Binh chủng Thông tin liên lạc - Dấu ấn trên hành trình tiến lên hiện đại - Bài 1: Hiện đại hóa thông tin liên lạc quân sự là tất yếu

LTS: Binh chủng Thông tin liên lạc (TTLL) là lực lượng được ưu tiên tiến thẳng lên hiện đại theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XII, XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ IX, X và XI. Hơn 10 năm qua, bằng tinh thần chủ động, sáng tạo và quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức, Đảng ủy Binh chủng TTLL đã lãnh đạo, chỉ đạo toàn Binh chủng hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm TTLL với nhiều dấu ấn trên hành trình tiến lên hiện đại.

Thực hiện Chiến lược phát triển hệ thống TTLL quân sự giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, Binh chủng TTLL đã chủ động triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, tập trung phát triển, quy hoạch, chuyển đổi công nghệ, xây dựng hệ thống TTLL đồng bộ, linh hoạt theo hướng hiện đại, đa dịch vụ, bảo đảm TTLL kịp thời, thông suốt, vững chắc phục vụ Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng lãnh đạo, chỉ huy, chỉ đạo các lực lượng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phát triển thông tin liên lạc quân sự hiện đại - đòi hỏi từ thực tiễn khách quan

Những năm gần đây, tình hình thế giới, khu vực, Biển Đông có nhiều diễn biến mới, nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Thế giới xuất hiện nhiều loại hình tác chiến mới, môi trường tác chiến mở rộng cả trên bộ, trên không, trên biển, trên không gian mạng, trên vũ trụ; quy mô, phương thức, tổ chức lực lượng tác chiến cũng có nhiều thay đổi. Vừa qua, các cuộc xung đột quân sự ở một số nước cũng đặt ra nhiều vấn đề trong tổ chức, bảo đảm TTLL. Mặt khác, yêu cầu, nhiệm vụ cải cách hành chính, chuyển đổi số đòi hỏi cần có đường truyền tốc độ cao và TTLL chính là nền tảng của hạ tầng số.

 Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng kiểm tra bảo đảm thông tin liên lạc, truyền hình phục vụ Diễn tập HN-24 (tháng 10-2024). Ảnh: NAM ANH

Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng kiểm tra bảo đảm thông tin liên lạc, truyền hình phục vụ Diễn tập HN-24 (tháng 10-2024). Ảnh: NAM ANH

Trong chiến tranh công nghệ cao, với hệ thống vũ khí hiện đại, phương thức tác chiến mới, đối phương sử dụng hệ thống điều khiển tự động, từ xa, thông qua hệ thống TTLL. Nói cách khác, TTLL không chỉ là "tai mắt" của chỉ huy mà còn là hạ tầng không thể thiếu, là điều kiện cần để vận hành, khai thác vũ khí, trang bị đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cải cách hành chính, chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử trong Quân đội. Những vấn đề trên đặt ra yêu cầu phải xây dựng hệ thống TTLL quân sự hiện đại, đủ sức hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao, vừa bảo đảm TTLL “kịp thời, chính xác, bí mật, an toàn”, vừa bảo đảm yêu cầu tác chiến của Quân đội. Đây là yêu cầu tất yếu khách quan, mang tính cấp thiết, đòi hỏi phải được nghiên cứu, chuẩn bị ngay trong thời bình, bảo đảm cho Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung và Binh chủng TTLL nói riêng luôn hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.

Bảo đảm thông tin liên lạc ở tất cả các cấp, các loại hình dịch vụ

Mục tiêu chung được xác định trong Chiến lược là: Xây dựng lực lượng TTLL quân sự có chất lượng tổng hợp, sức mạnh, khả năng sẵn sàng chiến đấu cao, bảo đảm TTLL kịp thời, thông suốt, vững chắc, thích ứng trong mọi tình huống, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; xây dựng hệ thống TTLL quân sự hiện đại, ổn định vững chắc, linh hoạt, phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm TTLL tự động hóa chỉ huy, điều khiển vũ khí, trang bị kỹ thuật trong chiến tranh công nghệ cao. Ưu tiên phát triển TTLL cho các lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, như: Hải quân, Phòng không-Không quân, Cảnh sát biển, quân báo-trinh sát, tác chiến mạng, pháo binh, tên lửa..., các đơn vị lục quân, các đơn vị thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, A2, chống khủng bố, cứu hộ, cứu nạn và làm nhiệm vụ quốc tế.

Theo Thiếu tướng Vũ Viết Hoàng, Tư lệnh Binh chủng TTLL, trên cơ sở kết quả thực hiện Chiến lược phát triển hệ thống TTLL quân sự giai đoạn 2011-2020; triển khai Chiến lược phát triển hệ thống TTLL quân sự giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, những năm qua, hệ thống TTLL quân sự đã có sự phát triển mạnh mẽ, vững chắc cả về quy mô và phương thức với công nghệ hiện đại, đa dạng loại hình dịch vụ.

Lữ đoàn 205, Binh chủng Thông tin liên lạc bảo đảm thông tin liên lạc, truyền hình phục vụ Lễ đón đoàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào thăm chính thức Việt Nam (tháng 9-2024). Ảnh: NAM ANH

Lữ đoàn 205, Binh chủng Thông tin liên lạc bảo đảm thông tin liên lạc, truyền hình phục vụ Lễ đón đoàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào thăm chính thức Việt Nam (tháng 9-2024). Ảnh: NAM ANH

Hiện nay, hệ thống TTLL quân sự được tổ chức ở 3 cấp, chiến lược, chiến dịch, chiến thuật; mỗi cấp gồm thông tin cố định và thông tin cơ động được phát triển theo hướng đi thẳng vào công nghệ tiên tiến, hiện đại, ngang tầm với các nước trong khu vực và trên thế giới; gắn với yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm TTLL quân sự “kịp thời, chính xác, bí mật, an toàn, vững chắc” trong mọi tình huống; tự động hóa chỉ huy, xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số của các cơ quan, đơn vị Quân đội.

Đối với mạng truyền dẫn quang, Binh chủng TTLL đã phát huy mọi nguồn lực, quy hoạch, phát triển mạng truyền dẫn công nghệ chuyển mạch kênh quang; với nhiều trục truyền dẫn quang Bắc-Nam, hàng nghìn tuyến cáp nhánh trên tổng số gần 20.000km cáp quang cùng hàng trăm thiết bị truyền dẫn. Nhờ đó, mạng truyền dẫn quang quân sự bảo đảm đến 100% đầu mối cấp chiến lược, chiến dịch (từ 2 đến 5 hướng kết nối; tốc độ từ 2,5 đến 10Gbps); sư đoàn đủ quân, bộ CHQS, bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, thành phố, một số đơn vị cấp trung (lữ) đoàn, ban CHQS huyện từ 2 đến 5 hướng cáp, tốc độ từ 155Mbps đến 10Gbps; đồng thời bảo đảm đường truyền tốc độ cao cho toàn bộ hệ thống truyền hình trực tuyến của Bộ Quốc phòng; hệ thống tự động hóa chỉ huy của Quân chủng Phòng không-Không quân, Quân chủng Hải quân, Cảnh sát biển, Tác chiến điện tử...

Mạng truyền số liệu có bước phát triển mạnh mẽ cả về công nghệ, quy mô và chất lượng dịch vụ; quy hoạch địa chỉ IP, mở rộng các nút biên, nút truy nhập; tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật cho mạng truyền số liệu. Từ năm 2019 đến nay, Binh chủng TTLL đã phát triển, mở rộng mạng truyền số liệu quân sự tới hơn 2.000 đầu mối đơn vị, bảo đảm 100% đầu mối cấp chiến dịch, chiến lược, học viện, nhà trường Quân đội, sư đoàn, bộ CHQS, bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, thành phố và các đơn vị cấp trung đoàn, ban CHQS cấp huyện và tương đương, trên 76% các đồn biên phòng, tiểu đoàn hỏa lực, trạm ra-đa, làm cơ sở cho phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, tự động hóa chỉ huy gắn với cải cách hành chính và chuyển đổi số trong Bộ Quốc phòng.

Mạng thông tin vệ tinh được quy hoạch, phát triển, mở rộng, khai thác sử dụng hiệu quả cho các nhiệm vụ, nhất là nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới, biển, đảo, cứu hộ, cứu nạn. Đến nay, ngoài hệ thống trạm HUB còn có hơn 700 trạm VSAT (thông tin vệ tinh) đầu cuối với đầy đủ các loại hình cố định, mang vác, cơ động trên xe và trên tàu biển, bảo đảm dịch vụ thoại, truyền số liệu và truyền hình.

Nhiều đột phá trong triển khai, duy trì hệ thống vững chắc

Dẫn chứng về kết quả trong khai thác, sử dụng mạng thông tin vệ tinh, Trung tá Vũ Văn Dũng, Chủ nhiệm Hậu cần-Kỹ thuật Lữ đoàn 205 (Binh chủng TTLL) nhấn mạnh: Với chức năng là tổng trạm thông tin Sở chỉ huy Bộ Quốc phòng, Lữ đoàn 205 là trung tâm kết nối các hệ thống TTLL quân sự toàn quân; trực tiếp bảo đảm TTLL phục vụ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ. Hiện nay, các điểm đảo, các tàu Hải quân, Cảnh sát biển, tổ đội dân quân biển, đồn biên phòng ngoài thông tin thoại, truyền số liệu đều được trang bị hệ thống truyền hình trực tuyến, sẵn sàng kết nối về trung tâm chỉ huy Bộ Quốc phòng. Khi có yêu cầu, Lữ đoàn 205 có thể nhanh chóng thiết lập, duy trì liên lạc với chất lượng cao.

Đối với mạng truyền hình hội nghị, Binh chủng TTLL đã hoàn thành đầu tư bổ sung trang thiết bị; quy hoạch tổ chức thành 3 trung tâm truyền hình, 22 trung tâm vận hành, gần 800 điểm cầu truyền hình, đồng bộ trên đường truyền dẫn quân sự, bảo mật cao. Hoàn thiện xây dựng phương án báo cáo Bộ Quốc phòng chuẩn bị triển khai mạng truyền hình ứng dụng cấp chiến thuật trong toàn quân với 3 trung tâm và gần 2.000 điểm cầu cho các đơn vị. Ngoài ra, Binh chủng phối hợp với Tổng cục Hậu cần triển khai và duy trì mạng Telemedicine phục vụ truyền hình trực tuyến, hỗ trợ hiệu quả quá trình khám, tư vấn, hội chẩn, chỉ đạo từ xa giữa 25 điểm cầu truyền hình các bệnh viện trong đất liền với bệnh xá trên các đảo, tàu.

Mạng Radio Trunking đã phủ sóng ở các thành phố lớn, khu vực trọng điểm A2, phát huy hiệu quả trong bảo đảm TTLL thường xuyên, cơ động, sẵn sàng chiến đấu, diễn tập và các nhiệm vụ khác. Mạng thông tin vô tuyến điện được duy trì ổn định, vững chắc ở cả 3 cấp chiến lược, chiến dịch, chiến thuật. Đến nay, Binh chủng TTLL đã hoàn thành đầu tư trang bị máy phát công suất lớn cho các trung tâm vô tuyến điện cấp chiến lược; thay thế các máy vô tuyến điện thế hệ cũ bằng các máy vô tuyến điện sản xuất trong nước có bảo mật, nhảy tần, đa dịch vụ, làm chủ trong sản xuất và bảo đảm kỹ thuật...

Hệ thống TTLL cơ động được xây dựng theo hướng hiện đại, đa dịch vụ, gọn nhẹ, cơ động, khả năng sống còn cao, kết hợp với duy trì bảo đảm các trang bị thông tin truyền thống. Binh chủng chủ động củng cố, thay thế trang bị trên những xe cơ động cũ; hướng dẫn, chỉ đạo, hỗ trợ các đơn vị toàn quân trong mua sắm, triển khai những dự án bảo đảm TTLL cơ động cho các nhiệm vụ với quy mô hàng trăm xe tổng trạm thông tin cơ động cấp chiến lược, chiến dịch; các bộ VSAT mang vác và máy điện thoại vệ tinh tại các đơn vị trực thuộc và toàn quân. Đến nay, hệ thống thông tin cơ động đã bảo đảm tốt TTLL trong các nhiệm vụ huấn luyện, diễn tập, sẵn sàng chiến đấu, phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và những nhiệm vụ thường xuyên cũng như đột xuất.

Thiếu tướng Vũ Viết Hoàng khẳng định, với định hướng đúng, sự lãnh đạo, chỉ đạo kiên quyết, kịp thời, nỗ lực quyết tâm cao của cấp ủy, chỉ huy, cán bộ, nhân viên, chiến sĩ, đến nay, Binh chủng TTLL đã chủ động tiếp cận những thành tựu khoa học-công nghệ, hệ thống thông tin quân sự có bước phát triển mới, đột phá về chất ở cả 3 cấp chiến lược, chiến dịch và chiến thuật, cả hệ thống thông tin cố định cũng như thông tin cơ động, tạo thế vu hồi vững chắc và nâng cao tính độc lập của hệ thống TTLL quân sự, ngang tầm với trình độ công nghệ trong khu vực và thế giới.

(còn nữa)

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/binh-chung-thong-tin-lien-lac-dau-an-tren-hanh-trinh-tien-len-hien-dai-bai-1-hien-dai-hoa-thong-tin-lien-lac-quan-su-la-tat-yeu-809441