Bình đẳng trong cạnh tranh
Cần có các giải pháp căn cơ và hướng xử lý phù hợp để tránh xung đột về lợi ích giữa các loại hình vận tải khách.
Những năm gần đây, thị trường kinh doanh vận tải xuất hiện thêm loại hình xe hợp đồng dưới 9 chỗ sử dụng phần mềm, tạo ra sự cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường.
Tuy nhiên, việc này còn làm nảy sinh một số vấn đề cần giải quyết để tạo sự bình đẳng trong cạnh tranh. Do vậy, cần có các giải pháp căn cơ và hướng xử lý phù hợp để tránh xung đột về lợi ích giữa các loại hình vận tải khách.
Kể từ khi soạn thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 86, chúng ta đã đưa ra nhiều giải pháp để nhận diện giữa xe kinh doanh vận tải và xe cá nhân. Tuy nhiên, việc nhận diện chỉ là một khía cạnh trong quản lý vận tải. Cần nhanh chóng rà soát, điều chỉnh các quy định pháp luật phù hợp để quản lý hoạt động kinh doanh vận tải khách.
Để bảo đảm cạnh tranh công bằng và tăng cường được công tác quản lý, Nhà nước cần xem xét loại hình này như loại hình “taxi công nghệ” và có giải pháp quản lý căn cơ. Tất cả xe chở khách phải có nhận diện, như một thông báo “tôi là xe chở khách”.
Đối với xe hai bánh đi trên đường có thể nhận biết ngay màu sắc của các hãng, màu xanh của Grab, màu đỏ của Go -Viet, hay màu vàng của Be. Xe 4 bánh chúng ta cũng có thể quản lý theo hình thức này.
Bộ GTVT đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô. Một số điểm thay đổi như: Quy định chung niên hạn xe; doanh nghiệp, HTX kinh doanh vận tải sử dụng hợp đồng điện tử phải thông báo trên giao diện của khách hàng số điện thoại của đơn vị để liên hệ trong trường hợp khẩn cấp.
Xe hợp đồng điện tử phải có phù hiệu và niêm yết chữ “Xe hợp đồng” hay taxi được lựa chọn gắn hộp đèn hay không… Đây là những quy định rất quan trọng để nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động vận tải khách nói chung.
Bên cạnh những giải pháp đó, cần khuyến khích các doanh nghiệp taxi truyền thống tham gia vào cuộc cạnh tranh trong cách mạng công nghệ 4.0 bằng việc xây dựng một hệ thống đặt xe (ứng dụng gọi xe thông minh tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI), thanh toán, camera theo dõi và hiển thị thông tin của đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải tới khách hàng.
Bằng việc quản lý hệ thống chung cho các đơn vị cơ quan quản lý Nhà nước có thể kiểm soát tốt hơn hoạt động của các phương tiện vận tải từ đó đưa ra những quy định phù hợp phục vụ công tác quản lý và người dân có thể đặt xe taxi truyền thống theo cả 2 phương thức.
Cùng đó, phương tiện và người điều khiển phương tiện của các hãng taxi và các hãng xe hợp đồng có sử dụng phần mềm đều cần được kiểm soát chặt chẽ. Việc gia tăng số lượng phương tiện và niên hạn sử dụng phương tiện cần có điều chỉnh bằng việc phương tiện được đăng ký tại địa bàn hoạt động chỉ được hoạt động trên địa bàn đó.
Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/binh-dang-trong-canh-tranh-d442322.html