho thấy tăng trưởng kinh tế chậm hơn ở Trung Quốc.

Nasdaq ghi nhận phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 12/2022

Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số S&P 500 mất 1.39% còn 5,588.27 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite sụt 2.77% xuống 17,996.92 điểm, đánh dấu phiên tồi tệ nhất kể từ tháng 12/2022 và lần đầu tiên đóng cửa dưới mốc 18,000 điểm kể từ ngày 01/07/2024.

Trong khi đó, chỉ số Dow Jones đã vượt qua xu hướng giảm, tăng 243.60 điểm, tương đương 0.59%, lên 41,198.08 điểm, đánh dấu lần đầu tiên chỉ số này đóng cửa trên mốc 41,000 điểm.

Cổ phiếu UnitedHealth tăng vọt 4.5% sau khi Phố Wall nâng bậc tín nhiệm sau báo cáo lợi nhuận mạnh mẽ của công ty này, qua đó hỗ trợ thúc đẩy chỉ số Dow Jones.

Mặt khác, S&P 500 và Nasdaq Composite bị áp lực bởi đà sụt giảm liên tục của các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn. Điều đó đánh dấu một bước ngoặt sau đợt leo dốc khủng khiếp của các cổ phiếu công nghệ trong năm nay trong bối cảnh cơn sốt trí tuệ nhân tạo.

Trên thực tế, phiên giao dịch ngày thứ Tư là lần đầu tiên kể từ năm 2001, Nasdaq Composite giảm hơn 2.5%, trong khi Dow Jones ghi nhận mức tăng. Lĩnh vực công nghệ thông tin và dịch vụ truyền thông thuộc S&P 500 là 2 lĩnh vực giảm mạnh nhất trong phiên ngày thứ Tư.

Đáng chú ý, cổ phiếu Meta Platforms sụt 5.7%, còn cổ phiếu Netflix và Microsoft đều mất hơn 1%. Cổ phiếu Apple hạ 2.5%.

Các cổ phiếu chất bán dẫn cũng gặp khó khăn sau khi Bloomberg News đưa tin rằng chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang xem xét các hạn chế thương mại cứng rắn hơn nếu các công ty này tiếp tục cung cấp cho Trung Quốc quyền tiếp cận công nghệ do Mỹ sản xuất.

Chỉ số Russell 2000 lùi 1%, chấm dứt chuỗi 5 phiên tăng liên tiếp. Tuy nhiên, chỉ số tập trung vào các cổ phiếu vốn hóa nhỏ đã vọt hơn 9% trong 5 phiên vừa qua khi đà leo dốc của thị trường mở rộng. Trong khi đó, Nasdaq Composite đã mất hơn 3% vào cùng kỳ trong bối cảnh cổ phiếu công nghệ bị bán tháo.

Vòng quay này diễn ra khi nhà đầu tư trở nên lạc quan hơn về việc hạ lãi suất, điều này sẽ mang lại lợi ịch cho các công ty vốn hóa nhỏ và các công ty có chi phí tài chính cao hơn. Theo công cụ CME FedWatch, thị trường hiện dự báo khả năng cao Fed sẽ hạ lãi suất vào tháng 9.

Dự trữ dầu thô tại Mỹ giảm mạnh hơn dự báo

Khép phiên, hợp đồng dầu Brent tiến 1.34 USD, tương đương 1,6%, lên 85.06 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI thêm 1.94 USD, tương đương 2.4%, lên 82.70 USD/thùng.

Chênh lệch giá dầu Brent so với dầu WTI đã thu hẹp xuống khoảng 3.82 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 10/2023. Sự chênh lệch thu hẹp đó có nghĩa là các công ty năng lượng có ít lý do hơn để chi tiền gửi tàu đến MỸ để lấy dầu thô xuất khẩu.

Tại Mỹ, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết dự trữ dầu thô đã sụt 4.9 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 12/07/2024., cao hơn rất nhiều so với dự báo giảm 30,000 thùng dầu từ các chuyên gia phân tích tham gia cuộc thăm dò của Reuters và cao hơn so với dự báo giảm 4.4 triệu thùng từ Viện Xăng dầu Mỹ (API).

Đồng đô la Mỹ yếu hơn cũng giúp hỗ trợ giá dầu sau khi giảm xuống mức thấp nhất trong 17 tuần so với các đồng tiền chủ chốt khác.

Đồng USD suy yếu có thể thúc đẩy nhu cầu dầu, làm cho các mặt hàng được định giá theo đồng bạc xanh như dầu trở nên ít đắt đỏ hơn đối với người nắm giữ các loại tiền tệ khác.

Cũng góp phần hỗ trợ giá dầu là rủi ro địa chính trị giá tăng, căng thẳng ở châu Âu và Trung Đông có thể tiếp tục gây ra rủi ro cho nhiên liệu.

Trong khi đó, dữ liệu chính thức vào đầu tuần cho thấy Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu lớn thức 2 thế giới, chứng kiến tăng trưởng kinh tế đạt 4.7% trong quý 2, mức tăng trưởng chậm nhất kể từ quý 1/2023, qua đó kìm hãm đà tăng giá dầu thô.

Yên Huỳnh

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/big-tech-tiep-tuc-bi-ban-thao-dau-wti-tang-hon-2-post115602.html