Binh chủng Đặc công: Những điều đặc biệt ở binh chủng đặc biệt

Binh chủng Đặc công là binh chủng chiến đấu đặc biệt tinh nhuệ của Quân đội Nhân dân Việt Nam, được tổ chức, trang bị và huấn luyện đặc biệt, có phương pháp tác chiến linh hoạt, táo bạo, bất ngờ, thường dùng để đánh các mục tiêu hiểm yếu nằm sâu trong đội hình chiến đấu, bố trí chiến dịch và hậu phương của địch.

Ngày 13/3/2024, Binh chủng Đặc công đã tổ chức hội nghị gặp mặt các cơ quan thông tấn, báo chí Xuân Giáp Thìn 2024. Chủ trì hội nghị có Đại tá Nguyễn Quốc Duẩn – Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Binh chủng, Thiếu tướng Hoàng Minh Sơn - Phó Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh Binh chủng Đặc công, cùng lãnh đạo các đơn vị thuộc Binh chủng; đại diện lãnh đạo các cơ quan truyền thông trong và ngoài quân đội như: Báo Nhân dân; Quân đội nhân dân; Tạp chí Văn nghệ quân đội, Thông tấn xã Việt Nam; Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Báo Pháp luật Việt Nam...

Báo cáo về kết quả tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng năm 2023 và một số nội dung tuyên truyền năm 2024, Đại tá Vũ Văn Kích – Phó Chủ nhiệm Cục Chính trị, Binh chủng Đặc công cho biết, năm 2023, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Binh chủng, cấp ủy, chỉ huy các cấp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn Binh chủng đoàn kết thống nhất, phát huy truyền thống anh hùng, khắc phục khó khăn, tích cực đổi mới nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, giáo dục - đào tạo, cấp ủy, tổ chức đảng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, Binh chủng Đặc công vững mạnh toàn diện "Mẫu mực, tiêu biểu"; lập được nhiều thành tích xuất sắc, được Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng ghi nhận, đánh giá cao.

Cùng với những thành tích trong công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, giáo dục - đào tạo, Thường vụ Đảng ủy, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh rất chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền; Cục Chính trị làm tốt công tác hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, nhà trường chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn báo chí thực hiện công tác tuyên truyền về hoạt động, hình ảnh của bộ đội đặc công trên các phương tiện thông tin đại chúng hiệu quả, thiết thực.

Cổng Thông tin điện tử Binh chủng và hoạt động của các đơn vị, nhà trường đã có hàng trăm tin bài, thu hút hàng ngàn bình luận, chia sẻ trên mạng xã hội, qua đó kịp thời định hướng tư tưởng, cung cấp thông tin chính thống trước những sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, quân đội cho cán bộ, đảng viên, chiến sĩ toàn Binh chủng; đấu tranh phản bác có hiệu quả trước các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng....

Năm 2024, tình hình thế giới, khu vực dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, nhiệm vụ của Quân đội nói chung, Binh chủng Đặc công nói riêng tiếp tục phát triển, đặt ra những yêu cầu mới cao hơn. Bên cạnh đó, với công tác tuyên truyền, Binh chủng Đặc công mong muốn các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình, nhà báo, phóng viên quan tâm giúp đỡ, đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng đặc biệt là trên các nền tảng số.

Đại tá Nguyễn Quốc Duẩn – Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Binh chủng phát biểu tại hội nghị gặp mặt các cơ quan thông tấn, báo chí Xuân Giáp Thìn 2024

Đại tá Nguyễn Quốc Duẩn – Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Binh chủng phát biểu tại hội nghị gặp mặt các cơ quan thông tấn, báo chí Xuân Giáp Thìn 2024

Phát biểu tại hội nghị gặp mặt các cơ quan thông tấn, báo chí Xuân Giáp Thìn 2024, Đại tá Nguyễn Quốc Duẩn – Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Binh chủng nhấn mạnh việc phối hợp với các cơ quan truyền thông để đẩy mạnh công tác tuyên truyền rất được Binh chủng chú trọng, để qua đó xã hội, người dân hiểu hơn về lực lượng đặc công - binh chủng chiến đấu đặc biệt tinh nhuệ của Quân đội Nhân dân Việt Nam và truyền cảm hứng cũng như niềm tự hào sâu sắc về truyền thống anh hùng của quân đội ta.

Tham dự hội nghị gặp mặt các cơ quan thông tấn, Báo chí Xuân Giáp Thìn 2024 ngày 13/3/2024, đồng chí Hà Ánh Bình - Phó Bí thư Đảng bộ, Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam tặng tranh lưu niệm cho Binh chủng Đặc công

Tham dự hội nghị gặp mặt các cơ quan thông tấn, Báo chí Xuân Giáp Thìn 2024 ngày 13/3/2024, đồng chí Hà Ánh Bình - Phó Bí thư Đảng bộ, Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam tặng tranh lưu niệm cho Binh chủng Đặc công

Cách đánh đặc công đã xuất hiện ở Việt Nam từ gần 1.000 năm nay. Thế kỷ thứ 13 trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông, quân đội nhà Trần đã phát triển cách đánh tập kích bằng lực lượng nhỏ, tinh nhuệ, thiện chiến trên bộ, trên sông, trên biển. Hưng Đạo Vương - Trần Quốc Tuấn đã chỉ đạo: “Cứ liều đánh ở trên thuyền, không bằng ngầm đâm ở dưới thuyền, cứ phá quân địch không bằng phá thuyền của địch”.

Thực hiện phương hướng đó, tướng Yết Kiêu đã tổ chức, huấn luyện những đội “Trạo Nhi” gồm những dân chài khỏe mạnh, bơi lội giỏi chuyên làm nhiệm vụ phá hoại căn cứ thủy quân của giặc. Nhiều trận, đội “Trạo Nhi” đã bí mật lọt hẳn vào căn cứ thủy quân dùng chất cháy đốt thuyền và lặn xuống nước đục thuyền, tiêu diệt nhiều quân Nguyên - Mông ở Chương Dương, Phả Lại, Chí Linh và có lần bắt sống được tướng giặc.

Năm 1410, Trần Nguyên Hãn vận dụng phép dùng binh “Quân cốt tinh không cốt nhiều” đã tổ chức một trận đánh nổi tiếng với gần 200 nghĩa quân, cởi trần ngụy trang, dùng thang bí mật leo vào thành Xương Giang, Việt Trì bất ngờ tiến công liên tục tiêu diệt gọn quân Minh ở trong thành.

Cách đánh này được quân và dân ta vận dụng rộng rãi trong các thế kỷ tiếp theo. Đến năm 1948 trận đánh tháp canh cầu Bà Kiên do đồng chí Trần Công An chỉ huy được thừa nhận là trận đánh đặc công đầu tiên trong thời kỳ hiện đại, song lúc đó vẫn gọi là cách “Công đồn đặc biệt”, mãi đến đầu năm 1950, cách “Công đồn đặc biệt” trên được chính thức gọi là đặc công. Thuật ngữ đặc công chính thức được sử dụng để chỉ cách đánh đặc biệt, đồng thời chỉ về một tổ chức vũ trang đặc biệt của Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam.

Từ trận đánh đặc công đầu tiên đó đến nay, được thành lập ngày 19/03/1967, trải qua gần 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, với cách đánh “mưu trí, dũng cảm, sáng tạo và độc đáo”, bộ động đặc công đã lập nên những kỳ tích trong lịch sử. Trong những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, bộ đội đặc công đã khiến kẻ thù “kinh hồn bạt vía” với nhiều trận đánh trở thành huyền thoại.

Trải qua quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, hệ thống lý luận và tài liệu huấn luyện quân sự, chính trị, hậu cần, kỹ thuật của Binh chủng Đặc công đã từng bước được hoàn chỉnh, trong đó khẳng định chức năng chiến đấu của đặc công là: Tiến công những mục tiêu hiểm yếu, quan trọng trong hậu phương và trong chiều sâu đội hình đối phương cả trên đất liền, sông, biển, hải đảo. Khẳng định cách đánh đặc công là cách đánh bằng lực lượng ít nhưng chất lượng cao, trang bị gọn, nhẹ, có uy lực, luồn sâu tạo thế có lợi hơn hẳn đối phương, đánh gần, đánh hiểm, đánh nhanh, đạt hiệu suất cao, hiệu quả lớn, trong đó có nhiều trận thắng lợi đạt giá trị chiến dịch, chiến lược...

Cách đánh đặc công được Chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát trong lời huấn thị của Người tại buổi lễ thành lập Binh chủng Đặc công 19/3/1967: “... Có thể nói, do chiến tranh du kích phát triển cao, đặc biệt cao, chiến thuật du kích lấy ít đánh nhiều và đi không tiếng về không tăm; bây giờ các chú cũng thế, cũng phải lấy ít đánh nhiều, nhưng mà to hơn nữa, cao hơn nữa, lấy ít đánh nhiều, lấy ít thắng nhiều”.

Bộ đội huấn luyện trình diễn kỹ thuật đặc công

Bộ đội huấn luyện trình diễn kỹ thuật đặc công

Lực lượng đặc công đã đánh gần 19.392 trận vào các loại mục tiêu, trong đó có nhiều mục tiêu mà đối phương cho là bất khả xâm phạm, tiêu diệt hàng vạn tên địch, phá hủy hàng nghìn phương tiện chiến tranh... Cách đánh đặc công được vận dụng trên các địa hình: rừng núi, đồng bằng, thành thị và cả trên sông, biển, hải đảo. Lực lượng đặc công đã lập được nhiều chiến công vang dội.

Với thành tích đặc biệt xuất sắc, Binh chủng Đặc công đã được tặng thưởng: 01 Huân chương Sao Vàng; 01 Huân chương Hồ Chí Minh; 01 Huân chương Độc lập hạng Nhất; 04 Huân chương Quân công hạng Nhất. Bộ đội đặc công có 105 tập thể và 227 cá nhân được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Binh chủng hai lần được phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào các năm 1976 và 2012... Binh chủng Đặc công được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng 16 chữ vàng truyền thống: “Đặc biệt tinh nhuệ. Anh dũng tuyệt vời. Mưu trí táo bạo. Đánh hiểm thắng lớn”.

Kỷ niệm 79 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2023), Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đến thăm, làm việc với Binh chủng Đặc công. Ảnh TTXVN.

Kỷ niệm 79 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2023), Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đến thăm, làm việc với Binh chủng Đặc công. Ảnh TTXVN.

Nhân kỷ niệm 79 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2023), ngày 18/12/2023, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đến thăm, làm việc với Binh chủng Đặc công.

Tại buổi thăm, làm việc, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và đoàn công tác đã đến tham quan màn trình diễn của các cán bộ, học viên, nhân viên, chiến sĩ thuộc Binh chủng Đặc công tại Thao trường 133 (Trường Sĩ quan Đặc công). Kết thúc tham quan, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và đoàn công tác có buổi làm việc với Bộ tư lệnh Binh chủng Đặc công tại Sở chỉ huy của Binh chủng.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh: "Với tinh thần chiến đấu đặc biệt mưu trí, dũng cảm, đoàn kết, sáng tạo, không quản gian khổ, hy sinh, phát huy một cách tốt nhất nghệ thuật quân sự độc đáo "Lấy ít đánh nhiều, lấy nhỏ thắng lớn", "bí mật, bất ngờ, luồn sâu, đánh hiểm", lớp lớp cán bộ, chiến sĩ Binh chủng Đặc công đã lập nên những chiến công hiển hách, đặc biệt xuất sắc; góp phần làm phong phú hơn nghệ thuật quân sự Việt Nam... Mỗi một câu chuyện, một chiến thắng, mỗi một nhân vật Bộ đội Đặc công đều là nguồn cảm hứng lớn lao, mang đến niềm tin cậy, tự hào cho quân và dân ta…".

Trước bối cảnh tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nhiều yếu tố mất ổn định, thực hiện chủ trương bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng yêu cầu Đảng ủy, Bộ tư lệnh Binh chủng Đặc công cần tập trung xây dựng lực lượng Đặc công Việt Nam đặc biệt tinh nhuệ về chính trị; có bản lĩnh chính trị đặc biệt vững vàng, có ý chí đặc biệt cao; là lực lượng chiến đấu được tin tưởng đặc biệt, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân. Cùng với đó, chú trọng đẩy mạnh công tác Đảng, công tác chính trị trong Binh chủng; xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức.

Đồng cảm, chia sẻ với những khó khăn, vất vả của Bộ đội Đặc công, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng yêu cầu Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và các cơ quan chức năng cần quan tâm đặc biệt tới lực lượng đặc biệt, có chính sách thật sự đặc biệt, giúp cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Đặc công luôn yên tâm công tác, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, viết tiếp truyền thống "Đặc biệt tinh nhuệ - Anh dũng tuyệt vời - Mưu trí táo bạo - Đánh hiểm thắng lớn" của đơn vị hai lần Anh hùng…

“Đặc công tức là công tác đặc biệt, là vinh dự đặc biệt, cần phải có cố gắng đặc biệt. Các chiến sĩ đặc công được tin tưởng đặc biệt... Cái gì cũng đặc biệt đối với đặc công. Chữ đặc biệt quán xuyến tất cả, từ lúc tập luyện cho đến lúc đi đánh, cũng như lúc về... Bất kỳ nhiệm vụ gì, bất kỳ nhiệm vụ đặc biệt nào cũng phải hoàn thành và hoàn thành cho tốt... Bất kỳ khó khăn đặc biệt nào cũng phải vượt qua, cũng phải khắc phục cho kỳ được. Nói tóm lại là công việc, công tác của các đồng chí cũng đặc biệt khó, nhưng cũng đặc biệt vẻ vang” (Trích Huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Lễ thành lập Binh chủng Đặc công, ngày 19/3/1967).

Xuân Hoa - Nguyệt Thương - Tuấn Ngọc

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/binh-chung-dac-cong-nhung-dieu-dac-biet-o-binh-chung-dac-biet-post506361.html