Bình Định: Khuyến công làm cầu nối, thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển

Thời gian qua, khuyến công Bình Định đã thực hiện tốt chức năng cầu nối, tiếp sức và thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển.

Phóng viên Báo Công Thương có cuộc trao đổi với ông Văn Thái Toàn - Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Bình Định - nhằm làm rõ hơn về vấn đề này!

PV: Xin ông cho biết những kết quả đạt được của công tác khuyến công tại tỉnh Bình Định trong thời gian qua?

Ông Văn Thái Toàn: Trong những năm qua, hoạt động khuyến công trong tỉnh đã thực hiện tốt chức năng cầu nối, tiếp sức và thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển. Các chương trình, đề án khuyến công thu hút được một lượng lớn vốn đối ứng của cơ sở công nghiệp nông thôn.

Ông Văn Thái Toàn - Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Bình Định

Ông Văn Thái Toàn - Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Bình Định

Năm 2023, tổng kinh phí khuyến công trên địa bàn tỉnh Bình Định đã được phê duyệt hỗ trợ hơn 6,9 tỷ đồng cho 45 đề án, tăng 19,5% so với năm 2022. Trong đó kinh phí khuyến công quốc gia thực hiện 3 đề án (gồm 2 đề án nhóm của 5 doanh nghiệp và 01 đề án hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết CCN) với kinh phí hỗ trợ gần 1,5 tỷ đồng (chiếm 21,5% so toàn tỉnh); kinh phí khuyến công địa phương thực hiện 39 đề án với kinh phí hỗ trợ hơn 5,5 tỷ đồng (có 34 đề án của 34 doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn với tổng kinh phí hỗ trợ gần 5 tỷ đồng).

Mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 và xung đột giữa Nga - Ukraine đã tác động tiêu cực đến quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, nhưng các cơ sở công nghiệp nông thôn vẫn quyết tâm đầu tư máy móc thiết bị và đưa vào hoạt động để phục hồi sản xuất, kinh doanh. Sau khi được hỗ trợ từ nguồn vốn khuyến công, các cơ sở công nghiệp nông thôn tập trung khôi phục và phát triển sản xuất sau đại dịch, tạo ra các sản phẩm lợi thế của địa phương, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.

Thông qua các chương trình khuyến công đã khuyến khích các cơ sở công nghiệp nông thôn thúc đẩy sản xuất, đổi mới máy móc thiết bị, công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ....

Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, công tác khuyến công của tỉnh hiện vẫn còn có những hạn chế như: Các nội dung hoạt động khuyến công chưa được triển khai toàn diện, nội dung hoạt động chủ yếu hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật và ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; chưa chú trọng công tác xây dựng thương hiệu, tăng cường quảng bá, xúc tiến thị trường tiêu thụ...

Ngoài ra, quy mô của một số đề án khuyến công còn nhỏ, chưa đa dạng; đề án khuyến công nhóm còn ít, chưa triển khai được đề án khuyến công điểm; chưa có đề án khuyến công có sức lan tỏa lớn, có vai trò làm động lực thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn.

Bên cạnh đó, nhận thức của các cơ sở, doanh nghiệp về hoạt động khuyến công chưa đầy đủ, một số ít cơ sở còn e ngại khi được hướng dẫn xây dựng đề án, thủ tục hỗ trợ kinh phí khuyến công...; nhiều đối tượng thụ hưởng chính sách khuyến công vẫn chưa tiếp cận được đầy đủ thông tin và chính sách của nhà nước về khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn.

PV: Có ý kiến cho rằng trong bối cảnh sản xuất công nghiệp chững lại, nguồn vốn khuyến công càng phát huy hơn nữa vai trò là “vốn mồi”, tiếp sức để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ, tái cơ cấu sản xuất. Quan điểm của ông về vấn đề này?

Ông Văn Thái Toàn: Năm 2023 có 78 đề án đăng ký tham gia chương trình khuyến công với tổng kinh phí thực hiện là 37 tỷ đồng, trong đó đề nghị kinh phí khuyến công hỗ trợ khoảng 15,4 tỷ đồng. Trong thời gian qua được sự quan tâm của Bộ Công Thương và UBND tỉnh Bình Định, kinh khí khuyến công hằng năm ngày càng tăng, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được thực tế, do nhu cầu khôi phục, phát triển sản xuất sau dịch COVID 19.

Khuyến công Bình Định đã thực hiện tốt chức năng cầu nối, tiếp sức và thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển

Khuyến công Bình Định đã thực hiện tốt chức năng cầu nối, tiếp sức và thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển

Mặc dù mức hỗ trợ đối với từng dự án chưa lớn, nhưng đã góp phần giúp cho các chủ đầu tư, doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc công nghiệp hóa, ứng dụng công nghệ mới... vào quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh; mạnh dạn mở rộng đầu tư phát triển sản xuất.

Hoạt động khuyến công Bình Định với mục tiêu “hỗ trợ nhanh - phục hồi sớm - hiệu quả cao” đã kịp thời đồng hành cùng các cơ sở công nghiệp nông thôn khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh; đã thực hiện tốt chức năng làm cầu nối, tiếp sức và thúc đẩy công nghiệp nông thôn phát triển mạnh mẽ. Các chương trình, đề án khuyến công đã thu hút được một lượng vốn đối ứng lớn của cơ sở công nghiệp nông thôn, sau khi được hỗ trợ, hoạt động sản xuất kinh doanh của các đối tượng được thụ hưởng đang hoạt động rất có hiệu quả, đóng góp giá trị sản xuất công nghiệp, tăng thu ngân sách địa phương.

PV: Để khắc phục những tồn tại, khó khăn, xin ông cho biết kế hoạch thực hiện chương trình khuyến công của tỉnh trong những tháng cuối năm và định hướng hỗ trợ khuyến công của tỉnh trong thời gian tới?

Ông Văn Thái Toàn: Thời gian tới, đơn vị sẽ tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động khuyến công, coi khuyến công là một trong các giải pháp trọng tâm để chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn tỉnh theo hướng công nghiệp, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, thường xuyên rà soát, xây dựng, sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện các cơ chế, chính sách của tỉnh trong lĩnh vực khuyến công, nhằm thúc đẩy sản xuất công nghiệp nông thôn phát triển. Song với đó, sẽ tiếp tục rà soát, đăng ký các đề án có tính khả thi và hướng dẫn lập đề án khuyến công điểm, có tính lan tỏa tập trung vào các ngành nghề, sản phẩm chế biến sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế và các sản phẩm đặc trưng của địa phương. Chủ động đề xuất điều chỉnh khi xây dựng Kế hoạch khuyến công hàng năm phù hợp với thực tế để nâng cao hiệu quả của Chương trình, trong đó tập trung vào các nội dung mới có sức lan tỏa và tác động lớn đến phát triển công nghiệp nông thôn. Tăng cường công tác phối hợp chặt chẽ và có hiệu quả giữa các cấp, các ngành trong quá trình xây dựng kế hoạch, đăng ký danh mục, chương trình khuyến công, lập đề án, xét duyệt và tổ chức triển khai thực hiện.

Đơn vị tổ chức nghiệm thu các đề án khuyến công trên địa bàn tỉnh

Đơn vị tổ chức nghiệm thu các đề án khuyến công trên địa bàn tỉnh

Ngoài ra, sẽ tập trung nâng cao chất lượng trong việc lựa chọn các cơ sở công nghiệp nông thôn được thụ hưởng các chương trình, đề án khuyến công; tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện chương trình, đề án khuyến công đảm bảo nguồn kinh phí khuyến công được sử dụng đúng đối tượng, đúng mục đích và đúng quy định của pháp luật. Tiếp tục tuyên truyền hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn nhận thức đúng về mục đích, nội dung và hiệu quả của chương trình khuyến công, cập nhật các quy định mới về khuyến công do các cấp ban hành.

Phối hợp, lồng ghép các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia với Chương trình khuyến công; tích cực tìm kiếm, tranh thủ sự đồng tình hợp tác, ủng hộ của các tổ chức, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, các chuyên gia giỏi để huy động các nguồn lực và nguồn vốn hợp pháp ngoài nguồn ngân sách nhằm đẩy mạnh hoạt động khuyến công.

Xin cảm ơn ông!

Hạ Vĩ thực hiện

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/binh-dinh-khuyen-cong-lam-cau-noi-thuc-day-cong-nghiep-nong-thon-phat-trien-284421.html