Bình Định: Chú trọng nguồn nhân lực để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo
Năm 2025, tỉnh Bình Định sẽ triển khai đề án phát triển nguồn nhân lực chủ chốt cho định hướng phát triển công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo và sẽ cần trên 8.000 nhân lực có trình độ đáp ứng cho các giai đoạn trong dự án.
Với mục tiêu trên, UBND tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp triệu tập lãnh đạo đầu ngành của địa phương để họp bàn giải pháp, định hướng cho Dự thảo “Đề án phát triển nguồn nhân lực phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng; Tăng cường giáo dục STEM trong các trường học và thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục”.
Theo đó, mục tiêu chung của đề án nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển ngành tại tỉnh Bình Định và trong khu vực trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), an ninh mạng và công nghệ thông tin; tăng cường giáo dục STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học) nhằm thúc đẩy khả năng tư duy sáng tạo, giải quyết vấn đề, và kỹ năng kỹ thuật số cho thế hệ rẻ hưởng đến từng bước cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng của tỉnh. Thực hiện chuyển đổi số toàn diện trong giáo dục, hiện đại hóa hệ thống giáo dục để hỗ trợ quá trình học tập và phát triển các kỹ năng cần thiết.
Với dự thảo đưa ra sẽ triển khai theo lộ trình trong 3 giai đoạn: Giai đoạn đầu năm 2025 - 2026 là giai đoạn then chốt tập trung hoàn thiện, chuẩn bị và khởi động giai đoạn cơ bản của đề án. Trong giai đoạn này cung ứng hơn 600 nhân lực chất lượng cao. Giai đoạn tiếp theo từ năm 2027 - 2030 dự kiến sẽ đào tạo và cung ứng 7.645 nhân lực và giai đoạn 3 là tầm nhìn đến năm 2045.
Dự thảo đề án cũng đưa ra nhiều giải pháp để thực hiện, về phát triển nguồn nhân lực như: xây dựng chương trình về đào tạo nhân lực về bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng, chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; Tăng cường giáo dục STEM theo quy định, tiến hành giải pháp chuyển đổi số trong giáo dục và đẩy mạnh hợp tác quốc tế...
Với mục tiêu đề ra, các đại biểu tham dự cũng đã thảo luận, đưa ra nhiều ý kiến đóng góp thiết thực, đi sát với thực tế và tình hình tại địa phương. Trong đó, các cơ sở giáo dục đào tạo là khâu then chốt, hình thành, phát triển nguồn nhân lực đa dạng, chuyên sâu phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng. Sẵn sàng đội ngũ lao động chuyên sâu đáp ứng yêu cầu từ các tập đoàn quốc tế khi quyết định đầu tư ngành công nghiệp công nghệ cao tại khu vực duyên hải miền trung.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn cho rằng, ngành công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng là một trong những hướng đi khác biệt của tỉnh Bình Định trong thời gian tới. Do đó, việc xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực cho các lĩnh vực này sẽ tạo điều kiện để Bình Định bứt phá trên con đường phát triển mới. Đồng thời, đây cũng là kỳ vọng trong tương lai sẽ trở thành nơi cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành công nghiệp bán dẫn, AI và an ninh mạng.
Để triển khai đề án trọng tâm ngay từ đầu năm 2025, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo cùng Trường Đại học Quy Nhơn tiếp thu các ý kiến đóng góp từ các cơ sở giáo dục trong và ngoài tỉnh để kiện toàn, hoàn thiện và sớm ban hành đề án.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, việc đầu tư xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao là chiến lược dài hạn. Đây sẽ là nền tảng giúp khai thác hiệu quả tiềm năng của ngành bán dẫn và AI, qua đó góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển bền vững trong thời đại số, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nhấn mạnh.