Bình đẳng giới thực chất trong doanh nghiệp
Bình đẳng giới tại doanh nghiệp xảy ra khi tất cả người lao động được tôn trọng ngang nhau, được tạo cơ hội tiếp cận các nguồn lực như nhau và được thụ hưởng thành quả như nhau dựa trên sự đóng góp của mình.
Tư duy đúng về bình đẳng giới
Là một doanh nghiệp triển khai giải pháp bán công nghệ - lấy ý kiến người lao động để làm căn cứ cải tiến liên tục nơi làm việc, Tessellation Việt Nam thường xuyên nhận được những ý kiến đóng góp mà nhiều khi chính bản thân các cấp lãnh đạo, quản lý trong doanh nghiệp chưa từng nghĩ đến. Người lao động dù là bất cứ ai đều được lắng nghe, được phản hồi và nhìn thấy ý kiến của mình được đưa vào thực tế nếu phù hợp.
Nhiều thay đổi từ những thứ rất nhỏ cũng đã được Tessellation thực hiện. ông Cường Nguyễn, Giám đốc CSR của Tessellation Việt Nam cho biết, thay vì chỉ hỗ trợ tiền cho nữ lao động có con nhỏ, công ty này đã triển khai chính sách tương tự đối với nam giới. Nếu trước đây chỉ người lao động nữ được nhận quà nhân ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 thì đến nay người lao động của họ là nam giới cũng được cầm trên tay những món quà ý nghĩa về tặng cho người phụ nữ mà mình thương yêu.
Cũng có tư duy tôn trọng tính tự nhiên, đa dạng và hòa nhập mà không câu nệ yếu tố giới tính trong tổ chức, ông Lê Quang Vũ, CEO Blue C nhấn mạnh ba tiêu chí được chú trọng khi tuyển dụng: Năng lực chuyên môn, tính phù hợp về văn hóa và khả năng thích ứng với những thứ mới, bỏ qua yếu tố về giới khi làm việc với ứng viên.
Chìa khóa của ông khi tiếp cận con người trong tổ chức là luôn nhìn vào những điểm tích cực của họ trước khi nhìn vào khiếm khuyết. Theo một cách tự nhiên, tỷ lệ người lao động nữ ở Blue C cao hơn hẳn so với nam giới.
Hành trình nỗ lực cho bình đẳng giới ở Việt Nam ngày càng đạt nhiều thành tựu. Trong báo cáo khoảng cách giới toàn cầu 2022, Diễn đàn kinh tế thế giới đã chỉ ra, Việt Nam xếp hạng 83/146 quốc gia về bình đẳng giới, tăng bốn bậc so với năm trước đó. Tư duy về bình đẳng giới trong các doanh nghiệp và tổ chức cũng ngày càng tiến bộ.
Trong quan điểm của chị Lê Võ Phương Nga, giám đốc quản trị rủi ro tài chính tại Ngân hàng đầu tư quốc tế Credit Agricole (Pháp) kiêm giám đốc tài chính của Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE), bình đẳng giới là sự trao cơ hội như nhau cho tất cả người lao động chứ không phải ưu ái hơn, tạo điều kiện hơn hay sân chơi tốt hơn để phụ nữ có khả năng xông pha.
Bình đẳng giới tại doanh nghiệp xảy ra khi người lao động được tôn trọng ngang nhau, được tiếp cận các nguồn lực và được thụ hưởng thành quả như nhau dựa trên sự đóng góp của mình, có cơ hội và điều kiện như nhau để nhận biết được các quyền và khả năng đóng góp vào sự phát triển của tổ chức.
Nhiều nhà lãnh đạo hiểu được rằng, bình đẳng giới không có nghĩa là tỉ lệ nam nữ phải cân bằng. Quan niệm bình đẳng giới kiểu thực chất nhìn nhận sự khác biệt về sinh học và sự khác biệt xã hội do lịch sử để lại, từ đó, tập trung điều chỉnh các môi trường có ảnh hưởng tiêu cực đối với cả nam giới và nữ giới.
TS. Đinh Thanh Hương (Pháp) hiện đang quản lý thanh khoản cho một trong các ngân hàng lớn nhất thế giới, là một hội viên rất tích cực của AVSE với rất nhiều dự án ở Việt Nam và quốc tế. Chị còn là mẹ của 5 người con và cùng chồng lo toan mọi việc trong gia đình mà không có người giúp việc.
Bên cạnh sự thấu hiểu và đồng hành của chồng là GS.TS. Nguyễn Đức Khương, Chủ tịch AVSE Global, chị cho biết, văn hóa ở những tổ chức mà chị làm việc mang lại cho chị cảm giác thoải mái để sống trọn với cả thiên chức làm mẹ lẫn đam mê công việc mà không bị áp lực hay mang trong mình những nỗi sợ về bỏ lỡ cơ hội.
Những nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới tại các doanh nghiệp ngày càng rõ nét nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng tư duy đúng.
Nói về bình đẳng giới, vẫn còn tư duy theo kiểu hình thức và cho rằng, nữ có thể tiếp cận các cơ hội giống như cách tiếp cận của nam nên thường chọn cách đối xử với nam và nữ giống hệt nhau không để ý đến sự khác biệt về sinh học cũng như sự khác biệt do xã hội quy định. Bình đẳng giới kiểu này vô hình trung tạo thêm gánh nặng cho nữ giới, buộc họ phải thể hiện mình theo cách của nam giới.
Trong khi đó, những người theo quan niệm bình đẳng giới kiểu bảo vệ nhận diện được sự khác biệt nhưng cho rằng cần tập trung xem xét các điểm yếu của nữ để tạo ra những sự đối xử khác biệt. Tưởng chừng cố gắng tạo ra những “vỏ bọc bảo vệ” cho người lao động nữ nhưng nhưng trên thực tế lại tạo định kiến và cản trở quyền tự do lựa chọn cũng như cơ hội phát triển của nữ giới. Hai chữ “yếu thế” cũng vì vậy mà rõ nét hơn.
Quả thực, chìa khóa nằm ở hai từ lựa chọn. Phụ nữ hay nam giới hoàn toàn có quyền được lựa chọn làm các công việc phù hợp với bản thân hơn, nơi mà họ có thể phát huy năng lực, dựa trên những cơ hội và điều kiện mà tổ chức đã tạo chung cho tất cả người lao động. Điều quan trọng với một tổ chức không phải là tạo sự ưu ái cho nữ giới mà là gỡ bỏ các rào cản để họ có thể tham gia trong tổ chức một cách đầy đủ và bình đẳng.
Tư duy bình đẳng giới kiểu thực chất thúc đẩy sự tôn trọng, chia sẻ, cùng bàn bạc cùng ra quyết định giữa nữ và nam. Nữ và nam cùng được học tập, bồi dưỡng để nâng cao năng lực; tham gia bình đẳng vào công việc lãnh đạo, quản lý; cùng được hưởng thụ đầy đủ các phúc lợi…
“Việc tạo lập văn hóa hòa hợp mà trong đó thúc đẩy sáng tạo và sự hài lòng của đội ngũ nhân viên đã giúp doanh nghiệp đưa ra các quyết định tốt hơn”, bà Beátrice Guillaume-Grabisch, Giám đốc Nhân sự và dịch vụ doanh nghiệp toàn cầu của Tập đoàn Nestlé chia sẻ sau khi năm thứ 5 liên tiếp Nestlé được ghi nhận trong bảng Chỉ số bình đẳng giới Bloomberg 2023 (GEI).
Bình đẳng giới thực chất để phát triển kinh tế một cách bền vững
Không chỉ riêng thực tế diễn ra tại Nestlé, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) chỉ ra việc xóa khoảng cách giới ở các vị trí lãnh đạo và nâng cao vai trò, tiềm năng của phụ nữ trong lực lượng lao động sẽ giúp gia tăng năng suất và sản lượng kinh tế trên toàn cầu.
Một nữ thạc sỹ chuyên ngành thú ý của Học viện nông nghiệp Việt Nam nhiều năm trước vào làm việc tại Công ty Quế hồi Việt Nam Vinasamex với xuất phát điểm là một người công nhân bình thường. Sau một thời gian, chị lên vị trí tổ trưởng sản xuất, rồi lên quản lý sản xuất. Một thời gian sau chị lên làm trưởng phòng kiểm soát chất lượng (QC) và rồi trở thành giám đốc chứng nhận của công ty. Sự thăng tiến trong sự nghiệp đồng nghĩa với sự thay đổi về mặt tư duy. CEO Nguyễn Thị Huyền trao cho đội ngũ nhân sự, trong đó có chị, cơ hội để học hỏi, phát triển bản thân thông qua các chương trình đào tạo trong và ngoài tổ chức.
“Qua thời gian, tôi nhận thấy nhân sự này đã thay đổi rất nhiều, từ cách giao tiếp, hành động, cử chỉ, cách triển khai công việc và làm việc với các đối tác. Người này đã tự tin hơn rất nhiều, nhận nhiều trách nhiệm ngày càng quan trọng và đóng góp tích cực vào sự phát triển của công ty”, lãnh đạo Vinasamex nói.
Điều đáng tiếc là nền kinh tế toàn cầu đang bỏ lỡ 7.000 tỉ USD hằng năm do chưa đạt bình đẳng giới trong lực lượng lao động, theo một báo cáo mới được công bố của công ty phân tích Moody's.
Nghiên cứu cho thấy, tại các nước OECD trong năm 2021, nếu số phụ nữ từ 25 - 64 tuổi tham gia lực lượng lao động bằng với số nam giới cùng nhóm tuổi thì sản lượng kinh tế của toàn bộ các thành viên đã tăng 10% và sản lượng toàn cầu tăng 6,2%. Việc chưa sử dụng đủ nữ giới trong lực lượng lao động đã gây thất thu kinh tế về cá nhân cũng như ở mức độ vĩ mô.
Ở Việt Nam, số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, mặc dù chiếm gần 50% lực lượng lao động của cả nước nhưng thu nhập bình quân của nữ tính đến hết năm 2022 chỉ đạt 5,8 triệu đồng trong khi mức thu nhập bình quân của lao động nam là 7,8 triệu đồng. Bên cạnh đó, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nữ trong quý IV năm 2022 là 62,7%, thấp hơn 12,8 điểm phần trăm so với nam giới.
Dù đã có những nỗ lực không ngừng nghỉ để tiến tới bình đẳng giới, những con số biết nói trên cho thấy vẫn còn nhiều thứ phải làm trên hành trình hướng đến mục tiêu chung cũng như hướng đến việc triển khai các thông lệ tốt của quốc tế về bình đẳng giới một cách thực chất hơn.