Bình Định: Các địa bàn chuẩn bị quỹ đất sạch, sẵn sàng thu hút dự án mới
UBND tỉnh Bình Định yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các cụm công nghiệp, chuẩn bị quỹ đất sạch nhằm đảm bảo diện tích đất sẵn sàng thu hút các dự án mới.
Với những nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và sự chủ động, chuẩn bị các điều kiện thuận lợi, thời gian qua tỉnh Bình Định tiếp tục thu hút được nhiều dự án đầu tư mới của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Thu hút các dự án khai thác thế mạnh của địa phương
Ngày 29/6 vừa qua, tại Cụm công nghiệp Bình Nghi, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, Công ty CP Công nghiệp Kamado đã động thổ xây dựng Nhà máy sản xuất gạch ốp lát granite. Dự án Nhà máy sản xuất gạch ốp lát granite có tổng vốn gần 1.000 tỷ đồng, tổng công suất 18 triệu m2/năm trên tổng diện tích 22 ha.
Đây là Dự án động lực, với quy mô lớn, có tác động lan tỏa, triển khai trên địa bàn có truyền thống, thế mạnh về sản xuất vật liệu xây dựng. Dự kiến sau khi hoàn thành và đi vào hoạt động từ tháng 9/2024, Dự án sẽ đóng góp tích cực vào việc nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị sản xuất hàng hóa của tỉnh, tạo việc làm và thu nhập cho lao động địa phương, tăng thu cho ngân sách Nhà nước.
Đồng thời, cùng với Nhà máy sản xuất gạch ốp lát cao cấp và ngói tráng men Takao Bình Định, sẽ góp phần hình thành và phát triển cụm liên kết ngành vật liệu xây dựng tại huyện Tây Sơn theo hướng bền vững; định hình Tây Sơn trở thành trung tâm sản xuất vật liệu xây dựng ốp lát của tỉnh Bình Định và cả khu vực miền Trung.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng mới có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư là Công ty Cổ phần Thương mại Bảo Đạt Thành đầu tư Nhà máy chế biến dăm gỗ và sản xuất viên nén sinh học xuất khẩu Tây Sơn quy mô sản xuất dăm gỗ 80.000 tấn sản phẩm/năm, viên nén gỗ 150.000 tấn sản phẩm/năm. Dự án được xây dựng trên diện tích 34.661,3 m2 tại Lô A3, A4 Cụm công nghiệp Cầu 16, xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn với tổng vốn đầu tư 354 tỷ đồng.
Nhà máy chế biến dăm gỗ và sản xuất viên nén sinh học xuất khẩu Tây Sơn dự kiến sẽ tiến hành các hạng mục từ Quý III/2024 đến Quý IV/2024, và đến Quý III/2025 sẽ đi vào hoạt động.
Số liệu của Cục Thống kê tỉnh Bình Định 7 tháng đầu năm nay cho biết, về đầu tư nước ngoài (FDI), từ đầu năm đến nay tỉnh thu hút 01 dự án FDI đăng ký đầu tư mới, với tổng vốn đầu tư 81.065 USD; điều chỉnh 04 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn điều chỉnh tăng 26,28 triệu USD, thu hồi 1 dự án với tổng vốn đầu tư 102 tỷ đồng (4.396.551 USD). Tính đến nay, toàn tỉnh có 86 dự án FDI với tổng vốn đăng ký trên 1,128 tỷ USD; trong đó 48 dự án ngoài khu công nghiệp và khu kinh tế với tổng vốn đăng ký 245,628 triệu USD và 38 dự án trong khu công nghiệp và khu kinh tế với tổng vốn 882,82 triệu USD.
Về đầu tư trong nước, lũy kế từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh thu hút được 50 dự án với tổng vốn đầu tư đạt 11.561,6 tỷ đồng, trong đó có 11 dự án trong khu công nghiệp và khu kinh tế với tổng vốn đăng ký trên 503,1 tỷ đồng; 39 dự án ngoài khu công nghiệp và khu kinh tế với tổng vốn đầu tư trên 11.058 tỷ đồng. Bên cạnh đó, thực hiện tăng vốn đầu tư 46 dự án với tổng vốn tăng thêm 3.770 tỷ đồng.
Trong tháng 7/2023, tỉnh đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 75 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký 360 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm đến nay đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 661 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký 6.403 tỷ đồng, so với cùng kỳ giảm 16,4% về số doanh nghiệp đăng ký và giảm 12,3% về vốn đăng ký.
Mỗi địa bàn chuẩn bị quỹ đất sạch ít nhất từ 20 - 30ha/năm
Ngày 25/7/2023, UBND tỉnh Bình Định có Văn bản số 5207/UBND-KT gửi các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh về một số vấn đề liên quan đến việc thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh giao Ban Quản lý Khu kinh tế chủ trì, làm việc với chủ đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp, thực hiện rà soát, kiểm tra suất đầu tư, khả năng đáp ứng cơ sở hạ tầng, mức giá cho thuê hạ tầng, tiến độ đầu tư theo quy định; xây dựng mức giá phù hợp để thúc đẩy thu hút đầu tư; tham mưu, đề xuất báo cáo UBND tỉnh trước ngày 15/8/2023.
Sở Công Thương chủ trì, làm việc với chủ đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp và các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan, thực hiện rà soát kiểm tra suất đầu tư, khả năng đáp ứng cơ sở hạ tầng, mức định giá cho thuê hạ tầng, tiến độ đầu tư theo quy định tại các cụm công nghiệp; xây dựng mức giá phù hợp để thúc đẩy thu hút đầu tư; đồng thời tổng hợp diện tích đất sẵn sàng thu hút các dự án mới theo báo cáo của các địa phương; tham mưu, đề xuất báo cáo UBND tỉnh trước ngày 15/8/2023.
Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các cụm công nghiệp chưa có quỹ đất sạch, đồng thời đề xuất giải pháp chuẩn bị quỹ đất sạch, ít nhất mỗi địa bàn từ 20 - 30ha/năm, nhằm đảm bảo diện tích đất sẵn sàng thu hút các dự án mới; báo cáo gửi Sở Công Thương trước ngày 12/8/2023 để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.