'Bình dân học AI' tại Yên Bái: Lan tỏa ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào cuộc sống
Là tỉnh đầu tiên khởi động mô hình 'Bình dân học AI' trên cả nước, Yên Bái đã và đang nỗ lực triển khai mô hình nhằm khuyến khích mọi người tham gia học tập, chia sẻ, lan tỏa kiến thức, kinh nghiệm về AI để ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống. Trao đổi của đồng chí Nguyễn Thúc Mạnh - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh với phóng viên Báo Yên Bái.
Trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng phổ biến và hiện hữu trong đời sống, mang lại sự tiện ích và những giá trị to lớn cho con người. Nhằm nâng cao nhận thức của người dân về trí tuệ nhân tạo, tỉnh Yên Bái đã chính thức triển khai và phát động phong trào "Bình dân học AI” vào tháng 10/203, thời gian thí điểm đến hết tháng 3/2024.
Với những kết quả ban đầu cho thấy, mô hình đang là hướng đi đúng, sáng tạo của Yên Bái trong công tác chuyển đổi số, mang đến cơ hội cho một tỉnh miền núi như Yên Bái tuy đi sau nhưng lại "đuổi kịp, tiến cùng” với nhiều địa phương khác trong cả nước. Để hiểu rõ hơn về mô hình "Bình dân học AI” cũng như cách làm của tỉnh Yên Bái trong triển khai thực hiện, phóng viên Báo Yên Bái có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Thúc Mạnh - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh.
PV: Thưa đồng chí, là tỉnh đầu tiên khởi động mô hình "Bình dân học AI” trên cả nước, xin đồng chí cho biết cách triển khai mô hình trong thời gian qua?
Đồng chí Nguyễn Thúc Mạnh : Với mục tiêu nâng cao nhận thức, trang bị cho người dân các kỹ năng cơ bản để sử dụng, điều khiển AI phục vụ trong công việc và đời sống, bắt đầu từ tháng 10/2023, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Yên Bái đã triển khai thí điểm tại một số cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh gồm: công chức, viên chức Sở Thông tin và Truyền thông; 3 trường THPT, 13 doanh nghiệp, hợp tác xã; Tổ trưởng các tổ chuyển đổi số cộng đồng trên địa bàn tỉnh thành phố Yên Bái.
Là tỉnh đầu tiên khởi động mô hình "Bình dân học AI” trên cả nước, Yên Bái nỗ lực triển khai mô hình để nhằm khuyến khích mọi người tham gia học tập, chia sẻ, lan tỏa kiến thức, kinh nghiệm về AI để ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống.
Về cách làm, qua tổng kết kinh nghiệm triển khai một số mô hình về chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, tỉnh đã đút rút kinh nghiệm từ thực tiễn để tìm ra các làm triển khai thí điểm mô hình "Bình dân học AI”. Sở Thông tin và Truyền thông đã xây dựng kế hoạch cụ thể chi tiết: rõ mục tiêu, rõ người thực hiện, rõ kết quả, rõ thời gian và rõ nguồn lực. Sở đã thành lập Tổ điều phối, giao trách nhiệm phụ trách các nhóm để bao quát công việc, đôn đốc, hướng dẫn, hỗ trợ. Đồng thời, thành lập các nhóm nòng cốt để triển khai nhiệm vụ theo mục tiêu của chương trình đến các đối tượng cụ thể theo nhiệm vụ của nhóm.
Sở cũng đã tổ chức gặp mặt, tập huấn trực tiếp về phương pháp triển khai chương trình và các kiến thức, kỹ năng nền tảng cho thành viên nòng cốt; chia sẻ các tài liệu, bài giảng, video hướng dẫn về AI; thường xuyên cập nhật thông tin về AI; chia sẻ các kinh nghiệm ứng dụng AI thành công.
Và đặc biệt, phải kể đến sự đồng hành của Báo Yên Bái, Đài Phát thanh- Truyền hình tỉnh, Cổng thông tin điện tử tỉnh trong việc truyền thông về chương trình giúp lan tỏa đến nhiều người hơn.
Bên cạnh đó, cũng phải kể đến sự quan tâm sát sao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; việc lựa chọn được cán bộ tham gia triển khai chương trình có năng lực, trình độ, có đam mê công nghệ AI, có khả năng kết nối với giới đam mê công nghệ AI trong cả nước.
Có thể nói, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh đã có cách làm bàn bản, khoa học, khác biệt. Chính vì vậy, bước đầu đã đạt được kết quả theo mục tiêu đề ra.
PV: Đến nay, sau hơn 4 tháng triển khai, mô hình đã mang lại những hiệu quả tích cực ra sao, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Thúc Mạnh: Kế hoạch thí điểm dự kiến sẽ triển khai đến hết tháng 3/2024. Tuy nhiên, đến nay còn 1 tháng nữa mới hết thời gian thí điểm nhưng nhiều chỉ tiêu đã vượt xa kế hoạch đề ra và hiệu quả lợi ích mang lại thực sự rõ nét đối với tất cả các đối tượng tham gia thí điểm, gồm: các doanh nghiệp, hợp tác xã, công chức, giáo viên, học sinh, thành viên Tổ chuyển đổi số cộng đồng.
Đến nay, có 139 người tham gia lực lượng nòng cốt, đã tổ chức được 35 lớp bình dân học AI với trên 1.000 lượt người tham gia. Tỷ lệ biết ứng dụng AI mang lại hiệu quả đạt trên 50%. Các con số này đều vượt xa so với mục tiêu đề ra trong thời gian triển khai thí điểm.
Qua việc thí điểm triển khai ứng dụng công cụ trí tuệ nhân tạo đã cho thấy hiệu quả rõ nét. Đó là doanh nghiệp ứng dụng để tìm kiếm, tiếp cận khách hàng mục tiêu, tạo các sản phẩm quảng cáo trực tuyến... (Trong quá trình triển khai thí điểm, đã có cơ sở kinh doanh dịch vụ phục vụ khách du lịch có doanh số tăng gấp gần 4 lần khi ứng dụng AI để tiếp cận khách hàng mục tiêu; Viettel Yên Bái đã triển khai ứng dụng AI thành một chương trình riêng trong doanh nghiệp).
Bên cạnh đó, công chức sử dụng AI như một trợ lý đắc lực (trên 50% công chức, viên chức Sở Thông tin và Truyền thông và một số cơ quan như Sở Giáo dục-Đào tạo, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Báo Yên Bái, Cổng Thông tin Điện tử tỉnh, các phòng Văn hóa -Thông tin các huyện, thị xã, thành phố… đã sử dụng công cụ AI như một trợ lý ảo).
Giáo viên của các đơn vị nhà trường tích cực sử dụng công cụ AI để hỗ trợ giảng dạy. Tiêu biểu như giáo viên Trường Chuyên Nguyễn Tất Thành, Trường THPT Nghĩa Lộ đã sử dụng AI hỗ trợ soạn bài giảng. Đặc biệt, Trường THPT Chu Văn An đã khuyến khích ứng dụng AI trong học tập và giảng dạy; Trường Chính trị tỉnh đã tổ chức một cuộc tập huấn riêng về AI cho toàn bộ giảng viên…
Ngoài ra, học sinh đã tham gia ứng dụng công nghệ AI để hỗ trợ học tập. Đặc biệt là học sinh của 3 trường tham gia thí điểm đã thành lập các câu lạc bộ AI, nhiều học sinh đã biết sử dụng AI hỗ trợ tốt cho việc học và đã tạo nhiều sản phẩm âm thanh, hình ảnh, video sáng tạo nhờ ứng dụng AI.
PV: Yên Bái đã đạt những thành công trong công tác chuyển đổi số nhờ cách làm sáng tạo, mang đặc trưng riêng của tỉnh. Vậy phong trào "Bình dân học AI” có phải là một trong những cách làm như vậy không, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Thúc Mạnh: Đúng vậy. Việc triển khai học kỹ năng sử dụng, điều khiển các dạng AI cho toàn dân chưa có địa phương nào trên cả nước triển khai. "Bình dân học AI” là cách làm riêng, sáng tạo học theo cách làm của phong trào Bình dân học vụ ngày trước, để lan tỏa và phổ cập kỹ năng sử dụng, ứng dụng và điều khiển AI cho người dân ứng dụng vào công việc và cuộc sống.
Chương trình cũng áp dụng theo cách "tư duy ngược”. Tư duy ngược trong triển khai "Bình dân học AI” được hiểu là: thường thì người ta làm nhỏ xong mới làm cho cả xã hội, nhưng đây, AI công nghệ mới nhưng lại được đưa triển khai luôn cho toàn dân. Nói là thế nhưng việc làm theo tư duy ngược cũng phải trên cơ sở khoa học.
Thứ nhất, trí tuệ nhân tạo (AI) đang phát triển với tốc độ chóng mặt, mang đến những thay đổi to lớn cho cuộc sống của con người. Nó sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống nhiều hơn và nhanh hơn các công nghệ mới đã từng đưa vào Việt Nam như Internet hay các ứng dụng trên điện thoại thông minh, nên cần phải nhanh chóng triển khai để AI trở nên hữu ích cho mọi người.
Thứ hai, hầu hết mỗi chúng ta đã đều biết sử dụng các ứng dụng trên điện thoại thông minh, trên Internet hay máy tính. Vì vậy việc sử dụng, điều khiển AI là việc mỗi người đều có thể làm được.
Thứ ba, AI chính là được ví như "động cơ" mới của thời đại cuộc cách mạng 4.0, giúp chúng ta di chuyển nhanh hơn, mạnh mẽ hơn. Đó là lý do mà mỗi người không chỉ cần biết về AI, mà còn cần biết cách "lái" và "điều khiển" nó, nếu muốn phát triển một xã hội số và một nền kinh tế số mạnh mẽ.
Thứ tư, người dân Việt Nam đang được tiếp cận và sử dụng các ứng dụng AI cùng nhịp với người dân các nước tiên tiến trên thế giới, nên cần nắm bắt cơ hội này để nhanh chóng phổ cấp kỹ năng sử dụng, điều khiển AI cho mọi người.
Mỗi người Yên Bái sử dụng thành thạo công cụ AI là chúng ta đã khẳng định được mình đã "đuổi kịp, tiến cùng”, không chỉ với người dân trong nước mà cả đối với người dân các nước tiên tiến trên thế giới.
PV: Với những kết quả tích cực ban đầu đã đạt được trong thực hiện mô hình "Bình dân học AI”, tỉnh Yên Bái sẽ tiếp tục triển khai mô hình này thế nào trong thực hiện trong năm 2024 và thời gian tiếp theo, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Thúc Mạnh: Mô hình "Bình dân học AI” là một sáng kiến quan trọng của tỉnh Yên Bái trong việc thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển kinh tế số, xã hội số. Với sự quyết tâm của chính quyền và sự tham gia của người dân, mô hình này sẽ tiếp tục được triển khai hiệu quả, góp phần đưa Yên Bái trở thành một tỉnh phát triển.
Trong thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ đề xuất, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai mô hình "Bình dân học AI” trên địa bàn toàn tỉnh với sự tham gia, vào cuộc của các cấp, các ngành nhằm nhanh chóng giúp mọi người biết ứng dụng, điều khiển AI.
Tôi tin tưởng rằng, việc triển khai rộng rãi ứng dụng các công cụ AI và biết sử dụng thành thạo AI sẽ tạo cú huých mạnh mẽ cho phát triển kinh tế số, xã hội số, nâng cao hiệu suất công việc của người lao động.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí đã tham gia cuộc trao đổ!