Bình Định đang gặp vướng mắc mỏ vật liệu phục vụ thi công dự án cao tốc
Các mỏ vật liệu san lấp tại tỉnh Bình Định không có trong các hạng mục của các dự án thành phần thuộc dự án cao tốc qua địa bàn được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt.
Ông Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định vừa ký văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị giải quyết vướng mắc về mỏ vật liệu phục vụ thi công Dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 – 2025 qua địa bàn tỉnh Bình Định (gọi tắt là Dự án Cao tốc qua tỉnh Bình Định).
UBND tỉnh Bình Định cho biết, qua nghiên cứu quy định của pháp luật về đất đai và Thông báo số 167, ngày 25/11/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, địa phương nhận thấy các mỏ vật liệu san lấp tại tỉnh Bình Định có trong Hồ sơ khảo sát vật liệu của Ban Quản lý dự án 2, Ban Quản lý dự án 85 (thuộc Bộ Giao thông Vận tải) nhưng không có trong các hạng mục của các dự án thành phần thuộc Dự án Cao tốc qua tỉnh Bình Định đã được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt.
Do đó, tỉnh Bình Định đang gặp vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện việc thu hồi đất đối với các mỏ đất san lấp như phải thực hiện thỏa thuận nhận chuyển nhượng, thuê lại đất của người sử dụng đất…
Trước những vướng mắc này, UBND tỉnh Bình Định đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn quy trình, hình thức thẩm định và ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường đối với nội dung cam kết bảo vệ môi trường tại Bảng đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị, kế hoạch và bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho Dự án Cao tốc qua tỉnh Bình Định.
Cùng với đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần hướng dẫn cụ thể nội dung thu hồi đất đối với mỏ vật liệu phục vụ thi công Dự án Cao tốc qua tỉnh Bình Định.
Trước đó, vào ngày 5/5/2023, theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Định, 7 địa phương đã bàn giao mặt bằng cho nhà thầu và đang triển khai thi công 29 trên tổng số 39 khu tái định cư; 10 khu tái định cư còn lại đang thực hiện thẩm định báo cáo nghiên cứu kỹ thuật, báo cáo kinh tế kỹ thuật, lựa chọn nhà thầu thi công.
Trong đó, việc chậm trễ thực hiện khu tái định cư được các địa phương báo cáo là do phải thực hiện quy trình, thủ tục hồ sơ đăng ký khai thác vật liệu đất đắp theo quy định tại Nghị định số 158/2016/NĐ-CP của Chính phủ và theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường (phải lập hồ sơ thăm dò, phê duyệt trữ lượng, lập báo cáo kinh tế kỹ thuật, báo cáo tác động môi trường, lập hồ sơ cấp giấy phép khai thác...).
Được biết, tỉnh Bình Định đã thống nhất việc sử dụng điểm mỏ TDHN30 (Gò Bà Nông, phường Bồng Sơn, thị xã Hoài Nhơn) để phục vụ thi công Dự án Thành phần đoạn Hoài Nhơn - Quy Nhơn (Tổng công ty xây dựng Trường Sơn sử dụng); điểm mỏ ký hiệu TDVC07 (xã Canh Hiển, huyện Vân Canh) để phục vụ thi công gói thầu 11-XL của Dự án Thành phần đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh (Tổng Công ty xây dựng số 1 - CTCP đại diện liên danh đăng ký khai thác).