Bình đẳng giới trong giảm nghèo đa chiều: Từ chính sách đến hành động
Thúc đẩy, lồng ghép giới trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững đã đạt được nhiều kết quả, thành tựu về giảm nghèo có ý nghĩa to lớn hơn.
Việt Nam là điểm sáng của giảm nghèo bền vững
Công tác giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước; là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Thành tựu về giảm nghèo có ý nghĩa to lớn, khẳng định ý chí quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Chủ trương này được cụ thể hóa bằng nhiều chính sách cũng như hành động thực tiễn nhằm nâng cao đời sống tinh thần và vật chất của người dân, góp phần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo trong xã hội.
Những thành quả về giảm nghèo của Việt Nam được nhiều tổ chức chuyên gia quốc tế đánh giá là "gần như chưa có tiền lệ", được ví như "một cuộc cách mạng".
Hiện Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới và là quốc gia đầu tiên ở châu Á áp dụng chuẩn nghèo đa chiều (MPI). Theo báo cáo Chỉ số nghèo đa chiều toàn cầu được Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) công bố vào ngày 15/7/2023, Việt Nam đã hạ được chỉ số MPI xuống một nửa trong vòng 15 năm qua.
Những thành tựu về xóa đói giảm nghèo của Việt Nam trong thời gian là một trong những thành công nổi bật trong công cuộc xây dựng đất nước thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế. Những nỗ lực về xóa đói giảm nghèo không chỉ thể hiện tinh thần tương thân tương ái, truyền thống quý báu của người Việt Nam, đảm bảo quyền thụ hưởng những thành tựu của sự phát triển cho tất cả mọi người, "không ai bị bỏ lại phía sau".
Thực hiện thúc đẩy bình đẳng giới, lồng ghép giới trong giảm nghèo bền vững là chủ trương của Việt Nam. Trong định hướng chính sách, chúng ta đã chỉ rõ rằng bất bình đẳng giới có mối quan hệ mật thiết với nạn đói nghèo. Bất bình đẳng giới vừa là nguyên nhân của tình trạng đói nghèo, lạc hậu, vừa là rào cản chính đối với phát triển bền vững.
Trước đây, phụ nữ nông thôn, phụ nữ dân tộc miền núi ít được tiếp cận các nguồn lực sản xuất, giáo dục, phát triển kỹ năng và cơ hội việc làm hơn so với nam giới. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do bất bình đẳng giới, người phụ nữ có địa vị thấp hơn, yếu thế hơn.
Thực hiện song song mục tiêu thúc đẩy bình đẳng giới và giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững từ giai đoạn 2011-2020 đã đề cập đến đối tượng là người nghèo, hộ nghèo và đặc biệt ưu tiên đối tượng hộ nghè là phụ nữ, hộ nghèo dân tộc thiểu số. Nhà nước đặc biệt quan tâm đến vấn đề giới trong công tác xóa đói giảm nghèo.
Kế hoạch hành động để giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ người dân tộc thiểu số đối với các nguồn lực kinh tế đã được thực hiện.
Các cấp chính quyền, Hội phụ nữ các cấp tại các địa phương đã triển khai mạnh mẽ việc thúc đẩy cho vay vốn, trợ giúp phụ nữ nghèo phát triển kinh tế, các kế hoạch, chương trình hành động, các mô hình được xây dựng phù hợp với thực tế địa phương. Những mô hình như trồng cây quế tại Lạng Sơn, nuôi gà thả vườn tại Thái Nguyên, người phụ nữ tự mình giúp mình thoát nghèo và cùng giúp nhau thoát nghèo đã được thực hiện.
Kết quả của chương trình hành động này là tỷ lệ hộ nghèo đa chiều liên tục giảm trong giai đoạn 2016-2022. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều năm 2022 là 4,3%, giảm 0,1 điểm phần trăm so với năm 2021 và giảm bình quân 0,81 điểm phần trăm trong giai đoạn 2016-2022. Năm 2023, ước tính tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều tiếp tục giảm 1,1% so với năm 2022, đạt và vượt các mục tiêu đã đề ra của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Việt Nam được đánh giá là điểm sáng trên thế giới trong cuộc chiến chống đói nghèo và là một trong những quốc gia tiên phong trong tiếp cận và áp dụng phương pháp giảm nghèo đa chiều bền vững để thực hiện mục tiêu an sinh xã hội, thúc đẩy bình đẳng giới.
Nhiều chuyên gia quốc tế khi nghiên cứu, đánh giá đã đưa ra nhận xét việc lồng ghép giới, việc cùng hành động để giúp người phụ nữ thoát nghèo đã khiến thành tựu giảm nghèo của Việt Nam sâu rộng, đầy đủ, toàn diện và có ý nghĩa hơn.
Những bài học kinh nghiệm về lồng ghép giới trong giảm nghèo bền vững
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác giảm nghèo hiện nay ở Việt Nam vẫn tiếp tục phải đối diện với nhiều trở ngại, thách thức.
Theo báo cáo của Chính phủ, tỷ lệ tái nghèo trong 4 năm (2016-2019) bình quân 4,1%/năm so với tổng số hộ thoát nghèo. Một số địa phương thuộc miền núi Tây Bắc, Tây Nguyên có tốc độ giảm nghèo chậm, luôn đứng trước nguy cơ tái nghèo, đời sống của người phụ nữ, người dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế. Tại Gia Lai, từ năm 2019-2022 có 461 hộ dân tộc thiểu số tái nghèo (chiếm 85,5%); tại Quảng Ngãi có 579 hộ nghèo phát sinh mới trong năm 2023.
Bên cạnh nguyên nhân về điều kiện tự nhiên, hạ tầng còn nhiều hạn chế thì bài toán giảm nghèo đa chiều của không ít địa phương, nhất là những địa phương vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số còn nan giải bởi nhiều hộ nghèo không có đất, không tư liệu sản xuất. Tại các địa phương này, việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, như y tế, giáo dục, thông tin, nhà ở, nước sạch và vệ sinh,… theo chuẩn nghèo đa chiều gặp không ít thử thách.
Trong quá trình thực hiện, các Hội LHPN địa phương đã đúc kết bài học muốn giảm nghèo bền vững, muốn không tái nghèo thì cần phải khơi dậy được tính tự chủ của người phụ nữ, "trao cần cầu chứ không phải cho con cá". Sau khi tuyên truyền vận động, thực hiện giải pháp hỗ trợ ban đầu, trợ giúp bằng vốn vay thì điều cần thiết là phải trang bị kĩ năng, kiến thức cho người phụ nữ nghèo, để "tự người phụ nữ đứng vững một cách bền vững".
Theo phản ánh, một số chính sách giảm nghèo vẫn thực hiện theo hình thức hỗ trợ không hoàn lại, cơ chế "cho không". Những hỗ trợ này thực tế đã giúp cải thiện cuộc sống trước mắt cho cho nhiều hộ nghèo song từ đây cũng làm nảy sinh tâm lý trông chờ, ỷ lại ở một bộ phận người dân, không khơi thông được nguồn lực trong dân đầu tư thêm vào sản xuất.
Các cán bộ phụ nữ qua quá trình thực hiện đã nêu ý kiến bên cạnh việc hỗ trợ khâu sản xuất (hỗ trợ vốn, hỗ trợ đất đai, hỗ trợ vật tư nông nghiệp) thì còn cần hỗ trợ việc tiêu thụ (hỗ trợ tiếp cận thị trường, hỗ trợ cho liên kết, bán hàng) thì mới thật sự hiệu quả và bền vững. Sau khi phụ nữ đã bắt đầu thoát nghèo thì để thoát nghèo bền vững cần trang bị thêm nhiều kiến thức, cần đẩy mạnh việc đưa phụ nữ nghèo tiếp cận công nghệ để phát triển sản xuất. Nhiều ý kiến ghi nhận từ các cấp Hội phụ nữ là cần có cơ chế linh hoạt hơn trong việc cho vay vốn chính sách xã hội, bởi trên thực tế người nghèo không có vốn đối ứng, khó tiếp cận vốn vay.
Trong điều kiện tình hình mới, cần có những chương trình, kế hoạch hành động mới, phù hợp để tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.