Bình đẳng giới trong chính trị thúc đẩy tương lai thị trường việc làm

Phụ nữ chiếm một nửa dân số toàn cầu nhưng chỉ chiếm 26,5% tổng số ghế trong Quốc hội và 22,9% tổng số bộ trưởng trên thế giới. Sự mất cân đối này không chỉ là vấn đề công bằng mà nó tác động trực tiếp đến việc làm, sự thịnh vượng của mỗi quốc gia.

 Bà Kemi Badenoch, lãnh đạo đảng Bảo thủ của Anh, phát biểu trong phiên chất vấn Thủ tướng tại Hạ viện Anh

Bà Kemi Badenoch, lãnh đạo đảng Bảo thủ của Anh, phát biểu trong phiên chất vấn Thủ tướng tại Hạ viện Anh

GDP có thể tăng 0,7% nếu…

Mặc dù đã có nhiều tiến bộ nhưng thế giới phải mất 169 năm nữa mới đạt được bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị. Nếu không có sự thay đổi về chính sách, bất bình đẳng giới trong thị trường lao động vẫn tồn tại, giới hạn tiềm năng kinh tế của một nửa dân số thế giới. Khi trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển, nhân khẩu học thay đổi và biến động kinh tế, việc thu hẹp khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị không chỉ là yêu cầu liên quan đến lợi ích của một giới mà còn là sự thịnh vượng chung của toàn cầu.

Tương lai của thị trường việc làm không chỉ là công nghệ, tự động hóa hay nâng cao kỹ năng mà là quyền lực. Hiện tại, quyền lực đó vẫn được phân bổ không đều. Khi có nhiều phụ nữ ở vị trí lãnh đạo, kinh tế sẽ phát triển. Nghiên cứu cho thấy, nếu tăng 10 điểm phần trăm tỷ lệ đại diện phụ nữ trong Quốc hội thì GDP có thể tăng 0,7%. Khi phụ nữ giữ vị trí lãnh đạo quốc gia, họ có xu hướng ưu tiên các chính sách xã hội có lợi cho tăng trưởng kinh tế, bao gồm giáo dục, chăm sóc sức khỏe, chế độ nghỉ thai sản cho cả người làm cha, làm mẹ. Đây không chỉ là "vấn đề của phụ nữ" mà là chiến lược tăng trưởng kinh tế giúp tăng tỷ lệ nữ tham gia lực lượng lao động, cải thiện năng suất và nâng cao sự ổn định tài chính dài hạn.

Thu hẹp khoảng cách giới trong lĩnh vực việc làm có thể làm tăng GDP toàn cầu lên 12 nghìn tỷ USD, tương đương với mức tăng 11% sản lượng kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, để đạt được điều này cần có sự thay đổi chính sách - loại thay đổi diễn ra nhanh hơn khi phụ nữ tham gia lãnh đạo. Các quốc gia có tỷ lệ lãnh đạo nữ cao thường thông qua các chính sách lao động mạnh mẽ hơn, giúp thu hẹp khoảng cách giới nhanh hơn. Ví dụ, các quốc gia đã ban hành luật minh bạch tiền lương giữa hai giới và chính sách nghỉ thai sản dành cho cha mẹ có khả năng có thành viên nữ trong Chính phủ cao hơn. Ngược lại, các quốc gia có đại diện nữ ở vị trí lãnh đạo thấp hơn thì thường tụt lại trong bảng xếp hạng về bình đẳng tiền lương và bảo vệ quyền lợi người lao động.

Chế độ nghỉ thai sản có lương và dịch vụ chăm sóc trẻ rất quan trọng để giữ chân phụ nữ trong lực lượng lao động và thu hẹp khoảng cách giới về tiền lương. Trong đại dịch Covid-19, số giờ làm công việc không được trả lương của phụ nữ tăng 153%. Họ tiếp tục làm công việc không được trả lương nhiều hơn đàn ông 2,8 giờ mỗi ngày. Các quốc gia có lãnh đạo nữ thường đầu tư vào giáo dục mầm non và chế độ nghỉ thai sản. Ở Iceland, nơi phụ nữ chiếm 48% ghế trong Quốc hội, có chính sách nghỉ thai sản có lương cho cả cha và mẹ. Từ đó, tỷ lệ nữ tham gia lực lượng lao động cao hơn. Ngược lại, tại Mỹ, nơi phụ nữ chỉ chiếm 28% ghế trong Quốc hội, nghỉ thai sản có lương vẫn là một hệ thống phân mảnh, dẫn đến tỷ lệ phụ nữ bỏ việc cao hơn.

Đẩy mạnh đào tạo lại cho lao động nữ

Các quốc gia có hạn ngạch giới trong lĩnh vực chính trị cho thấy sự gia tăng nhanh và bền vững tỷ lệ lãnh đạo nữ, dẫn đến những thay đổi đáng kể trong chính sách và kinh tế. Rwanda, quốc gia dẫn đầu thế giới về tỷ lệ nữ trong quốc hội, đã thực hiện hạn ngạch giới vào năm 2003, yêu cầu ít nhất 30% tổng số ghế trong Quốc hội nước này được dành cho phụ nữ. Hệ thống chỉ tiêu này, kết hợp với quyết tâm chính trị mạnh mẽ, đã giúp Rwanda vượt qua hầu hết quốc gia có thu nhập cao, trở thành nước dẫn đầu thế giới về tỷ lệ nữ trong Quốc hội (chiếm 61%).

Khi ngày càng nhiều quốc gia áp dụng hạn ngạch, lực lượng lao động toàn cầu sẽ được hưởng lợi từ một hệ thống kinh tế công bằng và bao quát hơn. Mexico, Argentina, Pháp và Na Uy cũng đã chứng kiến những tác động tích cực từ việc áp dụng hạn ngạch giới. Các quốc gia như New Zealand, Canada và Thụy Điển đã triển khai các chính sách nghỉ thai sản và chăm sóc trẻ, loại bỏ rào cản, thúc đẩy phụ nữ tham chính.

Việc thu hẹp khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị không chỉ là vấn đề công bằng mà còn là yếu tố quan trọng đối với sự thịnh vượng của quốc gia. Các quốc gia có sự đa dạng giới trong hội đồng quản trị của các doanh nghiệp cao hơn thường có chính sách lao động bình đẳng hơn, vì các khu vực công và tư ảnh hưởng lẫn nhau. Sự minh bạch về tiền lương giúp thu hẹp khoảng cách giới về tiền lương. Các quốc gia như Đức, Canada và Anh, nơi phụ nữ chiếm tỷ lệ lớn trong vị trí lãnh đạo các doanh nghiệp, đã ban hành quy định minh bạch tiền lương. Tại Liên minh châu Âu (EU), nơi tỷ lệ nữ lãnh đạo trung bình là 32%, Chỉ thị Minh bạch tiền lương yêu cầu các công ty báo cáo khoảng cách lương theo giới và giải thích sự chênh lệch lương nếu có.

Với dự báo AI và tự động hóa sẽ thay thế 92 triệu việc làm trên toàn cầu vào năm 2030, các nỗ lực đào tạo lại sẽ quyết định tương lai của thị trường việc làm. Tuy nhiên, các sáng kiến đào tạo hiện tại không giải quyết được sự phân biệt giới, để phụ nữ bị thiếu đại diện trong các lĩnh vực AI, dữ liệu lớn và công nghệ tài chính. Nhiều chính phủ đang đẩy mạnh đầu tư vào các chương trình đào tạo lại cho lao động nữ. Chẳng hạn, Chiến lược Doanh nhân nữ của Canada, được hỗ trợ bởi một chính phủ có 50% bộ trưởng là nữ, đã đầu tư vào các sáng kiến đào tạo lại phụ nữ trong các lĩnh vực STEM và các ngành công nghiệp tăng trưởng cao. Nếu thiếu lãnh đạo nữ thúc đẩy các chính sách này, phụ nữ có nguy cơ bị bỏ lại phía sau trong nền kinh tế số.

Nguồn: weforum.org

Nhu Thụy

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/binh-dang-gioi-trong-chinh-tri-thuc-day-tuong-lai-thi-truong-viec-lam-20250404184300588.htm