Bình dị đón xuân

Khoảng 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán. Năm nay, không khí chuẩn bị tết khá trầm lắng. Tết đang đến từ những bước chuẩn bị bình thường, dung dị ở những ruộng hoa và những làng nghề.

Năm nào cũng vậy, đến khoảng giữa tháng 10 Âm lịch, ông Ba Huy (quê ở Bến Tre) lại xuống giống vạn thọ chuẩn bị phục vụ thị trường tết. Với kinh nghiệm mười mấy năm trồng hoa tết, ông Huy nói thời tiết năm nay thuận lợi nên hoa phát triển tốt nhưng ngay từ đầu vụ, ông không dám trồng nhiều vì lo tình hình dịch bệnh sẽ ảnh hưởng tới sức mua của người dân.

Ông chia sẻ: “Tôi thuê đất trồng vạn thọ ở phường 5, TP.Tân An đã 6 năm. Mọi năm, tôi trồng khoảng 15.000 chậu nhưng năm nay chỉ trồng 10.000 chậu vì sợ khó tiêu thụ. Đến khoảng 21 tháng Chạp sẽ có lái đến chở hoa đi”. Những chậu vạn thọ xanh tốt được xếp ngay hàng thẳng lối như mang sắc xuân đến sớm hơn.

Với kinh nghiệm mười mấy năm trồng hoa bán Tết, ông Huy nói thời tiết năm nay thuận lợi nên cây phát triển tốt nhưng ngay từ đầu vụ, ông không dám trồng nhiều như những năm trước

Với kinh nghiệm mười mấy năm trồng hoa bán Tết, ông Huy nói thời tiết năm nay thuận lợi nên cây phát triển tốt nhưng ngay từ đầu vụ, ông không dám trồng nhiều như những năm trước

Vạn thọ vốn là loài hoa không thể thiếu trong Tết Nguyên đán nên được nhiều nông dân chọn trồng để bán vào dịp tết. Ông Nguyễn Minh Tuấn (ấp 7, xã Phước Tân Hưng, huyện Châu Thành) cho biết, năm nào gia đình ông cũng trồng hoa bán tết trong khoảng sân nhỏ trước nhà. Năm nay cũng vậy, dù biết bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, sức mua sẽ giảm nhưng với quan niệm tết phải có hoa nên ông vẫn trồng. “Tôi trồng số lượng ít bán cho bà con quanh đây. Tết đến, nhà nào cũng muốn có vài chậu hoa chưng cho có không khí tết. Với lại, tôi trồng đã quen rồi, tới vụ mà không làm cũng buồn!” - ông Tuấn chia sẻ.

Thời điểm này, trên khắp các nẻo đường, không khó để bắt gặp những ruộng hoa đón tết đang xanh lá. Dù kinh tế khó khăn nhưng không khí tết vẫn tràn về qua những khóm hoa.

Theo chân người quen, chúng tôi về thăm làng nghề đan cần xé ở xã An Ninh Đông, huyện Đức Hòa vào những ngày cuối năm. Cứ ngỡ cần xé sẽ không liên quan gì đến tết nhưng chị Nguyễn Thúy Hiếu - Tổ trưởng Tổ liên kết đan cần xé tại An Ninh Đông, cho biết vừa nhận hợp đồng đan 1.000 cần xé nhỏ để cắm hoa phục vụ tết. Đơn hàng được chia ra cho các thành viên trong tổ cùng làm. Chị nói: “Bây giờ không chỉ đan cần xé lớn như trước, chúng tôi nhận đan theo kích cỡ khách hàng yêu cầu. Có đơn đặt hàng phù hợp, chúng tôi đều nhận. Mùa tết, giỏ hoa hình cần xé hút hàng, năm nào cũng vậy!”.

Gần tết, các đơn hàng cần xé nhỏ để cắm hoa nhiều hơn nên vợ chồng bà Trần Thị Trừ làm việc cả ngày, có khi làm đến khuya để kịp giao cho khách hàng

Gần tết, các đơn hàng cần xé nhỏ để cắm hoa nhiều hơn nên vợ chồng bà Trần Thị Trừ làm việc cả ngày, có khi làm đến khuya để kịp giao cho khách hàng

Nghề đan cần xé có mặt ở An Ninh Đông từ khi nào có lẽ không ai nhớ nhưng đã trở thành nghề truyền thống từ nhiều năm qua. Vừa chẻ tre, bà Trần Thị Trừ vừa nói: “Tôi làm nghề này từ khi còn nhỏ. Cũng nhờ đan cần xé mà tôi xây được nhà, nuôi lớn mấy đứa con”. Nhà bà Trừ chất đầy tre, trúc và cần xé nhiều kích cỡ khác nhau. Để làm được một chiếc cần xé đòi hỏi phải qua nhiều công đoạn. Bà Trừ cho biết, những năm trở lại đây, làng nghề nhận được đơn đặt hàng từ các công ty trong và ngoài nước nên đời sống người làm nghề được cải thiện hơn. Tuy nhiên năm 2021, do dịch bệnh nên các đơn hàng bị hủy nhiều.

Gần tết, các đơn hàng cần xé nhỏ để cắm hoa nhiều hơn nên vợ chồng bà làm việc cả ngày, có khi phải thức đến khuya để kịp giao cho khách hàng. Mặc dù nguồn thu nhập từ đan cần xé không quá cao nhưng có thể giúp gia đình bà có cái tết sung túc hơn. Bà Trừ chia sẻ: “Có hàng để làm là tôi mừng rồi, vì đan cần xé là nguồn thu nhập chính của vợ chồng tôi mà!”. Vừa nói, bà vừa nhanh tay chẻ tre, niềm vui tết đến ở làng nghề đan cần xé giản đơn là vậy.

Năm nay, không khí chuẩn bị tết khá trầm lắng, rất bình thường và dung dị như thế!

Quế Lâm

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/binh-di-don-xuan-a128242.html